Hồi ức của anh hùng Uông Xuân Lý

Anh hùng Uông Xuân Lý trò chuyện với các bạn trẻ Hà Tĩnh về truyền thống lịch sử yêu nước của thế hệ đi trước. Ảnh: M.T.
Anh hùng Uông Xuân Lý trò chuyện với các bạn trẻ Hà Tĩnh về truyền thống lịch sử yêu nước của thế hệ đi trước. Ảnh: M.T.
TP - Ðã 50 năm trôi qua, những ký ức hào hùng trong trí nhớ, trái tim của người anh hùng lực lượng vũ trang một thời vào sinh ra tử tại trọng điểm Ðồng Lộc vẫn hiện lên sống động như vừa mới trải qua ngày hôm qua…

Anh hùng lực lượng vũ trang Uông Xuân Lý (sinh năm 1940), quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp trường Công nghiệp kỹ thuật Hòa Bình năm 22 tuổi, chàng lái máy trẻ với bao ước vọng đã xung phong vào các địa bàn khó khăn để xây dựng các công trình trọng điểm của đất nước. Tháng 5/1967, Uông Xuân Lý được tăng cường về xây dựng lực lượng thi công cơ giới của tỉnh Hà Tĩnh, ông được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ máy gạt.

“Ðơn vị thi công cơ giới của chúng tôi được gấp rút điều động về bảo đảm giao thông tại khu vực trọng yếu này. Riêng tổ máy gạt do tôi làm tổ trưởng được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông ngay tại Ngã ba đồng Lộc”, anh hùng Uông Xuân Lý nhớ lại.

Tại chảo lửa túi bom, máy bay địch thường xuyên quần đảo, bắn phá dữ dội. “Với nhiệm vụ phải đảm bảo thông xe đồng bộ, bằng mọi giá trên cả tuyến dài 5km, tổ máy chủ lực do tôi lái một máy luôn có mặt ở những vị trí xung yếu nhất”, anh hùng Uông Xuân Lý kể.

Liều  mình xúc bom

Ngày 13/6/1968, tại đầu Bắc của Cầu Tối, địch thả một loạt bom nổ chậm, công binh tập trung rà phá nhưng còn hai quả bom nằm gần nhau chưa phá được. Tình huống rất căng thẳng, anh em trong tổ đều xung phong nhận trách nhiệm về mình. “Là tổ trưởng, tôi không chịu. Lúc lên xe, đồng đội đã xếp hàng tiễn biệt. Lợi dụng pháo sáng, tôi cho máy tiến gần quả bom. Sau gần nửa tiếng đồng hồ cho máy tiếp cận gần quả bom rồi lùi nhanh, nó vẫn lì lợm nằm đó”, ông Lý kể. Tổ trưởng đành liều mình cho máy tiếp xúc trực tiếp hai quả bom, chấp nhận hy sinh. Sau những giây phút căng thẳng, hai quả bom được đưa ra vị trí an toàn trong tiếng reo mừng và những vòng tay ôm chặt của đồng đội, trả lại con đường cho đoàn xe vận tải 100 chiếc chở hàng hoá, vũ khí vào Nam. Lực lượng công binh xác nhận đó là hai quả bom nổ chậm, một quả nổ sau đó mấy ngày, quả khác mấy tháng sau mới phát nổ.

Mỗi lần gợi nhớ lại thời khắc ác liệt, người anh hùng một thời vẫn không khỏi giật mình. “Ðể bảo đảm an toàn, buồng lái của máy được tháo hết kính chắn gió, mặt trong lót thêm lớp tôn, chèn thêm giẻ rách, chăn chiên và rạ nhằm chống bom bi”, ông Lý nhớ lại. Với kinh nghiệm của một người được đào tạo lái máy bài bản, để cho địch không phát hiện ra ánh sáng phản quang từ hai dây xích và cái lưỡi gạt bằng thép của máy gạt, Uông Xuân Lý nghĩ ra cách ngụy trang một lớp bùn đất, tháo hết các loại đèn chiếu sáng, loại bỏ hoàn toàn ánh sáng nhân tạo trong vùng máy hoạt động.

Sau 50 năm, trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Ngã ba Ðồng Lộc đã được đầu tư xây dựng trở thành Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và là điểm du lịch tâm linh của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm 1970, Tổ máy được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 2010, Uông Xuân Lý vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Khánh thành Ðền thờ Ngã ba Ðồng Lộc

Nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018), Tỉnh Ðoàn Hà Tĩnh phối hợp với Hội cựu TNXP vừa tổ chức buổi gặp mặt cựu TNXP tiêu biểu. Buổi gặp mặt được tổ chức ngay tại Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc với sự tham dự của hàng trăm cựu TNXP. Nhiều người không nén nổi xúc động bật khóc trước mộ 10 nữ anh hùng.

18 giờ ngày 14/7, tại Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc diễn ra Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ. Sáng 15/7, diễn ra Lễ khánh thành Ðền thờ Ngã ba Ðồng Lộc.

MỚI - NÓNG