Hôn nhân ảo tấn công hôn nhân thật - đại dịch thời @

Hôn nhân ảo tấn công hôn nhân thật - đại dịch thời @
TPCN - Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay ở Trung Quốc có khoảng 12 vạn cặp vợ chồng “lấy nhau trên mạng”.
Hôn nhân ảo tấn công hôn nhân thật - đại dịch thời @ ảnh 1

Trong số các cặp vợ chồng ảo đó, có nhiều đôi đang là học sinh trung học, cũng có những người tuổi đã trung niên, có những người lao động làm thuê, cũng có cả những trí thức hay lao động cổ trắng thu nhập rất cao.

Nhận hôn thú, mua nhà, tổ chức lễ cưới, sinh con…những cuộc kết hôn qua mạng khiến cuộc sống của các cô cậu học sinh trở nên vui vẻ, thú vị khác thường.

Cuối năm ngoái, bà Trương nhà ở Bắc Kinh cho phóng viên tạp chí “Sóng thời đại” biết, cô con gái nhỏ của bà đã “ đăng ký kết hôn” với một chàng trai mới quen qua mạng, ngày nào cũng dành mấy tiếng để “sinh hoạt gia đình” trên mạng.

Sau khi phát hiện ra, bà rất lo không biết kiểu hôn nhân ảo này có gây nên tác hại gì đến tâm sinh lý của cô con gái nhỏ của bà không?

Vào một quán net, phóng viên thấy 2 cô bé đang trao đổi với nhau: “Chồng cậu thật là cừ, trang trí nhà cửa đẹp thật!”, “chồng cậu đâu có kém gì, hôm nào cũng nấu cơm tối, lại còn giặt giũ cho vợ nữa”. Thì ra họ đang “sinh hoạt gia đình” trên mạng.

Một cô bé khoe: “Hôm nay là ngày chúng cháu kỷ niệm 100 ngày cưới nhau đấy!”. Qua trò chuyện, phóng viên được biết cô bé đang học lớp 10, đã “lấy chồng” hơn 3 tháng, ở lớp em, bạn có “tuổi hôn nhân” lâu nhất là hơn 1 năm.

“Cháu và chồng chưa gặp mặt nhau bao giờ, chỉ gửi ảnh cho nhau thôi. Khi chat thấy hợp nhau thì tiến tới hôn nhân thôi mà!”. Khi hỏi ý kiến 3 cô bé trong quán về chuyện kết hôn trên mạng, cả 3 đều nói: Có gì ghê gớm đâu, chả phải là thật, chỉ cần tìm được người hợp thì kết hôn, trò chơi này rất thích!

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại cho rằng, khoan hãy tranh luận về lợi hay hại của kết hôn ảo trên mạng đối với học sinh, nhưng sự lệch lạc về tâm lý của các em là một thực tế, việc cấp bách hiện nay là giải thoát các em khỏi chìm đắm trong làn sóng hôn nhân ảo ấy.

“Cậu có mấy vợ?”, “5, còn cậu?”, “8” – Đó là đối thoại của 2 nam sinh tuổi trạc 14-15 trong một quán net. Trên mạng các cô cậu có thể lấy nhiều vợ, nhiều chồng.

Đắm chìm vào những cuộc hôn nhân ảo, họ không những lãng phí thời gian, xao nhãng việc học hành, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cơ thể, tâm sinh lý bình thường. Báo chí đưa tin, một nữ sinh cấp 3 sau khi bị “chồng” trên mạng bỏ, quá đau khổ vì thất tình đã uống thuốc độc tự vẫn.

Tuy nhiều người nhấn mạnh tính “trò chơi” của hôn nhân ảo, nhưng đã có nhiều trường hợp “giả thành thật”, khiến người ta nghi ngờ về khả năng phân biệt chuyện thật - giả trong hôn nhân ảo.

Còn nhiều người khác thì không thể chấp nhận hành vi “ngoại tình về tinh thần” của bạn đời. Nhiều người đã có gia đình chơi trò này, chuyện trò qua lại không thể né tránh đề cập đến chuyện phòng the, lâu dần “giả thành thật”, dẫn đến hẹn hò, phản bội vợ hoặc chồng.

Nhiều người mang tâm lý muốn bù đắp đi tìm kiếm hôn nhân trên mạng với hy vọng tìm được những sự kích thích mình không được hưởng trong cuộc sống thật.

Nhưng việc này chỉ càng tạo nên sự mất cân bằng trong đời thực, càng có nhiều khoái lạc trong cuộc sống vợ chồng ảo, họ lại càng chán ghét cuộc sống vợ chồng thật. Nếu cả hai vợ chồng không có sự nhất trí trong cách nhìn nhận hôn nhân ảo thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn gay gắt rồi tan vỡ.

Hôn nhân ảo dẫn người ta đến chỗ không chung thủy về mặt tinh thần, đó là điều cuộc sống vợ chồng thật không chấp nhận, dù đó chỉ là sự phản bội trong tâm tưởng.

Trên mặt báo, ngày càng có nhiều vụ ly hôn do hôn nhân trên mạng. Sự tấn công của hôn nhân ảo vào hôn nhân truyền thống khiến người ta ngày càng lo ngại. Một thực tế không thể tranh cãi là sự lạm yêu, lạm hôn không hạn chế trong hôn nhân ảo.

Đa thê, đa phu, không nghiêm túc đối với chuyện hôn nhân, gặp bất cứ ai cũng có thể kết hôn tuỳ tiện, ly hôn cũng tuỳ tiện, thậm chí liên tục lấy rồi bỏ.

Độ tuổi kết hôn ảo ngày càng thấp, nhiều học sinh bị cuốn vào trò chơi vợ chồng này, khi chơi không thiếu những ngôn ngữ phòng the, đầy kích thích… Những điều đó đã vượt quá phạm trù của trò chơi, tạo nên xung đột với luật pháp và luân lý đạo đức.

Một điều cũng cần thừa nhận là, qua hôn nhân ảo, một số người đang bị vây hãm trong các cuộc hôn nhân không như ý có thể tìm thấy niềm khoái lạc thật.

Nhưng những khoái cảm đó cũng giống như ma tuý, chúng chỉ gây nên ảo giác trong thời gian ngắn ngủi, tạm thời, thậm chí có hại. ít nhất, nó cũng không phải là loại thuốc tốt để điều trị cuộc hôn nhân đã sứt mẻ …

Hương Lan
(Theo Trung Hoa văn trích, 10/2006)

MỚI - NÓNG