Hot Blogger vì cộng đồng

Hot Blogger vì cộng đồng
TP - Khoa là khuôn mặt quen thuộc trong giới blogger làm từ thiện, nhưng ít người biết hiện anh đang làm một công việc hiếm ở Việt Nam - phát triển cộng đồng.

Trong buổi ra mắt "Chim én 2009", chương trình tôn vinh những nhóm và cá nhân hoạt động thiện nguyện xuất sắc thường niên vừa được phát động tại Hà Nội, người ta thấy một chàng trai mảnh dẻ rất hoạt bát. Đó là Lê Xuân Khoa - người viết đề án chương trình này.

Khoa là khuôn mặt quen thuộc trong giới blogger làm từ thiện, nhưng ít người biết hiện anh đang làm một công việc hiếm ở Việt Nam - phát triển cộng đồng. Tiền Phong cuối tuần trao đổi với anh, về công việc mới mẻ này và về mạng xã hội - với tư cách một hot blogger.

Từ ham thích đến chuyên nghiệp

Xin anh nói đôi chút về công việc của mình hiện nay?

Tôi tham gia dự án FPT Foundation tròn 1 năm. Tôi thực sự may mắn khi được làm việc với một đội ngũ có năng lực cao. Tháng 11/2008, tôi được cử tham dự hai sự kiện quốc tế tại Singapore: Hội nghị thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau giữa các quỹ cộng đồng Đông Nam Á và Diễn đàn châu Á lần 7 về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Giờ đây, tôi rất quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội (CSR - Corporate Social Responsibility), một khái niệm chưa phổ biến và chưa "thấm" ở Việt Nam.

Giải thưởng "Chim én 2009" là chương trình tôn vinh những nhóm và cá nhân hoạt động thiện nguyện xuất sắc thường niên vừa được phát động hôm 15/4 tại hội trường tầng 9 báo Tiền Phong (Hồ Xuân Hương, Hà Nội). Chương trình này chính tôi là người viết đề án ban đầu, với tên là "Viên gạch hồng", sau anh Trương Gia Bình đề nghị đổi tên thành "Chim én".

Hiện với vị trí trưởng ban truyền thông của giải thưởng, tôi rất mong chương trình sẽ được cộng đồng ủng hộ. Đây không phải một cuộc thi, không có thắng thua trong những tấm lòng thiện nguyện của những người hoạt động xã hội.

Đây là dịp để giới thiệu họ với cộng đồng, để nhân rộng những tấm guơng cống hiến cho cuộc sống. Tôi mong mọi người sẽ nhiệt tình ứng cử và đề cử những con người đáng phục xung quanh mình.

Hot Blogger vì cộng đồng ảnh 1
Hoa hậu Ngô Phương Lan đại diện hình ảnh Chim én 2009 (trái) và Lê Xuân Khoa

Con đường nào đưa anh đến với nghề phát triển cộng đồng? Có phải vì blog mà trong đó anh được cộng đồng mạng bầu chọn là một hot blogger?

Tôi là người dùng mạng internet từ rất sớm và rất thích tính kết nối của nó. Tôi không chắc blogger tại Việt Nam có phải là nghề hay không, còn "hot blogger" là một danh hiệu do cộng đồng tạo nên, không có chứng nhận, chưa có tiêu chí chuẩn.

Còn nói về hoạt động xã hội, tôi là một người chăm tham gia Đoàn - Đội từ nhỏ với hoạt động văn nghệ, kể chuyện, tuyên truyền về thu dọn vệ sinh đường phố.

Tôi thích những buổi xuống đường. Hồi đi học tôi thường nằm trong số các thành viên tích cực nhất trong diễn đàn của… lớp. Nhiều người nhận xét tôi có tố chất xã hội tốt, tôi đã đoạt giải Văn thành phố năm lớp 11. Tuy nhiên tôi lại thi khối A.

Qua theo dõi một số diễn đàn trên mạng, ví dụ như box Hoạt động xã hội trên TTVNOL, tôi thấy thích và bắt đầu tham gia các buổi giao lưu ở các trung tâm dành cho trẻ bị thiệt thòi. Tôi và một vài người bạn blog tụ họp nhau lại, dự định làm vài việc có ý nghĩa, thay vì chỉ vui chơi giải trí.

Sang năm 2007, bọn tôi lập nhóm Cánh Gió. Chúng tôi còn ra tạp chí điện tử "Cánh gió" hàng tháng, dạng ebook, tôi được các bạn phân công làm "tổng biên tập" của tạp chí ấy. Tới đầu năm 2008, bọn tôi đã làm được khá nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Tình cờ, bọn tôi gặp anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT. Anh Bình không chỉ là một mạnh thường quân mà còn là người rất có tâm muốn thúc đẩy hoạt động phát triển cộng đồng, và anh tin tưởng những người trẻ.

Kể từ đây, tôi thấy mình có cơ hội để đi sâu hơn vào công việc mà bấy lâu mình vẫn yêu thích. Tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên môn về phát triển cộng đồng nhiều hơn và từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động của mình thay vì chỉ phát triển theo niềm vui và tự phát.

Phải biết giữ uy tín khi hoạt động cộng đồng

Hot Blogger vì cộng đồng ảnh 2Có những em nhỏ từ rất xa liên lạc với tôi để nhờ tôi chỉ cách để bắt đầu làm việc thiện nguyện. Tôi cũng nhận được nhiều thư từ, tin nhắn của những người bạn không biết mặt. Có những nhân vật giấu tên nhưng rất hay thăm hỏi, sẻ chia…

Hoạt động xã hội đã cho tôi nhiều bạn bè ở khắp mọi nơi - các bạn sinh viên, học sinh giàu nhiệt huyết, "máu lửa", không vụ lợi và bất chấp gian khó. Tôi tự thấy mình là người giàu có nhất thế giớiHot Blogger vì cộng đồng ảnh 3

Lê Xuân Khoa

Theo anh để làm được nghề này thì cần những gì? Học trong trường có giúp được nhiều không?

Tôi được đào tạo về công nghệ thông tin, việc này giúp tôi tiếp cận dễ hơn với cộng đồng mạng, về mặt kỹ thuật. Còn về phát triển cộng đồng, ngoài đam mê và tự học, tôi chưa từng được đào tạo qua chuyên ngành, có lẽ đó cũng là những nhược điểm.

Do không có kiến thức bài bản, tôi phải nỗ lực hơn. Tuy nhiên, người được đào tạo thì cũng phải lăn lộn với công việc mới làm tốt được vì đây là môi trường thay đổi hàng ngày.

Để đưa được thông điệp xã hội đến với đông người nhất, cần làm những gì, thưa anh?

Để trở thành người lan truyền thông tin (ngôn ngữ chuyên môn của truyền thông gọi là Opinion Leader (OL) - người dẫn dắt dư luận), đầu tiên phải xây dựng được sự tin tưởng của cộng đồng. Và phải biết giữ gìn uy tín, đây là một quá trình lâu dài, nhưng cái gốc là phải luôn làm những việc tốt vì cộng đồng chứ không phải làm cho mình.

Mạng xã hội là môi trường truyền tin cực kỳ hiệu quả, đặc biệt với những tin tức hấp dẫn, nhưng lưu ý là cả tích cực lẫn tiêu cực. Những người làm việc này phải tìm hiểu về truyền thông online, thêm vào đó là niềm tin và cảm hứng.

Blogger cũng có thu nhập

Hiện nay nhiều cuộc họp báo có mời các hot blogger đến để đưa tin, người ta nói một blogger giỏi không kém một nhà báo, theo anh thì sao?

Một số blogger có khả năng tổng hợp thông tin rất tuyệt vời, một số blogger khác có phong cách viết cuốn hút. Qua viết blog, nhiều người bộc lộ tư chất, một số trong đó có thể làm báo. Nhưng so sánh blogger với nhà báo chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và nhiều kinh nghiệm thực tế, dù blogger đó nổi tiếng cỡ nào, tôi thấy vẫn khập khiễng.

Trong một số trường hợp cụ thể, do blogger viết bài tự do và không qua biên tập nên có thể bài viết đó mở hơn, nhiều ý kiến mới hơn, mạo hiểm hơn nên gây tranh luận nhiều hơn.

Đúng là một số cuộc họp báo mời hot blogger. Tôi cũng từng được mời đến một vài sự kiện, và được nhận loại hồ sơ dành cho phóng viên đưa tin, như là họp báo của chương trình "Hội họa kết nối" do Scorp tổ chức hồi năm ngoái, hoặc sự kiện do Nokia tổ chức…

Như vậy một blogger cũng có thể "hành nghề" và có thu nhập?

Ở Việt Nam, một số blogger đã bắt đầu có thu nhập từ việc PR cho sản phẩm hay thương hiệu. Nhưng không phải ai cũng chấp nhận việc một blogger dùng blog của họ để kiếm thu nhập, dù ở các nước phát triển, có những người đã hành nghề viết blog kiếm sống.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu blogger tôn trọng sự trung thực và khách quan thì cũng không có gì đáng chê trách. Nếu blogger lạm dụng danh tiếng để chạy theo lợi nhuận thì tự họ làm tổn hại uy tín của mình.

Nếu nhận xét bằng một câu về mạng xã hội Việt Nam hiện nay thì câu đó là gì, theo anh?

Các mạng xã hội Việt Nam cần vươt qua cái bóng của các mạng xã hội quốc tế để chiếm được thị phần trong nước.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi lý thú.

Hot Blogger vì cộng đồng ảnh 4
Lê Xuân Khoa với giám đốc Asean Foudation19
Lê Xuân Khoa sinh năm 1983, cựu sinh viên khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Chủ nhân blog Dementor, được cộng đồng mạng bầu là hot blogger.

- Hiện là Phó ban Vận động của FPT Foundation, một quỹ hoạt động trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội. Khoa cũng đang là Trưởng ban phát triển cộng đồng của website Vicongdong.vn, cổng thông tin 2.0 chuyên về từ thiện, tình nguyện.

- Từng tham gia một số diễn đàn, quản trị một số website hoạt động thiện nguyện; Trong ban giám khảo của cuộc thi Yo Bạn bè - "Cùng blog cùng chia sẻ", tham gia tổ chức hoạt động Free Hugs tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG