Huân chương cho những hy sinh thầm lặng

Đồng chí Lê Thu Trà với các em thiếu nhi tại ĐH Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Yên Bái năm 1971. Ảnh: tư liệu
Đồng chí Lê Thu Trà với các em thiếu nhi tại ĐH Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Yên Bái năm 1971. Ảnh: tư liệu
TP - Ngày 13/1, tại trụ sở T.Ư Đoàn, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Lê Thu Trà, nguyên Khu ủy viên Khu ủy I; Quyền Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Trung ương; Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương, người đã có nhiều công lao to lớn, thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Đồng chí Lê Thu Trà tên khai sinh là Trần Nguyệt Thanh, sinh ngày 13/12/1920, (mất 24/4/2002), tại Thanh Hà, Hải Dương, là con thứ 4 trong gia đình có 5 chị em. Mẹ mất khi mới 5 tuổi, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Lê Thu Trà vẫn được bố cho ăn học đầy đủ. Năm 18 tuổi, Thu Trà quyết định rời xa gia đình lên Hà Nội ứng tuyển làm giáo viên cho một trường tư thục.

Thời gian này, bà ở trọ với nhóm các anh, chị đều hoạt động cách mạng, vì thế bà đã sớm được giác ngộ và tích cực tham gia phong trào cách mạng ở Hà Nội. Bà tham gia Mặt trận Bình Dân, truyền bá chữ Quốc ngữ, rải truyền đơn, dán áp phích đòi các quyền lợi dân chủ, bán báo, tham gia Tổ sách báo về Chủ nghĩa Cộng sản. Năm 21 tuổi (năm 1941), bà Trà thoát ly đi vào hoạt động cách mạng bí mật, làm thư ký cho đồng chí Hoàng Văn Thụ; tham gia Ban Cán sự các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hưng Yên. Ngoài ra, đồng chí Lê Thu Trà đảm nhận nhiều vị trí, nhiệm vụ quan trọng khác. Ở mỗi vị trí bà đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Phụ trách Đoàn phụ nữ Cứu quốc Hoàng Diệu, lãnh đạo phụ nữ Hà Nội tham gia phong trào Cứu quốc; Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Liên khu I; quyền Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Trung ương.

Trong các vị trí công tác, đồng chí Lê Thu Trà gắn bó lâu dài nhất là Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương với 19 năm (từ năm 1961). Bà là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng và phát triển Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tổ chức các cuộc sáng tác nhạc, văn học nghệ thuật cho thiếu nhi; xây dựng Trại hè sáng tác cho thiếu nhi ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Đặc biệt, đồng chí Lê Thu Trà đã cùng Bác Hồ sửa, bổ sung, hoàn thiện “5 điều Bác Hồ dạy”, dấy lên phong trào người lớn thuộc, hiểu “5 điều Bác Hồ dạy”, thiếu nhi thi đua thực hiện “5 điều Bác Hồ dạy”.

Những hy sinh thầm lặng

Chúng tôi gặp bà Trịnh Thanh Đoan, con gái đầu của đồng chí Lê Thu Trà tại ngôi nhà ghi dấu nhiều kỷ niệm ở phố Điện Biên Phủ, bà xúc động: “Mấy mươi năm theo cách mạng, cống hiến cho Đảng, cho dân những gian khổ, vất vả, gian nguy và hy sinh của cụ không thể nói hết bằng lời. Có những sự hy sinh của cụ không phải ai cũng thấu”.

Bà Trà sinh 7 người con, 4 người con đầu bà không trực tiếp nuôi nấng, cứ sinh con được 15 ngày hoặc 1 tháng bà phải gửi người thân nhờ vú em nuôi hộ để đi hoạt động cách mạng. Bà Trịnh Thanh Đoan tâm sự, ký ức sâu đậm nhất về tuổi thơ của bà là… không được ở cùng bố mẹ. 15 ngày tuổi bà Đoan đã phải xa mẹ đằng đẵng. “Mỗi lần đám trẻ con trong xóm chỉ trỏ bảo tôi: “Mẹ mày về rồi kìa”. Tôi nhìn ra thấy người phụ nữ cưỡi ngựa, tôi sợ lắm, trốn đi. Mẹ ở nhà chỉ được 1, 2 hôm rồi đi, tôi không đủ thời gian để quen. Đêm ngủ với mẹ, tôi sợ nằm nép sát thành giường”, Bà Đoan kể lại.

Trong cuốn hồi ký Những năm tháng không quên của bà Lê Thu Trà, bà ghi lại những giây phút giằng xé, chọn lựa giữa hạnh phúc riêng với nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc.

Khi biết mình mang thai đứa con đầu lòng, bà Trà và chồng là đồng chí Lê Liêm cũng là một nhà hoạt động cách mạng lẫy lừng (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận Điện Biên Phủ) vô cùng lo lắng vì sợ bầu bí không hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, ảnh hưởng đến phong trào chung. Bà và chồng đã có một quyết định đầy đau đớn: Bỏ thai. “Một bên là Tổ quốc là Đảng, một bên là đứa con đầu lòng, niềm hạnh phúc của chúng tôi. Không thể có được cả hai trọn vẹn. Phải hy sinh thôi, noi gương các anh, chị đã hy sinh vì đất nước, vì cách mạng. Sáng sớm dậy chúng tôi hỏi ngay anh Chỉ (thầy lang mà hai vợ chồng nhờ cắt thuốc uống cho thai ra – PV) xem anh quyết định thế nào rồi. Tôi thấy anh rất buồn và vẫn lắc đầu. Chúng tôi nghiêm nghị đặt vấn đề với anh: “Chúng tôi lấy danh nghĩa đây là quyết định của Ban cán sự tỉnh yêu cầu anh thi hành, vậy anh có chấp hành không?”. Đắn đo mãi, cuối cùng anh tặc lưỡi nói: “Thôi, tôi đành làm điều thất đức này vậy… Để tôi cắt cho chị 3 thang thuốc thì thai sẽ ra”, trích hồi ký Những năm tháng không quên. Tuy nhiên, kế hoạch phá thai của bà Trà không thành hiện thực, vì thầy lang đã bí mật thay 3 thang thuốc đẩy thai thành thuốc dưỡng thai.

Mang thai nhưng đồng chí Lê Thu Trà vẫn tham gia hoạt động cách mạng hăng say. Bà chuyển liên tục đến các địa phương khác nhau, ngày úp thúng làm bàn ngồi viết tài liệu, giáo án dạy chữ quốc ngữ, đêm thức trắng họp hành, tuyên truyền hoạt động cách mạng. Sinh con gái đầu lòng được 15 ngày tuổi, bà quyết định xa con, nhờ người thân nuôi hộ, tiếp tục đi hoạt động cách mạng.

Để không bị lộ, mỗi lần mang thai bà đều phải chuyển địa bàn hoạt động, và hoạt động tích cực, không quản ngại gian nguy cho đến tận ngày sinh.

Đồng chí Lê Thu Trà nhận được nhiều khen thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm và 60 năm tuổi Đảng và nhiều huy hiệu khác.

MỚI - NÓNG