Hương color - đỉnh cao là không có sự lặp lại!

Hương color - đỉnh cao là không có sự lặp lại!
TP - Hương color - biệt hiệu của Nguyễn Thanh Hương - không hẳn thân quen với số đông, nhưng là một cái tên đáng chú ý trong giới thiết kế và sáng tạo hình ảnh.
Hương color - đỉnh cao là không có sự lặp lại! ảnh 1

Đặc biệt, những người biết Hương color đều biết đến những sáng tạo đột phá, không tồn tại bất cứ một lối mòn hay sự rập khuôn nào, mà đỉnh cao là “Không bao giờ có sự lặp lại” của Hương color tại Đẹp Fashion show trong vai trò viết kịch bản và Giám đốc Mỹ thuật.

Với công việc sáng tạo hình ảnh, thiết kế tạp chí và đỉnh cao là Đẹp Fashion show, chị đang có một lối đi rộng hay hẹp?

Làm việc gì cũng là một con đường rất rộng, ở đó, mình có thể vừa làm vừa học, đó là cái rộng. Còn cái hẹp là, ở xã hội mình, nhiều người không hiểu giá trị của sáng tạo. Rất ít người hỗ trợ cho công việc của mình, còn số đông coi công việc đó không có ý nghĩa. Đó là nhận thức, nên tôi đành phải chịu!

Sáng tạo trong nghệ thuật không có ranh giới và chuẩn mực, sáng tạo của chị - đầu tiên phải kể đến những bức hình thời trang - người khen đẹp có, nhưng người... không hiểu gì cũng chẳng ít. Không chinh phục được nhãn quan của họ, chị thấy thế nào?

Tôi luôn nghĩ làm sao để sáng tạo ra những hình ảnh mới. Người biết cho đó là hay, nhưng người không biết lại dèm pha, nói tôi cực đoan. Nhưng cứ nghĩ mà xem, nếu bây giờ tất cả tạp chí đều giống nhau, thì bạn tìm đến nó để làm gì? Đó là cái nản đôi khi lẫn vào trong công việc của tôi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một điều khiến tôi rất băn khoăn. Nếu là một nghệ sĩ vẽ tranh thì cứ làm ra sản phẩm của mình là được, không cần phải quan tâm ai thích ai không thích.

Nhưng công việc của tôi là làm báo, nên phải có số đông người thích, người ta thích tờ báo của mình chứ không phải thích bản thân mình.

Tất nhiên, với trách nhiệm nghề nghiệp, mình phải hướng thẩm mỹ của độc giả cao dần lên, nhưng không được hạ thấp giá trị thẩm mỹ của mình xuống. Tôi cho đó là cái khó khăn nhất đối với mình.

Ngoài những bức ảnh thời trang và thiết kế tạp chí, phải kể đến Đẹp Fashion show - chương trình thời trang diễn ra hằng năm. Cam kết “Không bao giờ có sự lặp lại” của Đẹp Fashion show có gây áp lực cho sự sáng tạo của chị?

Thực ra, đây không phải cam kết, mà sau những kỳ làm Đẹp Fashion show, sếp của tôi nhận ra “Không bao giờ có sự lặp lại”. Còn nếu trong đầu tôi mà cứ “không lặp lại”, “không lặp lại” thì sẽ tự tạo ra một áp lực khổng lồ.

Tôi làm Đẹp Fashion show một cách hoàn toàn tự nhiên. Nhưng áp lực của tôi là nó có đủ mới để gây bất ngờ đối với mọi người không. Cũng phải hiểu rằng, ý tưởng tôi nghĩ ra mới chỉ là cái bắt đầu, nó có đạt được như thế hay không còn là những người xung quanh mình, êkíp của mình.

Điều quan trọng nữa là, tôi luôn phải rút kinh nghiệm qua từng kỳ làm Đẹp Fashion show. Nếu tôi không rút kinh nghiệm thì không bao giờ mỗi cái sau lại tốt hơn cái trước.

Thông thường, tôi viết kịch bản sớm, để làm việc với tất cả mọi người, mọi người cùng chia sẻ, sáng tạo thêm để nó hấp dẫn hơn. Tôi chỉ là người phát hiện, và tôi cần rất nhiều sự chia sẻ, đóng góp.

Mặt khác, chuyện sáng tạo chỉ là cái khởi đầu, anh phải đẩy ý tưởng lên bằng cách xem ti vi, đọc sách, những ý kiến khách quan... để bổ sung vào ý tưởng của anh, giúp nó hoàn hảo và thuyết phục hơn. Thực tế, có những ý tưởng ban đầu đến cuối cùng cách xa nhau rất nhiều.

Hương color - đỉnh cao là không có sự lặp lại! ảnh 2

Đẹp Fashion show không phải là sự trình diễn của từng bộ sưu tập, mà cao hơn, đó là những câu chuyện, những vở kịch về thời trang. Để có được điều đó, chị đã tư duy như thế nào?

Trình diễn thời trang hay những bức ảnh thời trang, mình đều phải nghĩ đến khán giả đang chờ đợi xem cái mới là cái gì. Việc tư duy rất khó nhưng cũng rất dễ.

Khó ở chỗ đôi khi mình nghĩ về nó rất nhiều, nghĩ hàng tháng mà vẫn không ra được gì. Nhưng trong tích tắc, khi bắt gặp cái gì đó trên tivi, đọc trong sách, hay những hình ảnh xung quanh, mình đã có ngay ý tưởng.

Tôi là người xem rất nhiều, và cái gì gây ấn tượng là tôi giữ lại ngay. Thực sự, tư duy thẩm mỹ không phải chu kỳ, mà là cảm xúc, là những người xung quanh mình.

Đối với tôi, việc nghĩ đến cái mới nhiều hơn cảm giác lo lắng, sợ hãi. Bởi tôi quan niệm, người làm nghệ thuật cần phải lạc quan. Nếu cứ bị chìm đắm vào căng thẳng, stress sẽ rất khó khăn để sáng tạo.

Đẹp Fashion show đang phát triển trên một tư duy tốt. Nhưng nhiều người sợ mỗi ngày nó được thổi to hơn và đến lúc không thể to hơn được nữa, sẽ bị đi vào con đường cùng. Chị có sợ điều đó không?

Thấy những nghệ sĩ bị bế tắc, tôi cũng sợ lắm. Tôi sợ một ngày nào đó mình không nghĩ ra được cái mới. Nhưng có lần tôi đọc cuốn Đối thoại của Trương Nghệ Mưu, ông ấy có nói, trong mỗi con người có giai đoạn nào đó mình nghĩ ra rất nhiều và mình thăng hoa được với cái sáng tạo của mình.

Không phải tranh thủ, mà hãy tận dụng thời gian của mình. Còn nếu cứ lo sợ một ngày nào đó bế tắc, thì làm sao làm việc được. Nên thay bằng lo sợ, hãy tận dụng thời gian đó để suy nghĩ, tư duy.

Xã hội luôn thay đổi, những người yêu thích nghệ thuật luôn thích những cái mới. Đẹp Fashion show đã trở thành thương hiệu, sáng tạo còn là công việc của những người trẻ sau này.

Xin hỏi chị một câu cuối: những người sáng tạo thường cực đoan, chị có nằm trong số đó không?

Tôi có cực đoan. Tôi khẳng định là nếu không cực đoan sẽ không làm nghệ thuật được. Cái cực đoan ở đây là mình phải bảo vệ quan điểm của mình, nếu không, trong nghệ thuật, mình rất dễ trở thành người đẽo cày giữa đường.

Tuy nhiên, mình phải biết giới hạn của cực đoan, chứ không phải lúc nào cũng khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình, để rồi tự bảo bọc mình trong một bức tường hẹp.

MỚI - NÓNG