Hy Huệ Lâm - “Siêu nhân kinh doanh”

Hy Huệ Lâm - “Siêu nhân kinh doanh”
TP- Từ một người vô danh giờ đây Hy Huệ Lâm đã trở thành thần tượng của đông đảo giới trẻ Trung Quốc với biệt danh “Mỹ nữ thiên tài” (Thiên tài xinh đẹp), “Siêu nhân kinh doanh”.

14 tuổi đã là sinh viên đại học, 18 tuổi là giảng viên đại học, 22 tuổi mang theo số vốn 2 vạn USD sang phố Walls ở New York để “đào vàng” và nhanh chóng nhân chúng lên thành 10 triệu USD; 27 tuổi quay về tổ quốc lập ra mạng giáo dục trực tuyến đầu tiên ở Trung Quốc và trở thành người đầu tiên khai phá lĩnh vực giáo dục qua mạng; 30 tuổi đã trở thành doanh nhân thành đạt sở hữu 60 triệu USD.

Những con số đó là vắn tắt lý lịch của một chân dài sở hữu một vóc dáng ngươì mẫu, gương mặt xinh đẹp, nói năng uyển chuyển, phong thái cao nhã.

“Người đẹp thiên tài” ấy chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của Tập đoàn đầu tư giáo dục quốc tế TQ và Tập đoàn Giáo dục trực tuyến TQ.

Được coi là thiếu nữ có kỳ tài kinh doanh, cô hiện đang là nhân vật hot, một thần tượng của giới trẻ TQ thời @. Cô chính là Hy Huệ Lâm.

Một thiếu nữ sớm chín chắn

“Từ khi tôi còn rất nhỏ, cha mẹ đã có ý định bồi dưỡng cho tôi khả năng sống độc lập” - Hy Huệ Lâm nói. Cô sinh ra trong một gia đình trí thức ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

“Vì cha mẹ thường xuyên vắng nhà nên trên cổ tôi lúc nào cũng đeo dây chìa khóa và phải trông nom chăm sóc đứa em trai kém mình 4 tuổi”.

Hy Huệ Lâm còn nhớ rõ sự kiện mẹ cô sinh em trai khi cô tròn 4 tuổi, cha lại đi vắng nên mình cô bé phải chạy vạy lo liệu các thứ.

Ông bà nội ngoại đều ở Bắc Kinh nên từ năm 10 tuổi cứ đến kỳ nghỉ Hè hay nghỉ Đông là Hy Huệ Lâm phải dẫn theo em trai nhảy tàu đi về Bắc Kinh. “Từ nhỏ tôi đã rất mạnh mẽ” – cô thổ lộ.

“Từ nhỏ tôi đã thiết kế cho lộ trình của cuộc đời mình: mong mình sớm trưởng thành hơn bạn bè cùng lứa, mong sớm có việc làm và sớm thành công”. Chính vì vậy cô hết sức tranh thủ mọi thời gian: 4 tuổi đã đi học và chỉ sau nửa năm đã nhảy thẳng lên lớp 3.

Không chỉ xuất chúng trong học tập mà trong các lĩnh vực khác Hy Huệ Lâm cũng rất xuất sắc. Khi học tiểu học cô là người cầm cờ chỉ huy dàn trống kèn của trường, lên trung học cô là chỉ huy dàn hợp xướng của trường.

Cô còn thường xuyên tham gia các cuộc thi trong trường như ngâm thơ, khiêu vũ, thể thao. Những hoạt động đó đã đặt nền móng cho sự nghiệp kinh doanh sau này của cô.

Năm 14 tuổi, Hy Huệ Lâm thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh  và trở thành sinh viên trẻ nhất trường. “Tôi muốn mình nổi bật giữa đám đông, muốn “Hạc lập kê quần” (Làm con Hạc giừa đàn Gà)”.

Suốt trong những năm ngồi ghế đại học, phần lớn thời gian của Hy Huệ Lâm đều gắn với thư viện nhà trường và tranh thủ đi làm gia sư. 18 tuổi, Hy Huệ Lâm tốt nghiệp đại học với hai bằng Văn học nước ngoài và Ngoại thương.

Suốt những năm học, mọi chi phí đi lại cô đều tự mình lo lấy không phải xin bố mẹ. Hy Huệ Lâm rất tự hào khi nhớ lại chuyện đó.

Rời ghế nhà trường, Hy Huệ Lâm trở thành giảng viên Khoa Kinh tế thương mại quốc tế của Học viện Hoá dầu Bắc Kinh.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cô tận dụng khả năng ngoại ngữ xuất sắc của mình để dịch sách cho các nhà xuất bản và đi làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài. Khi đi làm phiên dịch cabin cho Hội thảo kêu gọi đầu tư quốc tế, cô được nhiều thương gia nước ngoài khen ngợi.

Một số hãng lớn đã mời cô làm đại diện cho họ ở Trung Quốc. Trước thời cơ làm ăn, Hy Huệ Lâm đã “dao động”. Bất chấp sự ngăn cản và phản đối của cha mẹ, cô quyết định từ bỏ công việc và thu nhập ổn định trong nhà trường để lao vào thương trường:

Thành lập Công ty TNHH thương mại Jisida (Cát Sự Đạt) của riêng mình, làm đại lý tiêu thụ sản phẩm cho 5 hãng sản xuất dụng cụ y tế quốc tế lớn. Chỉ trong vòng hơn một năm Cty Jisida đã mang về cho Hy Huệ Lâm hơn 1 triệu NDT tiền lãi.

“Đối với những người giỏi Anh văn, không ra nước ngoài là sự lãng phí lớn”, “Từ nhỏ đã thích đi du lịch nên tôi muốn bay nhảy trên khắp mọi nơi”.

Hai lý do đó đã khiến cô gái 22 tuổi trẻ đẹp Hy Huệ Lâm quyết định rời bỏ Trung Quốc lận lưng 2 vạn USD tới Walls Street để bắt đầu mở mang kỳ tích kinh doanh của mình sau khi đã bỏ ra 30 vạn tệ mua cho cha mẹ một ngôi nhà ở Bắc Kinh.

Đi từ khởi điểm này đến khởi điểm khác

Một ngày mùa Hè năm 1993, máy bay chở Hy Huệ Lâm hạ cánh xuống sân bay quốc tế Chicago. Bước xuống cầu thang, ngắm nhìn xứ sở xa lạ này, Hy Huệ Lâm đã tự nhủ: “Mình phải thách thức bản thân, chinh phục người Mỹ, phải tìm được thiên đường tri thức và thương mại ở đây”.

“Vận may luôn tìm đến với những ai đã sẵn sàng đón nhận nó”. Quả vậy, sau khi đến Mỹ, Hy Huệ Lâm cùng lúc thành lập Công ty First Chicago Bank‘s First Option ở cả New York và Chicago để cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho các công ty tư nhân và quốc doanh TQ.

Trong số cả rừng công ty mọc lên như nấm sau mưa ở Mỹ, công ty bé nhỏ của Hy Huệ Lâm chả có gì là nổi bật, nhưng đối với cô thì đó là bước nhảy vọt lớn, là sự khởi đầu mới mẻ. Lần đầu tiên, Hy Huệ Lâm có một đêm mất ngủ vì hưng phấn.

Từ đó, bước chân tiếp cận tư bản của cô gái trẻ xinh đẹp ngày một nhanh hơn. Cô mở công ty đầu tư Gardism hoạt động ở cả Hồng Kông và Thung lũng Silicon California, đảm nhiệm đầu tư vào TQ và lên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Sau 2 năm, công ty này đã lên sàn thành công và Hy Huệ Lâm đã “đãi” được mẻ vàng lớn đầu tiên để bước ra biển lớn.

Năm 1997, cô gái trẻ 27 tuổi Hy Huệ Lâm đã tích cóp được 10 triệu USD. Cô bắt đầu nghĩ đến điểm khởi đầu mới cho mình: quyết định về nước.

Năm 1998, khi mạng Internet bắt đầu tràn vào Trung Quốc, Hy Huệ Lâm lựa chọn sự nghiệp giáo dục đa truyền thông qua mạng. Cô thành lập Tập đoàn Giáo dục trực tuyến Dục Tài và trở thành người đầu tiên khai phá cho lĩnh vực mới mẻ này ở Trung Quốc.

Dốc sức tuyên truyền cho quan niệm “Học tập suốt đời”

“Tôi lựa chọn lĩnh vực giáo dục mà là giáo dục qua mạng vì muốn kết hợp hài hoà giữa việc thực hiện giấc mơ làm nhà giáo với kinh nghiệm kinh doanh” - Hy Huệ Lâm bộc bạch.

Hiện nay nghiệp vụ chủ yếu của Tập đoàn là dạy tiếng Anh. Hy Huệ Lâm đã ký hợp đồng độc quyền đại lý ở Trung Quốc với Tập đoàn giáo dục trực tuyến Pilson. Hợp đồng trị giá 50 triệu USD thực hiện trong 10 năm.

Để quảng bá sản phẩm và quan niệm “Học tập suốt đời” của bản thân, mấy năm qua Hy Huệ Lâm đã đi khắp Trung Quốc, đến hơn 1.000 trường học cung cấp thiết bị và tiền vốn.

Cô tin rằng: thay đổi xã hội bắt đầu từ thay đổi giáo dục, thay đổi giáo dục bắt đầu từ thay đổi trẻ em mà khởi đầu là cải thiện điều kiện học tập của trẻ em nghèo. Đó là con đường để Hy Huệ Lâm thực hiện giấc mơ giáo dục của mình.

Thành công có được chẳng dễ dàng. Hy Huệ Lâm nói: “Tôi không bao giờ lười biếng. Bạn có thể nói tôi chưa làm trọn vẹn chứ bạn không thể nói tôi lười biếng, chưa cố hết sức. Nếu khi thi được 99 điểm thì tôi trằn trọc vì sao mình bị mất 1 điểm và đau lòng vì điều đó. 

Thành công và thất bại đều là quá trình lượng biến thành chất”, “Tôi sợ cuộc sống an nhàn sẽ làm mòn mỏi ý chí của bản thân nên đã đem cho thuê ngôi nhà mà tôi dày công thiết kế, bài trí để sống trong căn hộ thuê của người khác”. Là người luôn tìm kiếm thử thách nên Hy Huệ Lâm đã 3 lần đi Tây Tạng.

Tình yêu là sự xa xỉ

Hy Huệ Lâm ngận ngùi: “Về tình cảm, tôi muốn lựa chọn tình yêu, nhưng về mặt lý trí thì tôi chỉ có thể lựa chọn trí tuệ”. Tình yêu là một từ ngữ đẹp đẽ, nhưng trong từ điển của Hy Huệ Lâm thì đó có vẻ là một giấc mơ xa xỉ.

Những người con gái xinh đẹp đều có chàng hoàng tử của đời mình, nhưng với Hy Huệ Lâm thì như con tuấn mã không chịu dừng chân bôn ba trên con đường sự nghiệp nên tình yêu chỉ như một hình bóng xa xôi chưa chịu đến với cô dù là trong giấc mơ.

Hiện nay, với Hy Huệ Lâm, niềm hạnh phúc lớn nhất là đi giảng bài cho sinh viên. Đến nay cô đã đi thỉnh giảng cho hơn 200 trường đại học khắp Trung Quốc.

Cuộc sống lý tưởng trong tương lai của cô là được làm một giảng viên đại học. Ước muốn tiếp theo là nhận và nuôi dưỡng thật nhiều trẻ em nghèo đang sống trong cảnh bần hàn thất học ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh.

Thu Thủy - Lan Hương
(Theo Woman’s Day, TQ)

MỚI - NÓNG