Lặng thầm giáo viên Tổng phụ trách Đội - Bài cuối:

Hy sinh hạnh phúc riêng

Cô Trần Thị Dần trong buổi dạy kỹ năng mềm cho học sinh.
Cô Trần Thị Dần trong buổi dạy kỹ năng mềm cho học sinh.
TP - Nhiều tổng phụ trách Đội (TPTĐ) vất vả, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng để cống hiến cho công việc. Nhưng chế độ, chính sách nhiều khi không thật sự tương xứng với công sức, tâm huyết của họ.

Bỏ chồng theo nghề

Ở độ tuổi 54, dù đã lên chức bà nội nhưng cô giáo Trần Thị Dần, Trường THCS Lê Lợi, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) vẫn là một trong những TPTĐ “có tiếng” đầy đam mê và nhiệt huyết. Suốt buổi nói chuyện, cô luôn cười tươi rói và lặp đi lặp lại điệp khúc: “Làm công việc này chị thấy vui thích và trẻ trung lắm!”. 31 năm gắn bó với công tác Đội, cô giáo Dần đã chạm đến mọi thành quả vinh quang nhất mà công việc này mang lại. Thế nhưng, để có được những thành công đó, cô phải đánh đổi không ít nước mắt.

Ngày đầu mới ra trường, cô Dần làm giáo viên dạy Toán kiêm TPTĐ tại Trường THCS Minh Ngọc (huyện Bắc Mê, Hà Giang). Học sinh ở đây đều là con em dân tộc thiểu số, hầu hết không nói được tiếng Kinh, vì thế cô phải học tiếng dân tộc để dạy các em. “Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức người dân còn hạn chế nên học sinh không mặn mà với việc học chứ đừng nói đến tham gia các hoạt động Đội. Các em buổi đến trường, buổi đi hái rau, làm nương kiếm kế mưu sinh”, cô Dần kể lại. Để thay đổi nhận thức người dân, thu hút học sinh tham gia, hàng ngày, cứ sau buổi dạy, cô Dần leo núi đến từng nhà dân nói chuyện, đồng thời sáng tạo tổ chức nhiều mô hình hấp dẫn: Văn hóa, văn nghệ, thể thao, cắm trại… Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động lao động công ích, hái rau dớn gây quỹ Đội ủng hộ bạn nghèo vượt khó. Nhờ những nỗ lực không ngừng đó, cô Dần đã dần gây dựng phong trào Đội tại Trường PTCS Minh Ngọc lớn mạnh, luôn đứng vị trí nhất, nhì của huyện.

Công việc của một TPTĐ luôn bộn bề, thường xuyên phải đi công tác xa nhà với những chuyến tập huấn, những cuộc thi khiến cô không có thời gian chăm sóc gia đình. “Chồng không cảm thông được, luôn tỏ ra khó chịu. Nhưng lỡ trót đam mê với công việc rồi, không thể vì chồng mà dứt ra được”, cô Dần tâm sự. 28 tuổi cô chấp nhận ly dị chồng để giữ lấy nghề. Một mình nuôi con nhỏ và chăm sóc người bố bị tai biến nằm một chỗ, chị phải gồng mình lên gấp bội để cống hiến trọn vẹn cho công việc. “Con trai tôi thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Bố mẹ không ở bên cạnh thường xuyên để chăm sóc nên cháu tự lập từ rất sớm. Từ lúc cháu học lớp 4, tôi đã dạy cháu nấu cơm bằng bếp củi, giặt giũ quần áo, quét nhà để tự chăm mình khi mẹ vắng nhà”, cô Dần chia sẻ.

Những nỗi niềm, trăn trở

Đam mê với công việc là vậy, nhưng nhiều lúc khó khăn, đặc biệt sự chật vật về kinh tế, với đồng lương ít ỏi của TPTĐ đã có lúc cô giáo Trần Thị Dần muốn buông xuôi, chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Nhưng điều may mắn, Ban Giám hiệu nơi cô Dần công tác hiểu được tính chất công việc của TPTĐ nên đã chủ động có những sự “nới lỏng” riêng về cơ chế công việc cũng như chế độ, chính sách, nhờ đó cô mới có cơ hội theo đuổi đam mê đến cùng.

Nhiều TPTĐ tâm tư cho rằng, chế độ cho TPTĐ ở các vùng miền chưa thực sự công bằng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, còn chịu nhiều thiệt thòi. Sự phối hợp trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm giáo viên làm TPTĐ ở một số nơi còn chưa tốt, chưa gắn với các yêu cầu, nhiệm vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Công tác Đội, phong trào thiếu nhi ở đâu cũng như nhau, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo càng khó khăn hơn do thiếu thốn cơ sở vật chất, nhận thức người dân còn hạn chế… “Thế nhưng, Thông tư cũ phân hạng các trường thành loại I, II, III để thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm cho TPTĐ. Trường hạng II, III có hệ số phụ cấp thấp hơn, thường rơi vào những trường ở vùng sâu, vùng xa, vì những địa bàn này thường ít trường lớp, học sinh. Sự phân chia thế này khiến cho nhiều TPTĐ ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo thêm khó khăn, thiệt thòi”, cô Dần nói.

Cô giáo Diêm Nhật Minh, Trường Tiểu học Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) cho rằng cần có Thông tư mới quy định cụ thể, rõ ràng và công bằng hơn đối với giáo viên TPTĐ, đặc biệt là với những TPTĐ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. “Cần quan tâm sát sao hơn chính sách đầu ra cho TPTĐ. Trừ những người có niềm đam mê đến cùng, nhiều người ngoài 40 tuổi, nhiệt huyết đã giảm sút, tuổi tác, tính cách không còn phù hợp với công tác Đội nữa nhưng vẫn phải bám nghề vì không biết đi đâu”, cô Minh nói.

Thông tư 23, ra đời năm 1996 (Thông tư liên tịch của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và T.Ư Đoàn về việc hướng dẫn chế độ công tác và phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên làm TPTĐ Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong trường phổ thông) đã hết hiệu lực từ lâu, nhiều nội dung lạc hậu không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một Thông tư mới nào thay thế Thông tư 23 với nội dung hoàn chỉnh, thống nhất.

MỚI - NÓNG