“Kéo” Nobel vào giảng đường

“Kéo” Nobel vào giảng đường
TP - Để hoà nhập với những tiến bộ khoa học của thế giới, sinh viên ĐH Y Hà Nôi đang ra sức rèn giũa tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm, cách thức tiếp cận vấn đề, trình bày báo cáo khoa học.

Từng nhóm nghiên cứu đã được hình thành. Họ đang cố gắng để với sức trẻ nhiệt tình, trong tương lai, họ có thể vươn xa hơn ra biển lớn.

“Kéo” Nobel vào giảng đường ảnh 1
Nhóm FHS

Cùng một hướng đi

Học đến năm thứ hai tại trường ĐH Y Hà Nội, nhưng Lê Tuấn Thành (hiện là sinh viên hệ đa khoa, ĐH Y Hà Nội) vẫn thấy trong mình thiếu vắng “chất” nghiên cứu. Biết Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương (khoa Sinh lý) cũng là người yêu thích nghiên cứu khoa học, Thành tìm đến Ths Hương đề nghị dẫn dắt nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học. Từ đó, nhóm nghiên cứu mang tên Friendship and science for health (FSH) ra đời.

Đến năm 2005, nhóm nghiên cứu này cũng mới chỉ có vài người, nhờ hoạt động năng nổ mà nhóm nhanh chóng khẳng định được hiệu quả nghiên cứu, và không ngừng mở rộng hội viên. Nhóm FSH ra đời với tuyên ngôn là bên cạnh học tập, phải đột phá vào nghiên cứu khoa học.

Với phương châm đó, đến nay, FSH đều cố gắng thể hiện những khả năng nghiên cứu của các thành viên: Đưa vấn đề nghiên cứu sát với cuộc sống, nghiên cứu dựa trên bằng chứng có thực.

Lê Tuấn Thành cho biết, FFH ra đời đã giúp cho bản thân mỗi thành viên đạt được kết quả đáng nhớ trong nghiên cứu khoa học. Họ đã nắm chắc được khá nhiều kỹ năng như viết báo cáo khoa học, phỏng vấn, lập kế hoạch, trao đổi...

Nhờ đó định hướng chính xác đề tài nghiên cứu gần gũi với con người, hướng đến những cung bậc cao hơn trong  nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu do Thành làm trưởng nhóm có khá nhiều thành viên. Họ luôn thấy hứng thú và tự hào về những công việc đã phối hợp thực hiện. Tất cả các thành viên tham gia sinh hoạt tại nhóm FSH đều gặt hái được những thành công không chỉ dành riêng cho bản thân.

Đậu Ly Na-người từng được tham gia trao đổi với Tổng thống Mỹ Bill Clintơn về chủ đề HIV/AIDS. Lê Na cho rằng, kinh nghiệm và kiến thức, phương pháp trao đổi của các thành viên, (đặc biệt là kỹ năng tiếng Anh)...đã giúp cho Na tiến bộ hơn nhiều và có kỹ năng thực để gặt hái thành công.

Lọt qua các kỳ tuyển chọn để trở thành một trong 5 người được tham gia buổi trao đổi với tổng thống Mỹ là niềm tự hào không nhỏ của Na.

Với Văn Đức Hạnh-thành viên lâu năm của FSH (hiện đã trở thành bác sỹ nội trú tại Viện tim Mạch) thì gham gia FSH đã tạo cho Hạnh sự tự tin để tiếp tục nghiên cứu những đề tài hóc búa hơn tại Viện Tim mạch.

Nhiều sinh viên khác của FSH nhờ rèn luyện tốt cũng đã “với” được những thành quả cao: Tuấn Anh được đi đào tạo tại Úc; Trang, Tiến...đều có những kinh nghiệm quý cho riêng mình.

“Kéo” Nobel vào giảng đường ảnh 2
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương

Giảng đường có bóng dáng Nobel

Cuối năm con gà, có mặt ở triảng đường khoa Sinh lý (ĐH Y Hà Nội) dự buổi sinh hoạt lớn của nhóm FFH, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là tất cả các thành viên của nhóm đều trao đổi các vấn đề khoa học bằng tiếng Anh. Chủ đề nghiên cứu hôm đó là:

Bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Thuật ngữ, cách thức thể hiện một bản report bằng tiếng Anh được thực hiện theo chuẩn quốc tế. Mọi thứ đều phải tuân theo quy luật nghiên cứu khoa học.

Trong phòng hội thảo của Khoa Sinh lý, những bài trình bày, chất vấn bình luận, trao đổi... của các thành viên nhóm FSH cứ diễn ra rộn ràng mà không ầm ĩ. Ai muốn lấy thông tin, khai thác điều gì từ các thành viên cũng phải nhập cuộc, thậm chí bị cuốn vào những nguyên tắc nghiêm ngặt đến khắc nghiệt của khoa học ở trong căn phòng nghiên cứu quy mô nhỏ này.

Không khí trao đổi và chất lượng các cuộc nghiên cứu khoa học này được thổi bùng từ nhiều động lực. Bên cạnh nhu cầu nội tại từ sinh viên là mong muốn được làm quen, cập nhật nhiều hơn thông tin, phương pháp nghiên cứu..., sinh viên còn dễ nhận ra sự hỗ trợ vô hình và hữu hình từ thầy cô giáo và các môi trường do chính các thầy tạo ra.

Quan sát kỹ căn phòng dành cho nghiên cứu khoa học tại khoa Sinh lý, dễ thấy ở đây có dấu ấn của rất nhiều tài liệu từ các công trình nghiên cứu khoa đoạt giải thưởng lớn trên thế giới, đặc biệt là giải Nobel.

Bên cạnh tài liệu là  những tấm pano in ảnh và tóm tắt các công trình đoạt giải Nobel trong nhiều năm qua.

Nó được chính các GS, giảng viên trong khoa Sinh lý sưu tầm. Có khi nó được mang về từ Skockholm (Thuỵ Điển), Oslo (Na Uy). Những tấm pano này khi được mang về đến ĐH Y đã được đóng kung treo trang trọng.

Các thầy cô giáo ở ĐH Y cho biết, với nhiều người, đó là những tấm pano quanh năm im lặng, song với sinh viên ham mê nghiên cứu như nhóm FSH, nó luôn “lên tiếng”.

Hơn thế nữa, với những sinh viên có ước mơ thì những tấm pano còn có ý nghĩa chuyển “lửa” khoa học từ các nhà khoa học đoạt giải Nobel tại Stockholm về căn phòng ở ĐH Y Hà Nội.

Bây giờ, rất nhiều sinh viên Y khoa có thể nghe thuyết trình về giải Nobel Y sinh tại City Hall (Thuỵ Điển) qua internet, song những bức pano về Nobel trong căn phòng nghiên cứu khoa học này đã tạo động lực không nhỏ cho khát vọng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Văn Đức Hạnh cho biết, những bức pano về giải Nboel đặt ở trên tường làm cho các sinh viên thấy gần gũi hơn với những thành tựu khoa học lớn của thế giới.

“Nhiều lúc chúng tôi cũng tự hỏi: Các nhà khoa học của thế giới tạo ra nhiều công trình lớn về y học thì tại sao mình lại không làm được, chúng tôi phải cố gắng nhiều để phát triển...” -Văn Đức Hạnh nói.

Mỗi thành viên nhóm FSH và nhiều sinh viên học trong phòng nghiên cứu đang treo các biểu tượng, công trình Nobel này đều có những cảm nhận hữu ích.

Đậu Ly Na cảm nhận được các thành viên nhóm FSH đã học được cung cách làm việc tỷ mỉ và nhiệt tình của các tác giả giải Nobel. Còn Tuấn Thành thì coi tác giả giải thưởng Nobel là những tấm gương sáng để noi theo, dù ở ĐH Y Hà Nội, họ chỉ xuất hiện trên pano.

Nhóm FSH thành công một phần quan trọng nhờ Ths Nguyễn Thị Thanh Hương, giảng viên khoa Sinh lý. Ths Hương luôn vô tư và chỉ coi mình là người đồng hành với mơ ước của sinh viên.

Dù rất bận rộn với công việc của một nghiên cứu sinh tiến sỹ, song mỗi tuần, chị đều dành một ngày để “vào vai” là một nghiên cứu viên của FSH.

Ths Hương chỉ là người định hướng nghiên cứu, bàn luận về phương pháp mới chứ không áp đặt suy nghĩ của sinh viên. Những buổi tham quan giản dị cùng sinh viên đã xoá đi khoảng cách giữa thầy và trò, càng khiến cho không khí của mỗi buổi nghiên cứu nhóm FSH của chị thêm sôi nổi và hiệu quả.

Cách thức mới này chị học được từ các nhà khoa học Mỹ, Thuỵ Điển. Chị cũng là một trong số những người đưa về khoa Sinh lý (ĐH Y Hà Nội) những tài liệu, hình ảnh mới về các tác giả đoạt giải Nobel trên thế giới, “kéo” không khí của Nobel vào mỗi buổi luyện tập nghiên cứu của sinh viên và nhóm FSH.

Từng tham gia Tuần lễ Nobel tại Stockholm, Ths Hương mơ ước về thành tựu khoa học của nước nhà có lúc sẽ chạm đến giải Nobel danh giá. Những tài liệu cũng như pano về giải Nobel chị mang về từ Stockholm luôn thể hiện sự cố gắng của chị: Góp phần nhỏ vào sự nghiệp đào tạo nên những nhà khoa học trẻ ở ĐH Y có sức vươn đến giải thưởng khoa học quốc tế.

Ngồi bên bàn nghe trực tiếp báo cáo của các nhà khoa học đoạt giải Nobel Y sinh năm 2007 qua internet, Ths Hương nói: Tôi và các sinh viên nhóm FSH đã quyết định chọn con cá heo làm biểu tượng cho nhóm.

Hai sinh viên của FSH đầu tiên ra trường đã được Ths Hương tặng hai con cá heo bằng thủy tinh mua từ Mỹ. Mỗi người nhận được cá heo đều hiểu rằng, họ đã “đủ lông đủ cánh” và đã đến lúc tự mình phải bơi ra biển lớn, hoà nhập với cộng đồng thế giới.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.