Khả năng dung chứa của mình lớn bao nhiêu?

Khả năng dung chứa của mình lớn bao nhiêu?
Người nào có khả năng lắng nghe và khả năng dung chứa nhiều, người đó phát huy được sức sống kỳ diệu của mình.

Ba năm nay, tôi làm việc ở Cộng hòa Séc khá nhiều. Đi đây đó nhiều nơi trên thế giới nên tôi biết giá trị của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc là rất lớn. Đây là môi trường tốt để phát triển phẩm chất của người Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế của người Việt Nam tại nước ngoài. Nhưng bên cạnh việc tốt ấy, còn có một thứ ngăn cách anh em, đó là tính dung chứa lẫn nhau. Anh em chưa thấu đạt được sự kỳ diệu và vĩ đại của sức dung chứa, nên đôi khi không ngồi chung với nhau được.

Ngay trong những người theo học với tôi suốt mấy năm liền cũng vậy, sức dung chứa của một số người còn nhỏ hẹp. Chính vì sự dung chứa nhỏ hẹp nên mới có lời ra tiếng vào mang tính chất bè phái hay nhóm này nhóm kia, và có nhiều khả năng dễ gây mất đoàn kết giữa anh em.

Chúng ta có quyền không đồng ý với những người cư xử không tốt với mình, nhưng không có nghĩa vì thế mà chúng ta không dung chứa được họ trong đầu óc của mình. Mặc dù tôi không đồng ý với anh về những vấn đề nào đó, nhưng tôi vẫn thấy rằng việc gìn giữ cái toàn thể, gìn giữ sự đoàn kết, hay sự bao dung của tôi, của anh, hay khả năng dung chứa của nhau mới là điều quan trọng và kỳ diệu.

Chúng ta có thể đánh nhau, nhưng không phải vì vậy mà mất khả năng dung chứa lẫn nhau. Đánh thì tôi vẫn đánh, dung chứa thì tôi vẫn dung chứa. Chứ không phải đánh để cuối cùng sự vĩ đại của tính dung chứa biến đi mất.

Tự nghiêm khắc với chính mình

Mất đoàn kết là do đề cao cá nhân. Chúng ta hãy tự nghiêm khắc với chính mình để chiến thắng bản thân. Chúng ta có đố kỵ, tỵ hiềm và thành kiến với người khác không? Đầu óc của mình có thực sự ở trạng thái dung chứa? Mình có sống trong trạng thái dung chứa với người thân, đồng nghiệp, bạn bè của mình? Hay là ở bên ngoài, mình có một phần tiến bộ, nhưng bên trong vẫn có một chút thành kiến và tỵ hiềm, một chút tính chất bè nhóm, tính chất phân chia trên dưới, trong ngoài, trước sau, hay là nam bắc, hay tuổi tác…?

Sự thành kiến làm cho sức mạnh kỳ diệu vĩ đại trong con người chúng ta không hoạt động được. Nó hoành hành chính mỗi người và hoành hành nội bộ. Ví dụ như trong công ty, quý vị nên thấy rằng tất cả phải vì cái chung. Quý vị có thể không đồng tình với cách làm việc hiện tại, có thể đề xuất ý kiến, nhưng không được nói ra nói vô, rồi chê bai này nọ, rồi gây ra những chuyện hiểu lầm làm mất đoàn kết.

Do thiếu nhận thức về sự kỳ diệu của tính dung chứa, nên mình không thể chân tình thảo luận với nhau để tìm phương hướng làm việc hiệu quả nhất cho công ty và phát huy hiệu quả cao nhất cho mỗi người. Mỗi người có khả năng hay có quyền đóng góp cách làm việc tốt nhất, nhưng không được thành kiến và chia rẽ. Chia rẽ là do thành kiến chứ không phải vì lợi ích chung của toàn công việc.

Nội dung được biên tập từ Audio “Triết lý Phật học Trần Nhân Tông”, công ty CPĐT Giáo Dục Minh Triết độc quyền phát hành

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG