Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?"

Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?"
(TPO) Họ đã lập nghiệp và làm giàu ra sao? Liệu đó có phải là sự may mắn hay sự khổ luyện bằng chính bàn tay và khối óc mình ? Người trẻ kinh doanh và làm giàu có khó không ? Tất cả sẽ có trên bàn tròn trực tuyến của Tiền phong online vào hồi 15h, thứ Tư ngày 13/4.
Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?" ảnh 1

25 tuổi, duyên dáng, xinh đẹp, thoạt nhìn không mấy người nghĩ Ứng Ngọc Anh lại chững chạc đến vậy trên chức vụ Giám đốc chi nhánh tại Việt Nam của Tập đoàn Đầu tư và CNTT HI-TEK (Mỹ). Thậm chí không ít lần, nữ Giám đốc trẻ này còn bị nhầm là... thư ký khi đi giao dịch.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ (Thanh Xuân - Hà Nội), vốn liếng kiến thức mà cô sinh viên Hà thành Ứng Ngọc Anh thu được không chỉ là nói thông viết thạo 2 thứ tiếng Anh, Pháp và tấm bằng cử nhân chuyên ngành loại khá. Đó cũng không đơn thuần là tấm bằng “tay trái” thứ hai về Điện tử Tin học mà cô tranh thủ học thêm.

Với mục đích rất rõ ràng: học ra sẽ làm kinh doanh, ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, Ngọc Anh không ngại tự bỏ tiền túi theo học những khóa đào tạo ngắn hạn về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao tiếp “Telephone Skill”, kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp về Marketing “Professional Selling Skill” do Viện nghiên cứu DDI của Hoa Kỳ giảng dạy…

Am hiểu về ngoại giao và marketing, Ngọc Anh thường xuyên được Đoàn trường Ngoại Ngữ lựa chọn tham gia vào các Hội thảo, hội nghị quốc tế, tiếp xúc nhiều với người nước ngoài như hỗ trợ “escorts” các phóng viên báo chí quốc tế,  đón tiếp Tổng thống Bill Clinton đến thăm Việt Nam, Hội nghị Ngân hàng lần 6, Hội nghị giáo viên ASEAN tại Hà Nội…

Kết quả của những thoạt động sôi nổi và đầu tư đúng hướng này là những kinh nghiệm thực tế. Phong cách và kỹ năng làm việc hiện đại được tích cóp và “ngấm” dần vào lối tư duy của cô gái trẻ.

Để “thực hành hóa” những gì học được từ sách vở, dù bận rộn túi bụi, chuẩn bị cho tốt nghiệp nhưng Ngọc Anh vẫn dự thi và trúng tuyển ngay vào Hội chữ thập đỏ quốc tế. Sau đó, cô được tuyển dụng vào Tập đoàn The ASCOTT của Singapore hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội.

Trong 1 lần thể hiện năng lực Sales & Mareking của mình, Ngọc Anh biết Tập đoàn Đầu tư và CNTT HI-TEK đang cần tuyển nhân sự cho vị trí trưởng đại diện tại Việt Nam. Ngay lập tức Ngọc Anh đã gây ấn tượng với nhà tuyển dụng khó tính bằng cách chứng minh những gì một cô gái trẻ có thể làm được. Một trong số đó là khả năng quảng cáo billboard cho DOT VN lớn nhất đường Nội Bài hồi đó với phong cách độc đáo có một không hai.

Sức cuốn hút của lĩnh vực CNTT đã thôi thúc Ngọc Anh vào vị trí công việc mới. HĐQT đã thử sức cô gài trẻ bằng những công việc cụ thể, những hoàn cảnh khó. Và câu hỏi làm Ngọc Anh nhớ nhất là “Nếu phải nói một câu ngắn gọn trong lần gặp gỡ đầu tiên, chị sẽ nói câu gì để đối tác đồng ý tổ chức một cuộc hẹn gặp?”, Nhà tuyển dụng hỏi “xoáy”. 

Ngọc Anh đã khẳng định:  “Nếu được gặp, tôi sẽ có giải pháp giúp công ty anh tăng 20 % lợi nhuận”. Câu trả lời thông minh và… liều lĩnh này đã đưa cô sinh viên vừa ra trường còn chân ướt, chân ráo lên chức Trưởng đại diện Hi-tek Việt Nam. Khi đó, Ngọc Anh 23 tuổi.

Trần Minh Hoàng - Giám đốc Công ty Gia Tuệ: Từ nhân viên rửa bồn cầu thành... Giám đốc!

Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?" ảnh 2

Bây giờ, chàng trai 25 tuổi Trần Minh Hoàng đã là Giám đốc Công ty Gia Tuệ, chuyên kinh doanh bất động sản. Thế nhưng, để có được ngày hôm nay, Hoàng sẽ không thể nào quên những ngày tháng đi làm thuê nơi đất khách quê người.

Là “cậu ấm” của một gia đình khá giả, bố mẹ Trần Minh Hoàng thừa khả năng chu cấp cho anh ra nước ngoài học tập đến nơi đến chốn. Sau 1 năm theo chuyên ngành phân tích thị trường tại khoa Kinh tế Chính trị, ĐH Bologna (Ý), Hoàng sang Anh học Quản lý Tài chính. Nhưng dường như, những kiến thức ở trường chưa đủ thỏa mãn cơn khát tri thức của chàng trai ham học hỏi. Hoàng lao vào học ở trường... đời!

Một mình lang thang khắp các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan... theo kiểu “tây ba lô”, đến đâu chàng sinh viên Việt Nam giàu cá tính này cũng thắc mắc, tại sao họ giàu thế còn mình thì vẫn nghèo? Tại sao cách kinh doanh của họ lại khác của ta? Tại sao và tại sao?...

Lăn lộn với cuộc sống để tìm ra câu trả lời và hướng đi riêng cho bản thân, chàng “công tử bột” Minh Hoàng không ngại đi làm thuê đủ thứ việc ở nơi xứ lạ. Anh từng hái táo thuê 8 tiếng/ngày để nhận được 50 USD. Từng đeo 20 kg tờ rơi trên vai, đi bộ đến từng nhà phân phát, đến khi thấy vai mình sưng tấy lên, chân mỏi nhừ mới được chủ trả cho 50 USD.

Bất chấp những ánh mắt khinh khỉnh của những người xung quanh, Hoàng còn xin làm chân dọn dẹp vệ sinh cho cửa hàng Mc Donald. Bưng bê phục vụ, lau chùi, quét rọn, thậm chí là rửa toilet cũng đều qua tay chàng trai máu mê làm giàu từ khi còn rất trẻ.

Nghĩ là làm. 2 tháng sau khi trở về nước, với 200 triệu vốn liếng kiếm được trong thời gian ở nước ngoài, Hoàng thành lập công ty phần mềm. Sau một năm kinh doanh, mặc dù đã kiếm ra tiền tỉ nhưng “ông” Giám đốc tuổi 22 hồi ấy vẫn quyết định chuyển sang kinh doanh bất động sản bởi một lý do khá đơn giản: Kiếm tiền như thế quá chậm!

Không có quãng thời gian rửa bồn cầu, không có những lần phải... lau tay cho khách khi ăn xong, chắc gì đã có được ngày hôm nay. Hoàng tươi cười tâm sự. Chẳng thế mà vị giám đốc 8X này luôn tâm niệm, thành công không đến với những người không biết tạo ra nó.

Phan Chiến Thắng – Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (ElCom): Vừa đi học, vừa làm Giám đốc.

Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?" ảnh 3

Là một trong ngũ trụ của Công ty ElCOM, “tích” làm giàu của Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Phan Chiến Thắng làm nhiều bạn trẻ của Elcom không khỏi ngưỡng mộ.

Trong suốt thời gian học tập dưới mái trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, bản thân lại sống và học tập xa nhà nhưng Phan Chiến Thắng vẫn được xem là một cán bộ lớp, cán bộ Đoàn khoa năng nổ, nhiệt tình tham gia nghiên cứu khoa học và được đánh giá cao về thành tích học tập.

Với khả năng thông minh, sáng tạo và chịu khó học hỏi, anh đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó phải kể đến   “Rom disk và các ứng dụng” đã được Quỹ hỗ trợ sáng tạo  kỹ thuật Việt nam (VIFOTEC) trao giải nhì về Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật năm 2002.

Ham học hỏi và ... máu kinh doanh, đầu năm 1995, Phan Chiến Thắng đã cùng 5 người bạn thành lập nhóm nghiên cứu độc lập. Sau một thời gian ngắn cùng nghiên cứu và chuẩn bị, để có điều kiện đưa các nghiên cứu của mình ứng dụng rộng rãi trên thị trường, nhóm đã "lên đời" Trung tâm thành công ty TNHH Đầu tư phát triển Công nghệ Điện tử – Viễn thông (ELCOM). Phan Chiến Thắng vừa là giám đốc, vừa là Chủ tịch hội đồng quản trị.

Chỉ có 5 người, trải qua bao khó khăn: thiếu vốn, thiết bị, kinh nghiệm và thông tin…, tất cả các thành viên đã gắn kết với nhau để tìm ra những hướng đi vững chắc trên "mặt trận" sản xuất phần mềm máy tính, tích hợp hệ thống viễn thông, thiết kế, lắp đặt các hệ thống tổng đài thuê bao cho Bưu điện, sản xuất các thiết bị, hệ thống tính cước….

Đến nay, sau 10 năm bươn trải, công ty Elcom đã có số vốn và tài sản cố định  lên đến hàng chục tỷ đồng, với gần 200 cán bộ, nhân viên. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phần mềm máy tính và cung cấp thiết bị ngành Bưu chính viến thông.

Vậy là, với lòng quyết tâm, đoàn kết và khát khao làm giàu, chàng sinh viên Phan Chiến Thắng và những người bạn năm nào đã thành công. Với rất nhiều giải thưởng được các ngành, cấp trao tặng như Sao vàng đất Việt, Doanh nghiệp trẻ Thăng Long 2004, Sao Khuê, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC)..., Phan Chiến Thắng đã cùng với đồng nghiệp viết lên một câu chuyện làm giàu đầy sức thuyết phục.

Dương Thị Bình - Giám đốc Công ty Khách sạn Sao Hà Nội: Từ cô gái bán hàng rong trở thành triệu phú

Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?" ảnh 4

Học luôn đứng đầu lớp, là quản ca gương mẫu, thế nhưng cô học sinh Dương Thị Bình (xã Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên) không có cơ hội được học hành đến nơi đến chốn. Hết lớp 7, Bình phải chia tay với mái trường làng yêu dấu bởi lý do gia đình cô quá nghèo.

Ngày này qua tháng khác, Bình phải dậy từ 4 giờ sáng, chạy đua với mặt trời đi đào giun cho vịt. Đến trưa, Bình bế con thuê cho nhà hàng xóm những mong có miếng cơm lót dạ. Làng quê nghèo cùng người mẹ tần tảo sớm khuya đã nuôi trong cô một ý chí đang ngày một lớn dần: Phải thay đổi!

Để biến quyết tâm đó thành hiện thực, với 50 ngàn đồng làm vốn – số tiền mà mẹ cô đã phải chạy vạy ngược xuôi khắp làng trên xóm dưới, cô bé 12 tuổi Dương Thị Bình cất bước lên tàu thuỷ ra Hà Nội dù cho chưa biết sẽ làm gì ở chốn phồn hoa đô thị nhiều cám dỗ.

Không có thời gian choáng ngợp trước nhịp sống Hà thành, ngay lập tức, “con bé nhà quê” ấy đã tính đến chuyện... đi buôn. Đầu tư 2000đ mua một cái mẹt hàng xén, mua hàng bấm móng tay, bật lửa, ví da hết 45.000 đồng…Còn 1000đ mua 3 chiếc bánh mì cỏn con giắt lưng, phòng khi đói bụng. 1000 đồng để đóng tiền trọ cho 1 đêm tá túc ở bãi Phúc Tân. Và 1000 đồng còn lại để... phòng thân.

Ngày ngày đi bộ 15 km từ Phúc Tân đến Ngã Tư Sở bán hàng, gần 2 năm sau, Bình bỏ mẹt hàng xén, chuyển sang bán bưu thiếp cho khách du lịch. Để giao tiếp được với... Tây, đấu tranh tư tưởng mãi, Bình mới bỏ ra 200.000đ tiền mồ hôi gom góp bấy lâu để tham dự khoá học tiếng Anh sơ cấp tại phố Nhà Chung trong vòng 4 tháng. Cơn khát học từ ngày cấp I như tích tụ trên từng bước chân trần rát bỏng bụi đường để rồi biến thành ngọn lửa bùng cháy trong trái tim bé nhỏ áy.

Cô bé học miệt mài, học hăng say. Có những khi đi trên đường chân bước, mắt vẫn nhìn mà miệng không ngừng lẩm bẩm nhắc lại đoạn hội thoại trong sách. Đêm về, 27 người ngủ trong căn phòng hơn hai chục mét vuông tưởng Bình bị bệnh vì cô bé ngủ mơ, toàn nói những từ... không phải là tiếng mẹ đẻ.

Vươn lên từ gian khó, hiện nay, Bình đã là Giám đốc Khách sạn Sao Hà Nội với một cơ ngơi vững chãi ở 25 Mã Mây và một nhà hàng trên phố Kim Mã. Thế nhưng, hàng năm, mỗi lần có chuyến công tác lên Sapa, người ta lại thấy một cô gái bé nhỏ với túi lớn túi bé những quà bánh, bút mực, sách vở cho bọn trẻ thất học, sớm phải vào đời lo miếng cơm manh áo. Mấy ai biết rằng, bằng nghị lực và những giọt mồ hôi mặn chát đắng cay, từ một cô bé lang thang kiếm sống trên đường phố, Dương Thị Bình đã trở thành... Giám đốc.

Vườn ươm doanh nghiệp CRC - Điểm đến của những chủ doanh nghiệp tương lai

Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?" ảnh 5
Các thí sinh cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam 2004" tham gia giao lưu tại Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về quản lý CRC 

Vườn ươm doanh nghiệp CRC là một  trong 27 mô hình hỗ trợ thành lập doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được Ngân hàng thế giới tài trợ và cũng là vườn ươm phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam.

Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về quản lý CRC thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao giải thưởng Vốn và Dịch vụ ươm tạo trị giá 75.000.000 đồng cho nhóm TĐHK với sản phẩm “Môi trường số hóa bệnh viện”, sản phẩm đoạt giải Nhì cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam 2004”. Đây là giải thưởng đầu tiên của một trường đại học Việt Nam trao tặng có giá trị lớn trong một cuộc thi uy tín toàn quốc.

Giải thưởng Vốn và Dịch vụ ươm tạo nằm trong khuôn khổ dự án Vườn ươm doanh nghiệp CRC do Ngân hàng Thế giới (Worldbank) tài trợ. Vườn ươm doanh nghiệp là một tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam cung cấp cơ sở vật chất để hỗ trợ việc khởi nghiệp từ giai đoạn hình thành ý tưởng tới phát triển sản phẩm cho đến khi thành lập và phát triển doanh nghiệp. Dự án được nhiều đơn vị tài trợ như: Ngân hàng thế giới, chương trình hỗ trợ phát triển SAV của chính phủ Thụy Sĩ, đại học Leipzig của Đức và đông đảo các doanh nghiệp như FPT, IDJ, Techcombank, Kinh Đô...

CRC cũng là một  trong 27 mô hình hỗ trợ thành lập doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được Ngân hàng thế giới tài trợ và cũng là Vườn ươm phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là mô hình được Bộ Khoa học và Công  nghệ chọn làm thí điểm để nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc dự án Vườn ươm doanh nghiệp CRC, tâm sự: “Chúng tôi thực hiện dự án với mục đích hỗ trợ các tác giả có ý tưởng, công nghệ tạo lập doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ. Đối tượng tham gia dự án rất đa dạng: Các bạn sinh viên, nhân viên trẻ của các doanh nghiệp, các cán bộ trẻ trong các trường đại học, viện nghiên cứu có ý tưởng và công nghệ mong muốn ứng dụng công nghệ đó vào thực tế và tạo lập doanh nghiệp. Chúng tôi muốn Vườn ươm trở thành cầu nối đưa các phát minh sáng chế vào ứng dụng và  kinh doanh sản xuất”. Cũng theo ông Tuấn, khi tham gia Vườn ươm, những người có ý tưởng công nghệ được hỗ trợ 15.000.000 đồng tiền mặt dùng làm vốn kinh doanh; được sử dụng miễn phí trong vòng 18 tháng thiết bị và diện tích văn phòng riêng trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội...

Hình thức ươm tạo của dự án cũng rất đa dạng: Ươm tạo toàn phần, một phần, cung cấp dịch vụ hoặc được các nhà đầu tư trực tiếp ươm tạo. Song song với quá trình lựa chọn ý tưởng công nghệ sẽ là các hoạt động đào tạo huấn luyện, giao lưu tham qua doanh nghiệp. Sản phẩm của quá trình ươm tạo là các doanh nghiệp có thể tự đứng vững.  Dự án tập trung chủ yếu trong 5 lĩnh vực ưu tiên: Công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, Điện-Điện lạnh, Công nghệ Sinh học, Hóa-Hóa dầu-Hóa dược-Hóa chất  và Cơ khí-Tự động hóa.

Cũng theo ông Tuấn, 3 tiêu chí ưu tiên khi dự án được xét duyệt là: Hiệu quả kinh tế , lợi ích xã hội, tạo công ăn việc làm, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, xóa đói giảm nghèo và khuyến khích ứng dụng hiệu quả về mặt công nghệ. Ông Tuấn cho biết thêm, từ các tiêu chí này, CRC đã trao giải thưởng Vốn và dịch vụ ươm tạo cho nhóm TĐHK với sản phẩm “Môi trường số hóa bệnh viện”.

Vũ Thị Thuý Quỳnh, cán bộ chương trình đào tạo quản lý thuộc dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức-GTZ).

Khách mời Bàn tròn trực tuyến "Thanh niên làm giàu, tại sao không ?" ảnh 6

"Làm việc trong công tác đào tạo của dự án, thường xuyên được tiếp cận với những kiến thức mới của nước ngoài, tôi chỉ muốn làm sao cung cấp được thật nhiều những nội dung mình nắm được cho các báo cáo viên. Bởi lẽ tôi biết, các báo cáo viên đó sẽ truyền đạt lại những kiến thức hữu ích này cho hàng ngàn các doanh nhân trẻ”, đó là tâm sự chân thành của Thuý Quỳnh. Cô gái nhỏ nhắn ấy mới có 32 tuổi đời nhưng đã có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại GTZ.

Là một chuyên viên đào tạo nhân lực, chị Thuý Quỳnh đã từng đi hầu khắp các miền trong cả nước tham gia tập huấn, đào tạo đội ngũ giảng viên cho các công ty, tổ chức lớn như: Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, Hội DNT TP Hồ Chí Minh, cán bộ của 12 Hội đồng liên minh các hợp tác xã ở các tỉnh thành, trung tâm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ TP HCM, một số công ty tư vấn đầu tư trong và ngoài nước...

Một loạt các loại mô đun khác nhau về quản ly doanh nghiệp: Từ sang lọc ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, hay khởi sự doanh nghiệp đến hoàn thiện các kỹ năng quản lý kinh doanh ở các mặt như: quản lý tổ chức, quản lý sản xuất, quản lý marketing và quản lý tài chính với phương pháp đào tạo... chỉ là một phần trong nhỏ trong rất nhiều những kinh nghiệm quản lý, kiến thức kinh doanh mà Quỳnh muốn trao đổi trong cuộc giao lưu trực tuyến vào 15 giờ chiều thứ 4, ngày 13 tháng 4 tại Tienphongonline.com.vn.

MỚI - NÓNG