Khao khát những khoảng bình dị

Khao khát những khoảng bình dị
TP - Chị là nữ Bí thư Thường trực thứ hai trong lịch sử tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (người đầu tiên là chị Trương Thị Mai). Để có bài viết này, tôi phải chờ đợi khá lâu vì chị không có chút thời gian rảnh rỗi.

Trở thành nữ Bí thư duy nhất trong tập thể Ban Bí thư T.Ư Đoàn toàn nam giới, lại giữ cương vị Bí thư Thường trực, sức ép đối với chị là gì và chị đã vượt qua như thế nào?

Tôi mặc nhiên được coi là “Hoa hậu” mà không có đối thủ cạnh tranh! Anh em trong Ban Bí thư chia sẻ với tôi nhiều. Tôi cũng là người dễ chia sẻ với mọi người và đó là cách giúp tôi vượt qua những lúc căng thẳng trong công việc. Ngoài công việc ra, không có sức ép nào khác đối với tất cả chúng tôi.

Chị có suy nghĩ gì khi nhiều người cho rằng: Vui buồn làm công tác Đoàn cũng khác nhau qua các thời kỳ?

Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, thậm chí thiếu thốn thì niềm vui có lẽ cũng giản dị hơn nhiều. Xã hội càng phát triển, mối quan tâm, nhu cầu, đòi hỏi của con người cũng đa dạng hơn, cao hơn, đó cũng là lẽ tất nhiên.

Công tác Đoàn cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tổ chức Đoàn cũng như thanh niên mỗi thời kỳ đều có sứ mệnh lịch sử của mình, có điểm giống và khác nhau.

Thử thách bản lĩnh chính trị đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ đoàn viên thanh niên trong những năm dài đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc được khẳng định là sự phi thường; thử thách trong đầu những năm 90, khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ cũng là một điều chưa từng có.

Ngày nay, nhiệm vụ của Đoàn cùng hơn 20 triệu đoàn viên, thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước và hội nhập cũng đầy khó khăn, thách thức. Đóng góp của Đoàn và thanh niên trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước là một quá trình liên tục và rất đáng tự hào. Điều chúng ta luôn mong muốn và phấn đấu là ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay.

Với tất cả mọi người, đặc biệt với các bạn trẻ phải là sự nỗ lực vươn lên không ngừng. Chính sự chưa hài lòng với cái chúng ta đạt được, dù ở mức độ nào cũng đã và đang góp phần thúc đẩy Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiến lên cùng với bước tiến của cả dân tộc trong suốt hơn 70 năm qua.

Khao khát những khoảng bình dị ảnh 1
“Gặp gỡ thanh niên sinh viên kiều bào châu Âu tại Matxcơva”, tháng 8/2008.

Chị có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ yêu thích và theo đuổi công tác Đoàn?

Làm nghề gì hay công việc gì cũng cần phải thực sự hiểu nó, có kiến thức về nó. Muốn làm thật tốt thì cần có cả tình yêu, sự say mê. Đối với công tác Đoàn, còn cần cả sự hy sinh nữa, nhất là đối với các bạn nữ.

Tuy nhiên, nếu thực sự hết lòng vì công việc thì điều mà ta nhận được cũng hết sức có ý nghĩa. Đó chính là sự trải nghiệm, sự trưởng thành, sự cộng hưởng sức trẻ mà bạn nhận về từ những người trẻ xung quanh bạn. Như thế chẳng tuyệt vời lắm sao!

Chị thấy có sự khác biệt nào giữa các bạn trẻ trong nước với thanh niên, SVVN sinh sống và học tập tại nước ngoài qua các cuộc tiếp xúc của chị?

Ngày nay, cơ hội để trở thành công dân toàn cầu ngay chính trên mảnh đất mà bạn đang sống hoàn toàn là hiện thực. Trước đây sự khác biệt đó là điều rất dễ nhận biết, bây giờ thì không.

Sự tự tin, tự lập, khả năng tiếp cận và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tính chuyên nghiệp là ưu điểm của các bạn sinh viên Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài. Đó là điều mà mỗi bạn trẻ ở trong nước đều có thể trang bị cho mình với rất nhiều sự trợ giúp.

Thành đạt trong độ tuổi 8X, 9X hay khái niệm giám đốc doanh nghiệp là sinh viên không còn là điều mới lạ ở Việt Nam nữa.

Khao khát những khoảng bình dị ảnh 2
Với nữ sinh Việt Nam tại Nga

Có giá trị nhân văn, tình bạn và tình yêu luôn đẹp

Đã có lần chị Thanh chia sẻ rằng, nếu được nghỉ ở nhà, chị thích nhất là vào bếp làm vài món ăn khoái khẩu của hai bố con.

Cũng như bao nhiêu phụ nữ khác, chị rất thích và quan tâm đến vấn đề làm đẹp. Song với quỹ thời gian eo hẹp, việc làm đẹp chỉ dừng lại ở mức độ “tranh thủ” với một chút phấn, một chút son để có hình ảnh tươi tắn trong mắt mọi người.

Chị cũng chia sẻ với nhiều phụ nữ tham gia công tác xã hội, làm lãnh đạo hoặc chính trị gia: Ngoài sức ép, đòi hỏi giữa sự nghiệp - gia đình, phụ nữ luôn phải gánh thêm những áp lực xã hội khác mà ít khi nhận được sự chia sẻ đúng mức.

Hình như trong quan hệ tình bạn, tình yêu và cách thể hiện tình cảm của giới trẻ ngày nay có khác so với thời thanh xuân của chị?

Bản chất mối quan hệ này thì cơ bản không khác. Nhưng cách thể hiện thì khác nhiều lắm. Cởi mở, mạnh dạn, tự tin, thực tế hơn, thậm chí sòng phẳng hơn!

Trước đây làm gì có tình yêu qua mạng? Tình bạn vượt đại dương cũng hiếm. Nhưng với sự trợ giúp của công nghệ thông tin thì đó đã là câu chuyện thường ngày.

Có những chuyện chưa “xưa” lắm về sự lãng mạn thì các bạn trẻ ngày nay đã coi như chuyện cổ tích rồi. Không phải họ không lãng mạn, nhưng kể cả sự lãng mạn trong tình yêu cũng đã khác xưa.

Có lẽ nhịp điệu và tiện ích của cuộc sống ngày nay đã làm nên sự khác biệt đó. Tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường, điều quan trọng cốt lõi là, dù ở thời nào thì những giá trị nhân văn cũng không được mai một hay bị coi nhẹ. Có nó thì sẽ có tình bạn, tình yêu đẹp.

Chị nghĩ gì về hình ảnh người phụ nữ sáng đưa con đi học, chiều đón con về, lo toan cơm nước, chăm sóc cho chồng, con? Có bao giờ điều đó chi phối đến chị?

Đó là hình ảnh về một mái ấm gia đình hạnh phúc bình dị. Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người cũng khác nhau, còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh hay cảm nhận của mỗi người về nó nữa. Tuy nhiên, tôi mong muốn có được nhiều những khoảng bình dị như vậy, nhất là những lúc bộn bề công việc.

-Xin cám ơn chị! Chúc chị nhiều niềm vui trong năm mới!

Năm 1990 khi vừa tốt nghiệp trường Đoàn tại Liên Xô, cô gái trẻ Lâm Phương Thanh về công tác tại văn phòng T.Ư Đoàn. Sau gần 20 năm gắn bó với công tác thanh niên, phong cách ăn mặc luôn chung thủy với quần bó, áo thụng họa tiết hoa văn mềm mại, gam màu trầm, mái tóc luôn để buông rất hợp với “phom” người đầy đặn, trẻ trung. Sở dĩ chị giữ phong cách ăn mặc ấy là vì thích sự thoải mái. Và cũng vì chị thường xuyên tiếp xúc với thanh niên, sinh viên.

Thời còn học phổ thông, chị Thanh vốn là học sinh chuyên văn, hay làm thơ. Chị từng được giải ba về thơ dành cho lưu học sinh ở Liên Xô cũ.

Đáp lại lời đề nghị gửi tặng độc giả một bài thơ mà chị yêu thích, chị cười đáp: “Dạo này tôi ít viết và chỉ viết cho riêng mình thôi!”.

Trong một lần chuyện trò, chị tâm sự: Từng làm cán bộ Đoàn trong trường phổ thông, yêu thích Đoàn nhưng chưa từng nghĩ rằng sau này trở thành cán bộ Đoàn “chuyên nghiệp”! Với chị, gắn bó với Đoàn đã như một cái duyên.

Phương Hiếu thực hiện

MỚI - NÓNG