Khát khao vươn lên, cống hiến

Khát khao vươn lên, cống hiến
(TPO) Các HS đoạt giải Olympic quốc tế 2005 chính là những tài năng trẻ của nước nhà. Tất cả đều mong muốn được đi du học tại các nước tiên tiến để thu nạp thêm kiến thức và khát khao được cống hiến cho đất nước.

Buổi giao lưu trực tuyến với các  học sinh (HS) đoạt HCV, HCB Olympic quốc tế 2005 trên Tiền Phong Online hôm qua (25/7) đã thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo của bạn đọc trong và ngoài nước.

Các bạn có đề đạt gì với Chính phủ về việc đào tạo người tài, đặc biệt là đối với các HS giỏi tầm cỡ quốc tế hiện nay? (PV TPO)

Phạm Kim Hùng: Bọn em đã được tạo nhiều điều kiện về mọi mặt trong khi thi. Em muốn Nhà nước tạo điều kiện hơn nữa cho chúng em trong tương lai. Em muốn theo học ngành CNTT, và mong muốn đi du học sang Mỹ hoặc sang Anh để phát triển khả năng của mình. Sau đó em sẽ về nước để giúp cho ngành CNTT nước nhà. Em cũng hi vọng được học bổng toàn phần. Em cũng đã tìm hiểu và muốn được sang Mashachusset để học. Đó là ước mơ của em !

Nguyễn Thị Kim Ngân: Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa có học bổng du học cho những học sinh đạt huy chương nên đôi khi chúng em thấy hơi buồn vì điều này. Em mong Nhà nước sẽ có những học bổng toàn phần dành cho những học sinh xuất sắc. Em tin rằng, khi mà chúng em được Nhà nước “đầu tư” đúng mức, chắc chắn chúng em sẽ rất biết ơn và từ đó, chúng em sẽ cố gắng học tập tốt để trở về cống hiến cho đất nước, không phụ lòng Nhà nước đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng em. Bản thân em muốn du học trường Polytechnic, Pháp nhưng điều kiện kinh tế gia đình có hạn nên em không thể du học tự túc được.

Nguyễn Mai Luân: Em chỉ lấy một ví dụ với các bạn Thái Lan, ngay sau kỳ Olympic, các bạn sẽ được Chính phủ cho đi du học với 100% học bổng, ở Việt Nam mình không có chính sách đó.Tất nhiên theo em việc có một HCV Olympic cũng sẽ giúp em rất nhiều trong việc tự tìm học bổng, nhưng nếu có được sự giúp đỡ của Chính phủ thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Bố mẹ em đều là công nhân viên chức, nếu đi du học tự túc chắc chắn sẽ không thể đủ kinh phí. Chỉ có thể tự đi “săn” học bổng hoặc trông chờ vào các nhà tài trợ và chính sách của Nhà nước.

Các gương mặt tham gia giao lưu trên Tiền Phong Online:

Phạm Kim Hùng - HS lớp 12 khối chuyên Toán - Tin ĐHKHTN (ĐH QG Hà Nội): HCV Olympic Toán quốc tế 2004, HCB Olympic Toán quốc tế 2005.

Nguyễn Thị Kim Ngân - HS lớp 12 chuyên Sinh trường Hà Nội – Amsterdam:  HCB Olympic Sinh học quốc tế 2005 tại Bắc Kinh.

Nguyễn Thị Phương Dung - HS lớp 12 trường PTTH chuyên Vĩnh Phúc : Nữ sinh duy nhất trên thế giới đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý 2005.

Nguyễn Mai Luân - HS lớp 12 chuyên Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) : HCV Olympic Hóa quốc tế 2005, HCB Olympic Hóa quốc tế 2004.

Nguyễn Hoàng Minh - HS lớp 11 chuyên Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) :  HCV Olympic Hóa quốc tế 2005.

Hoàng Minh: Theo em việc đi du học nước ngoài rất cần thiết vì công nghệ và kỹ thuật của nước ta còn thua kém các nước bạn. Vì vậy cần những con người có khả năng và niềm đam mê ra nước ngoài tiếp thu kiến thức về xây dựng đất nước.

Đối với đồng tiền lương công chức thường như của bố mẹ em thì việc du học tự túc là điều không thể. Riêng bản thân em, em sẽ cố gắng kiếm các học bổng để đỡ đần sự vất vả cho bố mẹ. Nếu có thêm chính sách của Nhà nước thì việc du học sẽ rất thuận lợi cho em và những HS có hoài bão lớn.

Trước mắt, chúng em rất mong có những nhà tài trợ, là các Cty, tổ chức, tài trợ cho chúng em, cho các đội tuyển rất cần điều kiện thực hành như Vật lý, Sinh học, Tin học, Hóa học để chúng em có điều kiện tiếp xúc với điều kiện học tập và máy móc thực hành hiện đại. Em nghĩ học sinh Việt Nam không thua kém các bạn quốc tế về tư duy, mà chỉ thua kém về kinh nghiệm và các kỹ năng thực hành. Nếu được thực hành trên máy móc hiện đại, em tin là chúng em sẽ có được thành tích tốt hơn.

Nguyễn Thị Phương Dung: Sau khi đạt được thành tích này, em rất mong muốn được tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất để học tập. Em rất vui mừng nếu có cơ hội được đi du học, và chắc chắn sau khi kết thúc khóa học ở nước ngoài, em sẽ quay trở về cống hiến sức lực cho đất nước. Nhưng em nghĩ, nước mình cũng nên tạo những điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các du học sinh như chúng em.

Các bạn suy nghĩ sao, khi nhiều Hoa hậu VN ngay khi đăng quang đều nhận được lời mời và học bổng toàn phần đi du học (chẳng hạn Mai Phương đi du học tại Anh). Còn các các bạn thế nào? Đã có lời mời nào chưa? (Trần Vĩnh Phú, 35 tuổi, Hà Nội).

Khát khao vươn lên, cống hiến ảnh 1
Các HS đoạt HCV, HCB Olympic quốc tế đang giao lưu tại TPO. Từ trái qua phải : Nguyễn Hoàng Minh, Phạm Kim Hùng (hàng đứng) và Nguyễn Mai Luân, Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Kim Ngân(hàng ngồi).

Nguyễn Thị Kim Ngân: Em nghĩ Hoa hậu là những người của công chúng thì thường được quan tâm hơn chúng em. Nhưng em thấy không nên suy nghĩ quá nhiều về vấn đề này vì stress như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe. Riêng em, em muốn Nhà nước mình quan tâm và tạo thêm nhiều cơ hội cho chúng em.

Kim Hùng: Em chưa nhận được lời mời nào và em cũng không quan tâm lắm. Theo như em biết thì bọn em sẽ học lên ĐH, đến đầu năm thứ 2 thì sẽ có kỳ thi để chọn đi du học. Em cũng thấy bình thường, cơ hội đi du học còn nhiều phía trước. Việc đi du học hiện tại em nghĩ không khó lắm, quan trọng là chọn được trường tốt cho mình.

Nguyễn Thị Phương Dung: Hiện tại thì em chưa nhận được lời mời nào. Nhưng em nghĩ là khi học đại học, cơ hội du học đến với em sẽ nhiều hơn và bản thân em cũng sẽ cố gắng. Còn trường hợp chị Mai Phương, em không nghĩ chị ấy được đi du học vì là một Hoa hậu. Theo em được biết, chị ấy cũng là một học sinh giỏi Lý.

Nếu đi du học, sau này các em có quay trở về để cống hiến cho nước nhà? Nếu các Cty nước ngoài nhận đỡ đầu cho các bạn, và sau này họ trả lương rất cao thì các bạn có làm việc cho họ không? (Nguyễn Văn Dần, 45 tuổi, TPHCM)

Tất cả các HS giỏi quốc tế của chúng ta đều có chung câu trả lời rằng, họ khát khao được cống hiến cho đất nước quê hương mình. Song với các Cty của nước ngoài, các em đều nói cần phải cân nhắc đến những điều kiện ràng buộc, chẳng hạn như không thể trở thành “chiếc máy kiếm tiền” cho các Cty này suốt đời được. Nhưng với chính đất nước, quê hương mình, chúng tôi thấy những tài năng trẻ này lại không hề quản ngại.

Rõ ràng, họ đang rất cần một sự đầu tư của đất nước để được tiếp cận, dung nạp các kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến ở nước ngoài, để tiếp tục được sáng tạo và cống hiến cho nước nhà. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đã đến lúc cần có những chính sách và chiến lược cụ thể cho các tài năng trẻ thực thụ này.

MỚI - NÓNG