Khau Vai, từ chợ tình đến lễ hội

Chợ tình Khau Vai 2014 có nhiều nét mới thu hút du khách trẻ.
Chợ tình Khau Vai 2014 có nhiều nét mới thu hút du khách trẻ.
TP - Sau ba năm nâng cấp thành Tuần lễ văn hóa du lịch lễ hội, Chợ tình Khau Vai 2014 sẽ có nhiều hoạt động đậm bản sắc văn hóa miền cao nguyên đá được khôi phục, hứa hẹn thu hút nhiều người trẻ xuống chợ.

Những nét mới

Tồn tại gần 100 năm nay, họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch, chợ tình Khau Vai là điểm hẹn của những đôi trai gái có mối tình trắc trở; là nơi giao lưu, kết bạn của những người trẻ các dân tộc. Từ lâu, chợ tình Khau Vai còn là điểm hấp dẫn của những phượt thủ trẻ để chinh phục những cung đường khó và tìm hiểu văn hóa, con người vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc, Trần Kim Ngọc cho biết từ chỗ chỉ diễn ra trong một ngày, chợ tình Khau Vai được phát triển thành lễ hội và đến nay đã được nâng lên thành tuần lễ văn hóa du lịch, lễ hội. Qua mỗi năm, nội dung lại đổi mới thêm phong phú.

Năm nay, Tuần văn hóa, du lịch lễ hội chợ tình Khau Vai diễn ra trong ba ngày từ 24 đến 26/4 (tức ngày 25 - 27/3 âm lịch) với nhiều nét mới. Du khách, nhất là những bạn trẻ sẽ được nghe kể truyền thuyết tình yêu khởi nguồn của chợ tình Khau Vai bằng ca kịch cải lương. Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ thể hiện lại chuyện tình sâu nặng của chàng Ba người dân tộc Nùng ở Khau Vai và cô Út là con một tộc trưởng người Giáy, nhưng bị gia đình phản đối.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Trần Kim Ngọc, tham gia các hoạt động trải nghiệm, du khách sẽ không mất phí mà tùy tâm ủng hộ các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn, hay chủ ngựa tham gia phục vụ.

Hòa mình vào không gian chợ tình với những âm thanh, màu sắc miền rẻo cao, du khách được trải nghiệm, thực hành kỹ thuật dệt vải lanh, làm khèn Mông, đan quẩy tẩu, thêu thổ cẩm do các nghệ nhân địa phương hướng dẫn; Hóa thân thành chàng trai, cô gái người dân tộc “cưỡi ngựa xuống chợ tình” trên quãng đường dài 1km.

Bên cạnh đó, còn có hoạt động văn hóa dân gian (hát đối, hát giao duyên), giao lưu ẩm thực, tái hiện Lễ hội Múa trống của dân tộc Giáy; Hội chọi Chim họa mi, Hội chọi bò…

Theo ông Trần Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, tham gia các hoạt động trải nghiệm, du khách sẽ không mất phí mà tùy tâm ủng hộ các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn, hay chủ ngựa tham gia phục vụ.

Phiên chợ tình năm nay lần đầu diễn ra Chung kết cuộc thi Người đẹp Cao nguyên đá với sự tham gia của 27 thí sinh đại diện cho thiếu nữ các dân tộc tại Hà Giang.

Trong đêm thi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp trang phục của 22 dân tộc trên địa bàn tỉnh; thưởng thức các tiết mục tài năng, thi ứng xử. Đêm chung kết còn có sự hiện diện của Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 Lò Thị Minh trong vai trò thành viên ban giám khảo.

Theo chị Vương Ngọc Hà, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang, cuộc thi không chỉ tôn vinh nét đẹp thiếu nữ các dân tộc Hà Giang mà còn hướng tới truyền đi những thông điệp về lối sống tích cực trong thanh niên đẩy lùi các hủ tục như nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết…

Phát biểu tại lễ họp báo ở Hà Nội do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Hội LHTN tỉnh Hà Giang và UBND huyện Mèo Vạc tổ chức (ngày 17/4), Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long nêu rõ: Thông qua các hoạt động của Tuần lễ văn hóa, du lịch lễ hội chợ tình Khau Vai năm 2014 sẽ góp phần vào công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống, xóa đói giảm nghèo và đặc biệt vấn đề an ninh quốc phòng, biên giới.

Sẵn sàng

Công tác chuẩn bị cho Tuần lễ văn hóa du lịch lễ hội chợ tình Khau Vai 2014 được ban tổ chức quan tâm, đẩy mạnh và cơ bản hoàn thành. T.Ư Hội LHTN Việt Nam, các tổ chức Đoàn thanh niên cơ sở phối hợp thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện (TNTN) tham gia phục vụ lễ hội.

Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà cho biết, ngay từ cổng chào thành phố Hà Giang, du khách đã có thể được các TNTN hướng dẫn, tư vấn trực tiếp và bằng tờ rơi về lịch trình, các điểm dừng chân, các điểm du lịch, văn hóa như cao nguyên đá Đồng Văn, công viên địa chất toàn cầu, hay đỉnh đèo Mã Pì Lèng và con đường Hạnh Phúc…

Để du khách dễ nhận biết, tại các điểm này sẽ ghi rõ “Điểm TNTN phục vụ du khách”. Bên cạnh áo xanh tình nguyện, nhiều điểm TNTN sẽ mặc trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Tại huyện Mèo Vạc, TNTN sẽ cung cấp thông tin, địa chỉ nhà nghỉ, điểm lưu trú nhà dân… Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc Trần Kim Ngọc cho hay: “Chúng tôi đã huy động nhà trường, nhà nghỉ bình dân và nhà dân tạo điều kiện giúp đỡ, phục vụ du khách. Giá cả được công khai, niêm yết cụ thể”.

Ban tổ chức cũng đã có phương án để phân luồng, điều tiết về giao thông, dịch vụ ăn nghỉ sang những địa phương lân cận trong trường hợp lượng du khách quá đông. Trong không gian lễ hội, ban tổ chức chú trọng tổ chức các gian hàng ẩm thực, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mật ong bạc hà, khèn Mông, quẩy tẩu, các mặt hàng thủ công… để giới thiệu và bán cho du khách.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.