Khi ca từ nhạc hit xâm lấn đời sống giới trẻ Việt

Khi ca từ nhạc hit xâm lấn đời sống giới trẻ Việt
Ngôn ngữ đời sống đi vào âm nhac và sau đó đã có sự tác động ngược trở lại đầy thú vị, nhất là với những bản nhạc gần đây như "Mình yêu nhau đi", "Anh không đòi quà"...

Kể từ 2013, Vpop gần như thoát khỏi giai đoạn bão hòa với một loạt nhân tố mới trẻ trung và đầy sức sáng tạo. Nhiều bản hit đã được ra mắt và nhanh chóng chiếm được chỗ đứng trong lòng khán giả. Điểm đáng lưu ý là ngoài chất nhạc trẻ trung, hiện đại, ca từ của các bản hit này rất gần gũi với khán giả. Trong đó, nhiều cụm từ đã tách khỏi ca khúc để có đời sống riêng, trở thành một thứ ngôn ngữ mới trong đời sống của các bạn trẻ. Cùng điểm lại một số cụm từ đang được nhắc đến nhiều nhất hiện nay.

“Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi”

Đầu tiên phải kể đến cụm từ “Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi” trong bản hit mới nhất của Tiên Cookie – Mình yêu nhau đi. Ra đời đúng vào thời điểm dịp lễ Tình nhân Valentine vừa qua, ca khúc ẩn chứa một thông điệp đơn giản nhưng đầy ý nghĩa về tình yêu: Nếu thực sự có tình cảm, hãy bỏ qua nỗi ngại ngần và mọi rào cản để đến bên nhau. Tình yêu sẽ xóa nhòa mọi ranh giới.

Khi ca từ nhạc hit xâm lấn đời sống giới trẻ Việt ảnh 1

Hình ảnh trong MV Mình yêu nhau đi.

Giai điệu nhẹ nhàng, dễ thương của bài hát cùng với giọng hát ngọt ngào của Bích Phương đã nhanh chóng đưa Mình yêu nhau đi trở thành ca khúc hot nhất trên tất cả các trang nghe nhạc trực tuyến, đặc biệt là Mp3 Zing với số lượt nghe kỷ lục (gần 25 triệu lượt đến thời điểm này). Cụm từ “Hay là mình cứ bất chấp yêu nhau đi…” sau một thời gian ngắn lan truyền đã trở thành một trào lưu được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Một loạt các bản cover và tranh chế với nội dung tương tự cũng được cư dân mạng truyền nhau. Điều này thể hiện sự thành công, sức lan tỏa ngoài mong đợi của Tiên Cookie và Bích Phương Idol.

Khi ca từ nhạc hit xâm lấn đời sống giới trẻ Việt ảnh 2 Phiên bản tranh chế của "Hay là mình cứ bất chấp yêu nhau đi".

"Anh không đòi quà"

Cuối năm 2013, sự việc một cô gái Hà Nội đăng tải clip người yêu cũ cho người đến nhà đòi quà đã tạo nên một cơn sốt. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, rất nhiều hình ảnh và thơ chế câu chuyện này ra đời. Nhưng trong đó, nổi bật nhất là MV Anh không đòi quà của rapper Karik, nhạc sĩ Only C và Amanda Baby. Với việc khắc họa toàn bộ diễn biến câu chuyện bằng lời bài hát và những đoạn rap ấn tượng, “Anh không đòi quà” nhanh chóng được khán giả yêu mến và tạo thành một làn sóng cover với nhiều phiên bản khác nhau.

Các cụm từ như "cô gái trường mỏ gặp anh trai khoa kế toán", "2 triệu tiền hoa quả", "yêu anh nhé, anh không đòi lại quà đâu",... từ đó cũng được lan truyền chóng mặt. Và đến thời điểm này, câu nói “Anh không đòi…” vẫn còn khá phổ biến và thông dụng trong giao tiếp ngôn ngữ của các bạn trẻ.

Độc giả có lẽ không xa lạ gì với cụm từ “Cuộc tình dù đúng dù sai, tổn thương nhất vẫn chỉ là người con gái…” trong ca khúc Em muốn của Tiên Cookie do Bích Phương Idol thể hiện. Đây là một bản ballad buồn, thể hiện tâm trạng của người thiếu nữ khi đã vô tình đánh mất đi tình yêu của mình.

Khi ca từ nhạc hit xâm lấn đời sống giới trẻ Việt ảnh 3

Bích Phương Idol - người đã đưa nhiều bản hit của Tiên Cookie đến gần hơn với khán giả

So với Mình yêu nhau đi, sức nóng của Em muốn có thể không bằng nhưng cụm từ “Cuộc tình dù đúng dù sai…” lại được phổ biến rộng rãi không kém gì so với câu “Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi”. Cũng giống những cụm từ “nổi tiếng” trong các hit khác, “Cuộc tình dù đúng dù sai, tổn thương nhất vẫn chỉ là người con gái” được dân mạng chia sẻ trong những dòng status tâm trạng. Hình ảnh và tranh chế của cụm từ này cũng lan tràn khắp nơi. Có thể có người không biết ca khúc Em muốn, nhưng cụm từ “Cuộc tình dù đúng dù sai...”, chắc chắn đã từng nghe ít nhất một lần.

"Giá có thể ôm ai và khóc"

Năm 2013, sau khi ra mắt single online đầu tay Khi người lớn cô đơn, Phạm Hồng Phước tiếp tục nhận được tình cảm lớn của khán giả yêu nhạc trong single Giá có thể ôm ai và khóc.

Khi ca từ nhạc hit xâm lấn đời sống giới trẻ Việt ảnh 4

Phạm Hồng Phước.

Vẫn giữ nguyên những cảm xúc đầy chất tự sự, chất liệu sáng tác lấy từ những sắc màu nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại, Giá có thể ôm ai và khóc chạm đến những khoảng lặng sâu kín trong tâm hồn mỗi con người. Điều này đã đánh trúng tâm lý của rất nhiều khán giả trẻ - những người có đời sống vội vã, gấp gáp nhưng luôn tồn tại nỗi cô đơn trong lòng. Những ca từ như: “Giá như có người đợi tôi đâu đó giữa cuộc đời/ Giá như có người ôm tôi mỗi tối/ Giá như có người ngồi nghe tôi kể bao vui buồn…” nhanh chóng nhận được sự đồng cảm. Đồng thời, câu nói “Giá có thể ôm ai và khóc” cũng được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong đời sống những người trẻ.

Thời điểm hiện tại, Phạm Hồng Phước đang dính phải nghi án đạo nhạc ở ca khúc Khi chúng ta già. Các tác phẩm trước đó của anh, trong đó có cả Giá có thể ôm ai và khóc cũng đang bị đặt trong vòng nghi vấn. Sự việc còn chưa phân rõ đúng sai nhưng những giá trị mà các ca khúc của Phạm Hồng Phước đem đến cho khán giả là một điều không thể phủ nhận.

“Anh muốn em sống sao”

Sau thành công của những single như Và em đã biết mình yêu hay Câu chuyện ngày mưa được nhiều khán giả và người hâm mộ yêu thích, nữ ca sĩ trẻ Bảo Anh tiếp tục cho ra mắt ca khúc Anh muốn em sống sao.

Đây là một sáng tác của tác giả Chi Dân dành riêng cho Bảo Anh. Nội dung của Anh muốn em sống sao được Chi Dân lấy cảm hứng từ chính câu chuyện tình nhiều trắc trở của Bảo Anh. Chính vì thế, từng câu từng chữ trong lời bài hát và giai điệu đều khiến Bảo Anh hoàn toàn hài lòng khi chỉ mới nghe qua bản demo.

Thể hiện ca khúc bằng chính những tâm tư tình cảm của mình, Bảo Anh đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của khán giả yêu nhạc. Cùng với sức lan tỏa của ca khúc, cụm từ chủ đề “Anh muốn em sống sao” cũng được rất nhiều bạn trẻ yêu thích sử dụng.

Ngoài những trường hợp trên, có thể kể ra nhiều cụm từ khác như Không cảm xúc (Hồ Quang Hiếu), Chỉ anh hiểu em (Khắc Việt), Vì em không quay về (Hoàng Tôn)... Cùng với sự trẻ hóa của đội cũ ca sĩ, nhạc sĩ, ca từ trong các ca khúc đang ngày càng gần gũi với đời sống, đôi khi chính là những lời ăn tiếng nói hàng ngày. Sự tiếp nhập giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ nghệ thuật ngày càng được thể hiện rõ nét. Điểm tích cực của điều này là khán giả luôn cảm thấy gần gũi khi thưởng thức ca khúc.

Tuy nhiên, đôi khi các ca từ trong âm nhạc được phản chiếu lại đời sống lại bị biến tấu thành các phiên bản tục tĩu, phản cảm. Có lẽ đây cũng là một khía cạnh cần được lưu ý trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà những người người làm nhạc, nghe nhạc và sử dụng ngôn ngữ cần lưu ý.

Theo Zing
MỚI - NÓNG