Khi các thủ lĩnh đoàn là ông chủ

Anh Khưu Tấn Bửu miệt mài đính gạo lên túi xách. Ảnh: Hoà Hội.
Anh Khưu Tấn Bửu miệt mài đính gạo lên túi xách. Ảnh: Hoà Hội.
TP - Không chỉ là thủ lĩnh phong trào thanh niên ở địa phương, nhiều các bộ đoàn còn làm chủ mô hình kinh tế. Với họ, muốn tập hợp được thanh niên, phát động phong trào khởi nghiệp thì trước hết bản thân phải là người đi đầu, làm trước.

Anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ, bày tỏ vui mừng khi có nhiều cán bộ Đoàn đang là đầu tàu dẫn dắt thanh niên làm kinh tế, khởi nghiệp. “Các bạn bí thư chi đoàn ấp, đoàn xã, mỗi cán bộ đoàn làm chủ mô hình sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc thu hút thanh niên. Từ đó, sẽ tạo cú hích trong xây dựng nông thôn mới”, anh Nghĩa nói.

Thu tiền tỷ giữa sông Hậu

“Hiện có một thực tế là rất khó tập hợp thanh niên để phát động phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp. Nhưng nếu có cán bộ đoàn đã khởi nghiệp thành công, khi kêu gọi sẽ dễ dàng hơn, nói thanh niên sẽ nghe hơn”, anh Phan Tấn Sang, 27 tuổi, Phó Bí thư Đoàn phường Tân Lộc (Thốt Nốt, TP Cần Thơ), nhận xét. Anh là một trong những điển hình về khởi nghiệp với thu nhập hằng năm gần tỷ đồng ở xứ cù lao này. Anh Sang cho biết, nuôi 4 bè cá sát, năm 2017 bán mỗi bè được 750 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 250 triệu đồng/bè. Cá sát trông giống cá tra nhưng nhỏ hơn, thịt thơm và béo. Anh Sang cho biết, loài cá này sống ở nước ngọt, đến nay vẫn chưa cho sinh sản nhân tạo được nên nguồn giống trở nên ngày càng quý hiếm, ít người nuôi.

Anh Sang tham gia công tác đoàn từ năm 2014, sau đó được bầu làm Phó bí thư Đoàn phường. Chị Nguyễn Hà My, Bí thư Đoàn phường Tâm Lộc, đánh giá: Sang là cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ ĐVTN trên địa bàn. Bản thân làm chủ mô hình kinh tế nên dễ thu hút ĐVTN tham gia các hoạt động phong trào cũng như trong khởi nghiệp ở địa phương.

Quảng bá văn hóa Việt từ gạo

Anh Khưu Tấn Bửu, Bí thư chi đoàn khu vực 4, phường Cái Khế (Ninh Kiều, Cần Thơ), có cơ sở làm tranh gạo. Hiện chỗ của Bửu tạo việc làm ổn định cho 15 ĐVTN, thu nhập khoảng 3 triệu
đồng/tháng.

Anh Bửu đã nghiên cứu cách làm cho hạt gạo giữ lâu được khi ghép thành tranh. Ban đầu làm tranh chỉ bằng gạo rang, sau đó anh sử dụng rau củ quả nấu lên tạo màu cho hạt gạo rồi pha vào hình ảnh khiến bức tranh trở nên khác biệt. “Từ nét hoa văn, hình ảnh của tranh gạo, em mong muốn khách hàng quốc tế biết đến truyền thống văn hóa người Việt Nam”, anh Bửu nói. “Cả tháng nay hơn chục bạn làm miệt mài để kịp gửi các bức tranh gạo hình chủ quyền biển đảo tặng các chiến sỹ đang công tác ở Trường Sa do Trung ương Đoàn tổ chức”, anh cho biết.

MỚI - NÓNG