Khi cán bộ Đoàn giải cứu nông sản

Khi cán bộ Đoàn giải cứu nông sản
TP - Trước tình hình nông sản của nông dân bị thương lái ép giá, ế ẩm, nhiều cán bộ Đoàn đã kêu gọi các tình nguyện viên cùng vào cuộc tổ chức “giải cứu” và thành công.

Những cuộc giải cứu nông sản

Những ngày này, Đoàn cơ quan T.Ư Đoàn, Huyện Đoàn Quang Bình, Hà Giang, tất bật với chiến dịch hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cam sành Hà Giang. Những tình nguyện viên trong màu áo xanh của Đoàn bất chấp rét mướt, miệt mài ngày đêm đứng bán cam, vận chuyển từng thùng cam đi khắp mọi nẻo đường Hà Nội.

Anh Vũ Minh Thảo, Bí thư Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn, đơn vị trực tiếp bán cam giúp bà con Hà Giang chia sẻ, sau tết, nhận được thông tin từ anh Vũ Mạnh Hà, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang về việc cam sành Hà Giang tiếp tục khó khăn, thương lái thu mua của bà con với giá dao động từ 6.000 – 8.000đồng/kg. “Để hỗ trợ bà con lúc khó khăn, nâng cao thương hiệu cam sành, Đoàn cơ quan T.Ư Đoàn phối hợp với Tỉnh Đoàn Hà Giang, Huyện Đoàn Quang Bình đứng ra bao tiêu cho bà con với giá đảm bảo có lãi là 10.000đồng/kg. Giá vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng Thủ đô là 18.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg (ship tận nhà). Huyện Đoàn Quang Bình làm đầu mối thu mua cam sành, tổ chức cho đoàn viên thanh niên tình nguyện hái cam, đóng hàng, vận chuyển giúp bà con”, anh Thảo nói và cho biết mục tiêu của chương trình là giúp bà con Quang Bình tiêu thụ 100 tấn cam. Sau một tuần triển khai đã giúp bà con tiêu thụ được 36 tấn cam.

Khi cán bộ Đoàn giải cứu nông sản ảnh 1

Gừng của người dân tỉnh Hà Giang được cán bộ T.Ư Đoàn “giải cứu”, tiêu thụ tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Trước đó, những ngày cuối tháng Chạp năm 2016, Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn phối hợp với Huyện Đoàn Xín Mần, Hà Giang giải cứu thành công 100 tấn gừng Xín Mần. Trong khi mọi người tất bật sắm sửa đón tết, hàng chục tình nguyện viên thay phiên nhau, túc trực ngày đêm đóng gói, cân đong từng kilogam gừng trao tận tay khách hàng. Đến ngày 28 tết, hàng chục tấn gừng chất đống một góc trụ sở T.Ư Đoàn (60 Bà Triệu, Hà Nội) hết sạch, mọi người thở phào.

Mục tiêu dài lâu là làm sao giúp người nông dân xây dựng được thương hiệu nông sản Việt, để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”.

 Anh Phạm Đình Trung

Bí thư 

Huyện Đoàn 

Quang Bình

Năm 2015, Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn cùng với tuổi trẻ Quảng Ngãi “giải cứu” thành công 550 tấn dưa hấu; cùng với tuổi trẻ Sóc Trăng “giải cứu” hàng nghìn tấn hành tím cho người dân Sóc Trăng…

Xây dựng thương hiệu nông sản Việt

Sau cuộc giải cứu thành công gừng ở Xín Mần, giờ lại đến cam. Một tuần nay, anh Vũ Minh Thảo ở lại cơ quan “ăn ngủ cùng cam”. Anh Thảo chia sẻ, mặc dù đã tính toán, lên kế hoạch chi tiết về chương trình bán cam hỗ trợ người dân Hà Giang nhưng khi bắt tay thực hiện phát sinh rất nhiều vấn đề buộc anh phải túc trực xử lý. “Cam thường được chuyển về Hà Nội trong khoảng từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Đêm nào cũng có 3, 4 chuyến xe chở cả chục tấn cam. Các tình nguyện viên chủ yếu là sinh viên, ngày đi học, đêm gần như thức trắng bốc vác cam. Một đêm, tôi vừa túc trực ở điểm chính là trụ sở T.Ư Đoàn, vừa chạy đến các địa điểm khác để cùng giám sát, chỉ đạo và động viên anh em tình nguyện viên”, anh Thảo chia sẻ.

“Dù đã truyền thông và giải thích rõ ràng về chương trình hỗ trợ bà con Hà Giang tiêu thụ cam sành nhưng tôi cũng như các tình nguyện viên vẫn gặp không ít câu hỏi hoài nghi của khách hàng “đây có phải cam Hà Giang hay lại cam Trung Quốc”, hay những phàn nàn về việc có những quả cam bị dập, hình thức không đẹp mắt. Chúng tôi phải đi đổi từng quả cam cho khách, tìm mọi cách chiều khách để làm sao họ hài lòng nhất về những quả cam sành Hà Giang”, anh Thảo nói thêm.

Anh Phạm Đình Trung, Bí thư Huyện Đoàn Quang Bình, Hà Giang, cho biết, khó nhất là thay đổi tư duy người nông dân. Khi lên chương trình hỗ trợ người dân Quang Bình tiêu thụ cam sành, cán bộ Đoàn đã đến tận từng nhà dân, ra từng vườn cam hướng dẫn, tư vấn người dân cách thu hoạch, phân loại cam sao cho đúng kỹ thuật. Nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. “Những cuộc “giải cứu” nông sản nói chung, việc hỗ trợ người dân tiêu thụ cam nói riêng, chúng tôi chỉ xem đó là giải pháp tình thế. Mục tiêu dài lâu là làm sao giúp người nông dân xây dựng được thương hiệu nông sản Việt, để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”, anh Trung nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.