Khi câu hỏi “bao giờ chống lầy” lặp đi, lặp lại...

Khi câu hỏi “bao giờ chống lầy” lặp đi, lặp lại...
TPCN - Diễn đàn “Lười yêu” đã lý giải những nguyên nhân và hoàn cảnh khiến người ta “lười yêu”. Cho dù vì lý do gì thì tôi vẫn đồng ý với bạn Thanh Nhàn rằng không ai sống mà không yêu.
Khi câu hỏi “bao giờ chống lầy” lặp đi, lặp lại... ảnh 1

Bài viết này, tôi muốn đề cập đến một quan điểm phổ biến trong xã hội hiện nay đối với những người “tạm thời chưa yêu”.

Tôi năm nay 23 tuổi. Thường thì tôi rất ghét nhớ tuổi của mình nhưng mọi người hỏi nhiều quá nên phải nhớ.

23 tuổi, vừa ra trường, tôi muốn được nghĩ rằng mình rất trẻ để tự do theo đuổi những mơ ước bao lâu nay ấp ủ, để phiêu lưu và vui chơi thỏa thích khi thoát khỏi sách vở và những ràng buộc ở trường đại học.

Ngày Tết, khách khứa đến nhà, câu hỏi đầu tiên là “Cháu ra trường chưa?” – “Rồi ạ”, câu hỏi thứ 2 là “Có việc làm chưa?”, và y như rằng câu thứ 3 là “Thế bao giờ định cho cô/chú/bác ăn kẹo đây?”.

Cái điệp khúc ấy cứ tua đi tua lại với tần suất dày đặc bất kể tôi ở nhà, ra ngõ hay đi chơi đâu làm cho tôi phát ngấy. Cũng biết có người quan tâm đến mình, hay lẽ thường là vì người ta cũng chả có chuyện gì khác để nói, nhưng việc thiên hạ mặc nhiên quy định một cái “tuổi lấy chồng” rồi tự do áp đặt cho người khác thì thật là vô lý!

Bạn thử tưởng tượng xem cái điệp khúc chán ngắt ấy cứ lặp đi lặp lại mà bạn vẫn phải mặt tươi như hoa cố vui vẻ trả lời. Sau 3 ngày tết, tôi vào Huế, quê ngoại chơi, một phần để thoát khỏi những câu hỏi làm tôi ngột ngạt.

Chị họ tôi hơn tôi 2 tuổi, vào Sài Gòn lập nghiệp, cũng chưa có người yêu. Và, điều mà tôi không thể lường trước được, là câu chuyện “bao giờ chống lầy” lại bắt đầu, có phần dữ dội hơn.

Bạn bè chị tôi, toàn những cô gái xinh tươi, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 25. Họ gặp nhau, rộn ràng như thời học sinh, dù mỗi người đang có một con đường học hành, sự nghiệp và tình cảm riêng.

Nhưng, tất cả đều có một nỗi niềm là “bị hỏi nhiều quá mà không biết phải làm sao”. Mỗi khi chị tôi đến nhà ai chơi, bên nội, bên ngoại, họ hàng xa gần, bạn bè v.v… là y như rằng lại phải sắp sẵn nụ cười quen thuộc và “dạ, cháu chưa có gì ạ” và sau đó, chuẩn bị lỗ tai để nghe “khuyên răn”, và ngao ngán khi ra về.

Tôi hình dung ra tình cảnh của mình trong 2 năm tới. Và những năm tới nữa, chắc tôi không dám nghĩ đến! Những lời nhận xét kiểu như “Đấy, kén cá chọn canh rồi ế chỏng”, hay “Trên không tới dưới không thông”, rồi “con gái thì sự nghiệp vừa vừa thôi” hay như “cái gì cũng phải theo quy luật” chúng tôi nghe đã mòn tai.

Thiên hạ nói đã đành. Phụ huynh nghe lời thiên hạ rồi quay sang bóng gió gần xa lại càng mệt mỏi. Nhưng điều đáng sợ nhất là những quan điểm đó dần ảnh hưởng đến tâm lý của những người “tạm thời chưa yêu” như chúng tôi.

Thứ nhất, bạn sẽ phần nào mất tự tin ở bản thân mình. Rằng mình không còn trẻ nữa (còn gì đáng sợ hơn khi người ta nghĩ mình không còn trẻ nữa), rằng mình sắp “hết đát”…

Thứ hai, ai đó có thể sẽ “vội vàng”, yêu cho có, yêu lấy được, có người yêu như một giải pháp tình thế. Thứ ba, nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ đến chuyện yêu.

Nó có một phần là “nghĩa vụ” chứ không đơn thuần là tiếng gọi của con tim. Có những người bạn tôi còn bi quan “Yêu á? Chán, chả muốn nghĩ đến”. Bạn thử nghĩ xem, vì cớ gì người ta lại phải thương xót những người chưa có người yêu nhỉ?

Nếu mười năm nữa tôi vẫn “một mình” thì tôi tin rằng cũng chưa cần phải thương xót. Có một điều chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta đều có một giấc mơ ngọt ngào về tình yêu.

Chúng tôi vẫn đang trên hành trình đi tìm một nửa của mình với bao cảm xúc của tuổi trẻ (thế giới này ai cũng trẻ một khi người ta tin rằng mình trẻ).

Tôi muốn gửi gắm một hi vọng của riêng mình, rằng những diễn đàn như thế này của TPCN sẽ khiến xã hội quen dần hơn với một thực tế là ngày càng có nhiều người “tạm thời chưa yêu” và họ vẫn là những người bình thường trong xã hội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.