Khi người lính chắt chiu

Chiến sĩ trẻ trong lễ tuyên thệ
Chiến sĩ trẻ trong lễ tuyên thệ
TP - Với phương châm tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng mục đích, từ đầu năm 2009, Lữ đoàn Pháo binh 675 (Bắc Giang) phát động phong trào tiết kiệm một phần lương, trợ cấp ít ỏi để gửi về giúp đỡ gia đình.
Chiến sĩ trẻ trong lễ tuyên thệ
Chiến sĩ trẻ trong lễ tuyên thệ.

100% hạ sĩ quan, chiến sĩ hào hứng tham gia phong trào bằng việc tự nguyện trích một phần lương, trợ cấp gửi lại đơn vị. Cứ sau 3 tháng, đơn vị lại gửi số tiền đó về gia đình cho các chiến sĩ.

“Người này nhìn người kia gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ, dần dần tạo thành một phong trào trong đơn vị”, Đại úy, Chính trị viên tiểu đoàn 4 Nguyễn Duy Thiết chia sẻ. Không bắt buộc, tất cả đều tự nguyện, nhưng hầu hết chiến sĩ đều cố gắng ký gửi số tiền cao nhất có thể.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, Chính trị viên tiểu đoàn I, để tiết kiệm được tiền từ khoản trợ cấp khiêm tốn gửi về gia đình, các chiến sĩ đều hạn chế tối đa nhu cầu riêng: Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không la cà hàng quán, hạn chế gọi điện về gia đình qua dịch vụ công cộng và thay vào đó là viết thư tay.

Thiếu tá Hoà kể: Năm ngoái, trong 180 chiến sĩ mới nhập ngũ, số người hút thuốc lá chiếm tới 85%. Sau 2 tháng được đơn vị kêu gọi tham gia phong trào tiết kiệm, các chiến sĩ tự động bỏ thuốc và số người hút thuốc chỉ còn 15%.

Việc làm nhỏ, thay đổi lớn

Chiến sĩ lái xe Vũ Đức Thọ, SN 1981 (Nam Định) được xem là tấm gương điển hình nhất trong phong trào tiết kiệm tiền gửi về gia đình. Trong gần hai năm, anh đã gửi về được hơn 10 triệu đồng.

“Ở trong này không phải chi tiêu gì nhiều nên mỗi tháng mình chỉ để lại một hoặc hai trăm ngàn đồng để mua dầu gội đầu, kem đánh răng, xà phòng… còn lại gửi về cho bố mẹ”, Thọ tâm sự.

Mỗi lần Thọ gửi tiền về nhà, bố mẹ đều dành mua một món đồ gì đó để làm kỷ niệm. Món đồ mà Thọ thích và thấy ý nghĩa nhất là chiếc ti vi màn hình phẳng 21 inch. “Bố tôi rất thích xem bóng đá, cứ ao ước có cái ti vi xịn để xem. Mùa World Cup này, bố vui lắm, mỗi lần gọi điện lên lại kể chuyện bóng đá”, Thọ khoe.

Lên thăm con sau hơn một tháng nhập ngũ, bà Nguyễn Quý Hòa (Thái Nguyên) hạnh phúc đến trào nước mắt khi nghe con trai hào hứng khoe đã để dành được 200 nghìn đồng và tỏ ra ăn năn về những lúc không nghe lời bố mẹ.

Bà kể: “Ở nhà, cháu nó là cục cưng quen được nuông chiều, tiêu tiền không biết tiếc. Khi quyết định cho cháu nhập ngũ, vợ chồng tôi chỉ sợ nó không chịu được vất vả, ai ngờ môi trường quân ngũ, nắng gió thao trường lại làm con mình trưởng thành nhanh đến thế”.

MỚI - NÓNG