Khi nữ nhi cùng... “dzô”

Khi nữ nhi cùng... “dzô”
Nhiều cô gái “chân dài, cạp trễ” đang coi việc nhậu là “mốt”. Không nhậu không phải sành điệu, không biết thế nào là “lên tiên” và “đời không nhậu là đời bỏ đi”.

Tại các bàn rượu, ngày càng có nhiều thêm những bóng tóc dài ngả nghiêng…

Sợ gì mà không “dzô”!

Hà thành nhập nhoạng tối. Vừa bước chân vào quán bia trên đuờng Nguyễn Chí Thanh, tôi bỗng giật mình bởi bàn kế bên là năm cô gái cùng bốn chàng trai tuổi chừng mười chín, đôi mươi đang nâng ly “dzô” ầm ĩ. 

Trên bàn là nồi lẩu bốc khói nghi ngút, dăm bẩy cốc bia sủi tung bọt. Cô bé tóc hoe hoe đỏ, đeo cặp kính cận dày cộp, ăn vận theo kiểu hip-hop bỗng đứng phắt dậy tuyên bố: “Hôm nay tao rửa con Dylan, khao chúng mày một chầu xả láng. Nào dzô đi, 100% nhé”.

Anh chàng đầu đinh ngồi bên cạnh đế tiếp: “Thiếu con Lan “lượn” kể cũng tiếc thật. Nhưng sau cái bữa say tuý luý hôm trước “ông bô” nó cấm tiệt. Thôi, chúng mình cứ vui đi, tới bến luôn”.

Chủ nhân cuộc nhậu xen vào: “Không cần tới bến, tới giữa sông cũng được, sau đó ngã cái òm, bơi tới bờ bên kia tỉnh dậy là vừa!” Cả nhóm cuời ồ lên thích thú.

Sau nhiều câu chuyện phiếm và gần chục “tua” 100%, mấy cô gái bắt đầu gật gù, còn lại bốn chàng trai vẫn tiếp tục. Kết quả của cuộc chè chén hoành tráng ấy là chủ nhân mất đứt ba tháng học phí.

Hằng, cô em họ tôi lúc đầu chỉ mới ngửi mùi bia ruợu là đã nổi da gà. Nhưng nó “may mắn” hơn nhiều đứa con gái không biết bia rượu khác là có người bố luôn động viên, khích lệ con gái mình làm quen với hơi men. Mỗi lần bố uống, Hằng nhấp một tí, dần dần Hằng trở thành bạn nhậu của bố.

Một tuần đôi ba lần hai bố con lại chén thù chén tạc. Giờ cô đã là “đại cao thủ”, hễ có cuộc “họp chợ” nào của bạn bè là cô lại có mặt. Nhóm bạn gái của Hằng đứa nào cũng uống được, nhưng cô không phục một ai. 

Khi ma men đã ngấm vào máu ai thì họ có 1001 lý do để tìm đến nó. Buồn, tìm đến ruợu; Vui, tìm đến ruợu; Có gì mới cũng ruợu; Không có lý do gì cũng đốt thời gian bằng rượu. Bao nhiêu chuyện nhỏ to, vô bổ của con gái, con trai đều đuợc đưa ra làm “mồi” cho cuộc vui.

Chuyện thì nhiều vô kể, hết chuyện mỉa mai đứa này, đứa kia lại bàn sang chuyện xe máy, điện thoại đời mới hay nhà hàng nào đuợc, nhà hàng nào không, nhưng tuyệt nhiên không thấy các cô bàn đến chuyện học hành, thi cử. Họ lý giải: một ngày 4-5 tiếng đồng hồ đến lớp chưa chán hay sao mà khi vui lại đem chuyện ấy ra?!

Sau những lần “động” tửu...

Trong một ngày mát trời, Hằng và cô bạn gái tên Thương đi câu cá cùng hai chàng trai quen qua mạng. Chờ mãi chẳng có con cá nào cắn câu, đành mua con chép chừng 2kg bày lên bàn lai rai cho bữa nhậu.

Để tỏ ra mình không thua kém cánh con trai, Hằng gồng mình định chơi cho anh chàng “xiểng”, nhưng anh ta càng uống càng tỉnh, Hằng gục. Cá không cắn câu, nhưng Hằng và Thương lọt lưới âm mưu hai chàng Sở Khanh. Chiếc taxi bò đến cổng nhà nghỉ, Thương chợt tỉnh rượu, đưa Hằng thoát thân. Một phen hú vía!

Có không ít “nữ tửu” quả quyết rằng, cái thời “nam vô tửu như kỳ vô phong” lạc hậu rồi, ngày nay phải bình đẳng, việc học hành thi cử là chuyện khác. Uống làm sao vẫn vui mà không ảnh hưởng đến kết quả học tập mới là “siêu”. Nhưng khổ nỗi, số lần con ma men chạy rần rần trong người lại tỷ lệ thuận với những bài thi điểm kém và những lần thi lại.

Tố Quyên, sinh viên ĐH Dân lập Đông Đô (Hà Nội) sau nhiều lần “ngất nguởng” trong những cơn say đã quên cả giờ lên lớp, kể cả ngày thi.

Nợ trình, nợ môn và treo bằng là hệ quả tất yếu dành cho những nữ nhi say ma men. Kèm theo đó, những tai nạn như ngộ độc phải đưa đi rửa ruột, bị đụng xe, bị các anh chàng họ Sở lợi dụng do không làm chủ được bản thân... không phải là hiếm. Vào Bệnh viện Việt - Đức chứng kiến không ít những ca tai nạn thương tâm, trong đó có cả những người con gái phải hiến chân cho ma men mới thấy đau lòng.

Theo Bùi Vương
Dân Trí

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.