Khi nữ sinh kinh doanh

Khi nữ sinh kinh doanh
(TPO) Họ là những nữ sinh còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X. Với niềm đam mê kinh doanh mãnh liệt, họ chủ động vạch ra những kế hoạch khởi nghiệp cho riêng mình bằng những ý tưởng sáng tạo độc đáo.

Dù không được chọn vào vòng 2 chương trình “Khởi nghiệp” của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng “Cửa hàng ăn Nhật Bản” của Vân Thị Thu Hiền là một trong những dự án đầu tiên có cơ hội... “xin” được tiền của nhà đầu tư.

Người đồng ý chắp cánh cho dự án khởi nghiệp của cô sinh viên năm cuối, trường Đại học Thương mại này là ông Hồ Ngọc Hùng, đại diện cho Cty Phát triển và Thương mại.

Ông Hùng khẳng định, tuy chưa khảo sát kỹ nhưng “bên A” sẵn sàng cấp vốn cho Hiền thực hiện ý tưởng kinh doanh có “tâm hồn ăn uống” này. Nếu đồng ý hợp tác và chứng tỏ được dự án của mình nắm 70% sự thành công, Hiền sẽ trở thành giám đốc trực tiếp quản lý, điều hành.

Ngoài khoản lương hàng tháng (áp dụng cho người vừa tốt nghiệp Đại học), Hiền sẽ nắm trong tay 20% cổ phiếu dù không phải góp vốn cổ phần. Một đề nghị khá hấp dẫn cho một sinh viên sắp tốt nghiệp.

Nếu biết rằng, dự án khởi nghiệp “Cửa hàng ăn Nhật Bản” của cô sinh viên 23 tuổi quê Hải Phòng bắt nguồn từ... bài tiểu luận của môn học Quản trị dự án, chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên.

Để cụ thể hoá quyết tâm trở thành một doanh nhân thành đạt sau khi tốt nghiệp, suốt 2 năm qua, Hiền xin làm thuê (vào buối tối) cho cửa hàng ăn Kỷ Y (phố Triệu Việt Vương) những mong tích luỹ kinh nghiệm.

Thế rồi, từ sự va vấp với thực tế, kết hợp với chủ đề trong bài tiểu luận điều kiện ở trường, Hiền đã cho “ra lò” ý tưởng kinh doanh phục vụ ăn uống, hướng tới đối tượng chính là du khách Nhật và một bộ phận người nước ngoài có thu nhập cao.

Với “Cửa hàng ăn Nhật Bản”, “doanh nhân” sinh viên này dự định sẽ tập trung vào các món ăn như susi, kim chi, thịt lợn nướng, cá tươi sống... Theo tính toán, cửa hàng rộng khoảng hơn 100 m2, gồm 2 - 3 tầng. Tầng 1 được trang trí như một quầy bar. Tầng 2 và 3 sẽ chia nhỏ thành các phòng đủ cho 4 người. Xen kẽ vào đó là 2 phòng lớn với sức chứa khoảng 20 người, phục vụ liên hoan, yến tiệc, dạ hội...

Theo tính toán của tác giả, chi phí ban đầu để triển khai dự án khoảng 500 triệu đồng. Nhà đầu tư hứa sẽ cấp đầy đủ vốn, thậm chí là lớn hơn, nếu Hiền hoàn thiện dự án theo hướng cửa hàng không chỉ là chỗ ăn uống mà còn là nơi giao lưu văn hoá của những du khách Nhật. Vậy là, xuất phát từ... môn học ở trường, cô gái trẻ Vân Thị Thu Hiền đang đứng trước cơ hội trở thành giám đốc.

Tích nhỏ thành lớn

Khi nữ sinh kinh doanh ảnh 1
18 tuổi, Nguyễn Thị Hằng đã ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp với dự án "Kẹo tình yêu"

Thuộc típ người năng động, mê kinh doanh, ngay từ cuối năm lớp 10 (PTTH Cao Bá Quát, quận Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Thị Hằng đã rủ  bạn  cùng  lớp “góp cổ phần” đi buôn... báo Hoa học trò.

Mỗi tờ báo tuần giá 3000 đồng, lãi 400 đồng. Số đặc biệt 6000 đồng, lãi 600 đồng. Nguyệt san có giá từ 10.000 - 25.000 đồng, lãi 2000 đồng. Tiền lãi thu được, hai “nhà kinh doanh” cấp... trường này thống nhất bỏ “nuôi” lợn nhựa.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, từ số vốn đầu tư ban đầu 70.000 đồng (tiền tiết kiệm của mỗi đứa), sau 2 năm, tiền lãi đã lên tới 300.000 đồng. “Đây chỉ là một số tiền nhỏ, nhưng góp nhiều cái nhỏ lại, ta sẽ được cái lớn” - Cô học sinh 18 tuổi đã làm Hội đồng thẩm định phải ngạc nhiên khi đưa ra quan niệm kinh doanh của mình...

Từ ý tưởng muốn tung ra thị trường một loại kẹo có thể thay cho “lời trái tim nuốn nói”, Hằng đã phác thảo rồi hoàn thiện sản phẩm bằng những nét vẽ đơn sơ trên... những tờ lịch treo tường cũ kỹ. Hướng tới đối tượng là học sinh, sinh viên, kẹo tình yêu gồm 3 loại. Chúng được gắn cho những cái tên rất... tình yêu là Sóng tình, Bông hồng thuỷ tinh và Lời trái tim hát.

Đây là loại kẹo dẻo, có kích thước lớn và được trang trí khá công phu. Mỗi loại có một ý nghĩa riêng, hương vị riêng, hình dạng riêng... Nhưng tựu trung, chúng đều thể hiện ý tưởng khá mới mẻ của tác giả. Với khẩu hiệu “365 ngày đều là ngày tình yêu”, dù chưa được nhà đầu tư cấp vốn (vì dự án còn nặng về ý tưởng, chưa thực tế) nhưng Hằng khẳng định, vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng dự án ấp ủ đầu đời đó. Hằng tự tin rằng sẽ thành công và khởi nghiệp sẽ không bao giờ là muộn...

Dù có thể khác nhau về dự án, phương thức tiếp cận thị trường..., nhưng đến với "Khởi nghiệp", các nữ sinh đều giống nhau ở niềm đam mê lập nghiệp bằng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Có thể những dự án của các bạn trẻ như Hiền, Hằng... mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, thiên về lý thuyết hay giống như một “khoá luận tốt nghiệp Đại học” như có lần Hội đồng thẩm định từng nhận xét. Nhưng, nó đã phần nào nói lên sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của một lớp nữ sinh "thế hệ @" ngày nay.

Không ai đánh thuế những ước mơ. Không ai có thể ngăn cản được hoài bão lập nghiệp của thanh niên nói chung và của nữ sinh nói riêng. Với họ, tất cả còn đang ở phía trước. 

MỚI - NÓNG