Khi sếp phê bình nhân viên

Khi sếp phê bình nhân viên
TP - Nếu một nhân viên mắc lỗi, với tư cách là nhà lãnh đạo, bạn nên chọn cách phê bình thế nào để nhân viên không phạm sai lầm một lần nữa nhưng cũng không bị quá căng thẳng ảnh hưởng tới công việc.
Khi sếp phê bình nhân viên ảnh 1

Trước hết, bạn cần hết sức thận trọng, vì phê bình một cách gay gắt hay thiếu tế nhị có thể khiến nhân viên của bạn mất hết tự tin hoặc hứng thú làm việc. Đành rằng, ít ai thích nghe những lời phê bình, song nếu chọn được cách nói có tình có lý, kết quả sẽ là có lợi cho cả đôi bên. Sau đây là vài lời khuyên giúp cho việc phê bình mang tính tích cực.

1.Thẳng thắn đưa ra ý kiến phê bình ngay lập tức, trước mặt người phạm lỗi. Không bao giờ nên lần lữa, trì hoãn câu chuyện.Bạn cần gặp trực tiếp nhân viên mắc sai lầm và chỉ ra những gì bạn không hài lòng, nhưng không bao giờ nên phê bình người đó trước mặt người thứ ba.

2. Hãy yêu cầu nhân viên của bạn giải thích trước, rồi hãy phê bình.Ví dụ nhân viên của bạn quên không viết phiếu giao hàng cho ngày hôm sau, làm nhỡ việc của khách hàng. Nhưng trước khi khiển trách người đó, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân, biết đâu người nhà của nhân viên phải đi cấp cứu? Hay chỉ đơn giản là người mắc lỗi mải nói chuyện với đồng nghiệp mà quên đi nhiệm vụ? Trong mỗi trường hợp cụ thể cần có cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý.

3. Hãy phê bình hành động cụ thể của người đó, chứ không phải bản thân nhân viên phạm lỗi.Tránh những câu kiểu như “Anh là người ba hoa nên quên việc cần làm, đấy, vấn đề chính nằm ở đó”. Khi “gắn mác” cẩu thả cho người khác, bạn chỉ càng làm cho nhân viên ỳ ra không chịu sửa chữa, trong khi đó cần tập trung vào hành động cụ thể, như nói “Vấn đề là ở chỗ những câu chuyện ngoài lề trong giờ làm việc khiến anh mất tập trung”.

4. Hãy chỉ cho người ấy hậu quả của nó trong một khung cảnh chung rộng hơn. Rất có thể nhân viên của bạn không hình dung hết hậu quả của hành động đó. Nên giải thích vì sao cần tránh những lỗi tương tự. Ví dụ: “Nếu anh không viết hóa đơn đúng hạn, lái xe sẽ bị chậm giờ xuất phát, và điều này khiến cho khách hàng không hài lòng. Ngoài ra, bản thân những người lái xe cũng sẽ phải về nhà muộn”.

5. Kết thúc câu chuyện một cách vui vẻ, mang tính lạc quan. Tất nhiên, khi nghe xong những lời khiến trách của cấp trên, nhân viên của bạn sẽ thấy tinh thần chán nản và mất tự tin vào bản thân. Điều này lại ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả công việc. Bởi thế những câu nói mang tính động viên kiểu như “Tôi hy vọng lần sau những chuyện sơ suất này không còn xảy ra nữa, vì anh là người có tính cẩn thận, tôi biết”, hoặc “Tiện đây, cám ơn anh về bản báo cáo tuần trước, anh làm rất cẩn thận”. 

MỚI - NÓNG