Khi sinh viên làm sếp

Khi sinh viên làm sếp
Những khó khăn về kinh nghiệm, chuyên môn, những áp lực khi phải điều hành những người lớn tuổi hơn mình khiến việc làm sếp – sinh viên rất "oai", nhưng không dễ.

Team leader – Chiếc ghế nhỏ nhưng không dễ ngồi

Vũ Tuấn Anh, cựu sinh viên khoa Computer Science, Trường Đại học Quốc Gia Singapore là một trong những quản trị dự án “cứng” của nhiều dự án lớn trong trường đại học. Bạn chia sẻ: “Khối lượng kiến thức, bài vở nhiều, nên kiêm thêm vị trí leader cũng mệt lắm, nhưng bù lại mình học được Kỹ năng quản trị dự án và có CV đẹp hơn. Thêm nữa, được thầy cô ấn tượng nên khi cần nhờ viết recommendation letter (thư giới thiệu nộp cùng hồ sơ xin việc) cũng dễ hơn”.

Đánh đổi lại, Tuấn Anh thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ và thiếu ăn, do thiếu thời gian trầm trọng. Đấy là chưa kể đến áp lực của trưởng nhóm thường xuyên theo bạn vào cả những giấc ngủ ngắn ngủi. Theo lời bạn kể, từ việc nhỏ như tìm chỗ họp nhóm, xếp lịch đến chủ trì các buổi họp, phân công việc, hỗ trợ các thành viên giải quyết vấn đề, cũng như ghép nối mọi công đoạn để ra sản phẩm cuối cùng đều là việc của bạn. Tuấn Anh vừa phải làm phần việc của mình đồng thời phân bổ hợp lý thời gian và sức lực cho tất cả các môn học khác của cùng học kì.

 
Khi sinh viên làm sếp ảnh 1

Nguyễn Công Danh

Khác với Tuấn Anh, công việc của Nguyễn Công Danh - sinh viên năm thứ 4, khoa CNTT, Trường Đại học FPT, hiện là trưởng nhóm Analysis & Design của một công ty lớn có phần thuận lợi hơn dù là “sếp” của 6 nhân viên hơn tuổi. Nhưng để làm tốt 2 vai trò Danh thường xuyên thiếu thời gian. Danh cũng phải tự rèn luyện và học hỏi về kỹ năng mềm để điều hành nhóm làm việc được tốt, nhất là khi phải quản lý những người đều hơn mình tuổi đời cũng như thâm niên công tác.

Như lời bạn kể, không chỉ phân công công việc và chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm, Tuấn Anh còn phải thường xuyên trò chuyện và tìm hiểu về sở trường, tính cách của các thành viên trong nhóm, linh hoạt trong cách xử lý khi xảy ra sự cố. Uy tín của trưởng nhóm là điều quan trọng nhất, nên Danh liên tục phải trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như khẳng định bản thân. Áp lực chưa bao giờ dứt, nhưng cậu thừa nhận mình trưởng thành lên từ chính áp lực này.

Trưởng phòng là sinh viên không hề đơn giản

Tương tự như Nguyễn Công Danh, và cũng bước ra từ khoa CNTT, Nguyễn Đức Minh được kí hợp đồng chính thức với quyền lợi và nghĩa vụ tương đương với nhân viên toàn thời gian, ngay khi còn đang đi học. Đặc biệt hơn, Minh giữ vị trí Trưởng phòng Kỹ thuật của một công ty về giải pháp tối ưu số, và làm sếp của 7 nhân viên lớn hơn cậu.

 
Khi sinh viên làm sếp ảnh 2

Nguyễn Đức Minh

Minh chia sẻ một ngày cậu chỉ ngủ từ 3 - 5 tiếng, và có thể phải thức liền 2 ngày đêm để hoàn thành cho xong tiến độ công việc, cũng như đảm bảo bài vở học hành trên trường. Như lời Giám đốc của Minh nói, ở vào vị trí của Minh, một người đã đi làm có kinh nghiệm 10 năm mà không có khả năng tự học và năng lực giải quyết vấn đề, sẽ không thể kham nổi.

Minh luôn trong vòng quay học và đọc, vì lĩnh vực CNTT dường như không đứng yên bao giờ và chỉ có cách bám đuổi kiến thức một cách kiên trì mới giúp cậu trưởng phòng đang là sinh viên này vững vàng và trưởng thành.

Khi sinh viên làm giám đốc

Nguyễn Thành Long, giám đốc một công ty truyền thông và Marketing kỹ thuật số lại là một trường hợp khác. Bảng liệt kê chức vị dày đặc của cậu Giám đốc sinh năm 1988 này có thể gây ấn tượng với bất kì ai. Từng phụ trách Marketing và Sale cho báo điện tử, giữ vị trí Brand Manager cho một công ty phát triển nội dung số, đồng thời làm lớp trưởng và nằm trong ban chấp hành Đoàn trường, kiêm luôn chức phó chủ nhiệm CLB Kỹ năng doanh nhân của Trường Đại học Ngoại Thương, lịch sử “chinh chiến” nhiều giúp cậu không quá khó khăn khi ngồi vào vị trí Giám Đốc.

 
Khi sinh viên làm sếp ảnh 3

Nguyễn Thành Long (Thứ 3 từ trái qua) cùng nhân viên và đối tác

Nhưng bù lại, cậu giám đốc này cũng phải đánh đổi nhiều điều. Đánh đổi vui nhất là thường xuyên phải cộng thêm 4 tuổi cho mình, để bản thân có vẻ chững chạc lên. Vì như cậu chia sẻ, ra ngoài đi giao dịch, đàm phán hợp đồng, ít tuổi cũng thiệt thòi lắm!

Đánh đổi thường xuyên nhất là giấc ngủ và bữa cơm. Cậu ngủ khoảng 4 tiếng và thường xuyên chỉ ăn một bữa cơm mỗi ngày, giờ ăn cũng không cố định. Thời gian đầu mới tiếp nhận vị trí, Long hay bị stress nặng vì áp lực công việc và học hành. Đã có lúc hiếm hoi kéo được Long đi cafe, bạn bè của cậu xanh mặt vì yêu cầu: “Không được gọi Long là giám đốc”. Hiện giờ thì cậu giám đốc trẻ này đã tốt nghiệp và có vẻ cân bằng hơn trong cuộc sống. Đi cafe với Long cũng có thể thoải mái í ới “Dám đốc ơi!”.

Phải tự rèn luyện chuyên môn, tự trau dồi kỹ năng mềm, và đam mê đến cùng để không bỏ cuộc khi gặp áp lực lớn trong công việc, Sếp – Sinh viên không chỉ là vẻ ngoài hào nhoáng, bởi sau đó là nhiều mồ hôi công sức, nhiều hy sinh. Nhưng những sinh viên này vẫn vui vẻ chấp nhận, bởi cái họ được trong tương lai, sẽ còn nhiều hơn thế.

Theo Tào Nga - Thu Nga
Bưu điện Việt Nam

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.