Khi sinh viên “lủi” nhà trọ

Khi sinh viên “lủi” nhà trọ
“Tao “tếch” rồi. Hiện đang ở chùa Láng. Lão Grăngđê bị nuốt 3 tháng tiền nhà chắc lên cơn tai biến”, Quyết “chuột nhắt” rung đùi khoái trá.
Khi sinh viên “lủi” nhà trọ ảnh 1
Trong những nhà trọ thế này, sinh viên có thể bỏ đi bất cứ lúc nào

Rít một điếu thuốc lào kêu inh ỏi cả góc phố Tạ Quang Bửu, cậu tiết lộ: “Một thế giới “công dân lủi” đã và đang chiến đấu. Chiến trường không kèn, không trống này xem ra thừa độ lãi và đầy chất gay cấn để sinh viên ta đăng kí tham gia”

Chân dung “siêu lủi”

“Nói thật, túng quẫn quá mới chơi trò này chứ mát mặt gì mà kể. Cuộc sống ngày càng đắt đỏ, cái gì cũng xắt ra miếng, đôi khi cũng phải “linh động” một chút mới thở được”. Họ nói thế nhưng chắc chắn không phải thế.

Nhóm “ngũ thử” (5 con chuột nhắt) gồm Long - Lâm - Nam - Tiến -Hưng, những cử nhân Luật đều con nhà “rợp bóng”. Nghĩa là ông bà bô họ có những cái ô tô to uỵch. Họ không bao giờ phải “lăn tăn” chuyện tiền bạc.

Nhưng “Hà thành có nhiều chỗ cần phải biết. Nhiều thứ cần phải thử chứ”. Họ là những “con chiên” ngoan đạo của bà ghi số đề. Mỗi lần chơi, không bao giờ dưới 5 “sỏi” (500.000 đ). Việc lập chiếu bạc tại nhà sát phạt nhau đã trở thành thói quen “gặp nhau cuối tuần” của những “công tử” sinh viên này.

Hỏi bí quyết nào mà mấy lần “chuyển hộ khẩu” an toàn? Cả lũ đua nhau “lên lớp”:  “Đầu tiên phải chứng tỏ mình không thiếu tiền. Sẵn sàng trả trước hai tháng tiền nhà, không được chây lì tiền điện nước. Đó là chiến thuật “mua chuộc lòng tin”.

Và cuối tháng thứ ba khi con Jupiter của thằng Lâm, chiến mã Novou của Hoàng, máy tính thằng Tiến định cư hiệu cầm đồ thì… play chuồn. Nguyên tắc vàng khi dám “hạ đo ván” chủ trọ là “không bao giờ thuê nhà tiếp theo trong vòng bán kính 10 km. Và phải “lủi” từng đứa một.

Chịu khó chuồn càng xa càng an toàn. Thế mới có chuyện tháng 9 ở tít Cầu Giấy, tháng 11 gặm chân gà nướng Lạc Long Quân, sau tết ẩn khu Bách Khoa.

“Anh hùng” đâu chỉ có mày râu?

“Đứa nào càng sành điệu, dẻo mồm tôi càng nghi. Tôi già đời thế này mà bị hai con nhỏ sinh viên nó lừa” - Bà Hồng, một chủ trọ vẫn chưa hết bực bội khi kể lại cho tôi.

“Đến hôm trước, hôm sau đã một điều cô, hai điều cô nghe chừng thân mật lắm. Cũng tại mình cả tin nữa. Thấy chúng nó kể mẹ đang ốm, chưa có tiền đóng học phí, thương tình tôi cho nợ 2 tháng. Trước khi về tết còn thẽ thọt “cháu sẽ thanh toán đầy đủ cho cô. Cô để mắt tới phòng hộ cháu”.

Nó giao chìa khoá luôn cho mình. Mồng 4 tết sang xóm trọ để kiểm tra thì căn phòng chúng nó chỉ còn lại cái chiếu và 2 cái xoong”.

Đây không phải là hiện tượng quá lạ đối với sinh viên ngoại tỉnh. Nữ sinh bây giờ cũng “lắm chiêu” để qua mặt chủ trọ. Họ có lợi thế là luôn được chủ nhà tin tưởng nên thừa sức “lủi”.

Dây dưa trong việc ra công an đăng ký tạm trú, làm sao ai biết họ làm gì, quê quán ở đâu. Chỉ cần chịu khó chuyển đồ dần dần, không cần vội “đánh nhanh thắng nhanh”  như lũ con trai.

Cứ “lui” chậm mà chắc, với hàng loạt lý do khác nhau: “Hôm nay cháu đến ở nhà bạn cháu , đưa cái bàn học này cho nó sử dụng”; “Ngày mai cháu về nhà, mang đống quần áo cũ về cho em mặc”…

Đói cho sạch…

“Sinh viên thiếu tiền là điều tất nhiên”, nhiều bạn trẻ đã hồn nhiên “tuyên bố” như vậy. Thiếu tiền chẳng có gì  đáng xấu hổ, bởi nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập, chứ không phải kiếm sống. Nhưng “đói cho sạch, rách cho thơm”, vì sự túng thiếu mà “liều” thì thật nguy hại.

“Bùng” tiền nhà trọ, “cắm” quán, ăn cắp vặt… là những hành vi chứng tỏ sự “liều” đã xuất hiện trong một bộ phận sinh viên hiện nay. “Chuyện nội bộ” của các trường ĐH là hình như năm nào cũng có người đến tìm sinh viên để đòi tiền nhà. Chỉ vài trăm bạc mà nhiều người đã chịu kỷ luật, lưu ban, đuổi học…

Quan trọng là họ đã đánh mất niềm tin của bạn bè, thầy cô và làm hình ảnh sinh viên trở nên méo mó trong mắt của mọi người. Bạn nghĩ sao khi một người bán hàng ở cổng trường ĐH chép miệng mà rằng: “Tin sao được các anh chị sinh viên”

MỚI - NÓNG