Khi sinh viên vào viện

Khi sinh viên vào viện
Người thường bệnh vái tứ phương, sinh viên mắc bệnh tìm đường về quê. Không biết đến bao giờ sinh viên mới được hưởng một chế độ y tế hợp lý để bài ca “Hà Nội mùa này ốm lắm u ơi” thôi cất tiếng.
Khi sinh viên vào viện ảnh 1
Trạm y tế ở ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội

Uống thuốc, thôi ăn cơm

Sinh viên Việt Nam vốn đã yếu về thể chất, mức dinh dưỡng tiêu thụ hằng ngày chỉ tương đương với người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Mọi hoạt động như học tập, nghiên cứu, ngoại khoá, thể dục, tình nguyện... đều trông cậy vào suất cơm từ 2.500 - 4.000 đồng.

Trong các ký túc xá “festival mì tôm” gồm đủ thể loại từ mì  gói, mì cân, mì trắng diễn ra thường xuyên. Ăn uống như vậy nên cơ thể sinh viên nhà ta dễ dàng trở thành “văn phòng đại diện của các loại bệnh”. Nhẹ thì nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, suy nhược, nặng thì sốt vi rút, sốt xuất huyết, cảm hàn... Ốm thì phải uống thuốc. Ấy vậy mà hiệu thuốc là một trong những nơi sinh viên sợ và chống chỉ định nhất.

Đơn giản vì thuốc Tây tăng giá vùn vụt theo ngày, còn “lương cứng” của sinh viên thì từ bao đời nay luôn trong tình trạng khủng hoảng thiếu. Một hoá đơn  tiền thuốc ít nhất cũng 30.000 đồng. Bạn bị sổ mũi ư? Một lọ Codi B đã 29.000 đồng ; 2 vỉ thuốc chống suy nhược hạ đường huyết (căn bệnh rất hay gặp ở bạn gái vào mùa thi) rút ví tròm trèm 75.000 đồng.

Chỉ cần một tháng không may bị ốm, số tiền thuốc sẽ ảnh hưởng  nghiêm trọng  đến tiền ăn của bạn (khoảng 20 - 25%). Đó mới chỉ là thuốc đánh trực tiếp vào bệnh chứ còn thuốc bổ, kháng sinh, truyền đạm thì ôi thôi... em chã!

“Đến viện nào rẻ nhất ấy!”

Hà Nội đang trong dịch sốt vi rút. Sinh hoạt tập thể, sức đề kháng kém, cư dân ký túc xá có thể coi là những người tiên phong nhiễm bệnh. Theo tìm hiểu, đã vài ký túc có dịch, nhiều phòng 5 - 8 người bị sốt. Khổ nỗi, cuối tháng rồi, trong ví ai cũng còn vài chục là cùng.

Xuống trạm y tế chỉ được khám qua loa, kê đơn, cho giấy giới thiệu đến viện. Thế là dù thân nhiệt lên đến 39 - 40oC, nổi ban  đỏ khắp  mặt và tay chân sinh viên vẫn nằm lì trên giường.

Thủy - Bạn tôi - nửa đêm lên cơn sốt quá cao, những người khỏe còn lại trong phòng phải mượn xe đưa đi viện. Trên đường cô cứ lào thào: “Đưa tao đến viện nào rẻ nhất ấy!”. Vào Viện 103, sau khi khám xong, bác sĩ bảo ra nơi thu viện phí nộp tiền đặt cược để nhận phòng. Thuỷ tá hoả khi thấy số tiền là 800.000 đồng.

Dù đang sốt, cô vẫn giục: “Thôi về, nói là sẽ điều trị ngoại trú”. 1 giờ sáng mà bạn tôi nhập viện rồi xuất viện ngay trong đêm chỉ vì không có tiền, không có ai đứng ra bảo lãnh. Cô ốm khật khừ gần một tháng.

Đối với sinh viên nghèo, bệnh viện là nơi không - dành - cho - mình. Dẫu có ốm nặng thế nào cũng ráng chịu  hoặc tìm cách về nhà chứ không bao giờ dám vào cái nơi có dấu thập tự đỏ ấy. Nơi mà họ dám tự tin bước vào nhất là trạm y tế của trường và của ký túc xá. Nhưng với cơ sở vật chất quá nghèo nàn, thiết bị y tế thiếu thốn, các trạm này chỉ có thể khám và kê đơn cho những bệnh đơn giản .

Cô Lan - Trưởng trạm y tế ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội) - cho hay: “Cố gắng lắm các cô ở đây cũng chỉ sơ cứu những trường hợp  ngất xỉu, đau bụng, còn lại đều phải chuyển lên tuyến trên. Thuốc thì, nói thật, hiếm hoi lắm. Trạm cũng rất muốn khám sức khỏe định kỳ cho sinh viên nội trú, nhưng kinh phí và nhân lực đều không có”.

Bảo hiểm – quá xa vời

Trong các khoản tiền sinh viên năm thứ nhất phải đóng có Bảo hiểm y tế (50.000 đ/năm), bảo hiểm thân thể (66.000 đ/4 năm). Không phải ai cũng đủ tiền để đóng một lúc 200.000 đồng cho cả 4 năm học. Bắt đầu từ năm thứ 2 không thấy có thông báo nộp tiền bảo hiểm y tế nữa.

Vậy là, ví sinh viên dày cộp những loại thẻ: thẻ sinh viên, thẻ hội viên, thẻ thư viện, thẻ nội trú, thẻ giảm giá tàu xe... nhưng lại thiếu một loại thẻ vô cùng quan trọng là thẻ bảo hiểm y tế. Nếu ốm, cứ xuống trạm y tế ký túc xá. Một liều thuốc giải cảm, một lọ becberin không thiếu. Còn muốn thuốc tốt ư? Tự  mà ra hiệu thuốc. Vào viện ư? Hãy chờ bố mẹ gửi tiền lên hoặc về quê mà chữa cho nó rẻ.

Xin lấy lời một chủ hiệu thuốc trên đường Lương Thế Vinh thay lời kết: “Tụi nó đi mua thuốc mà cứ như mua... rau ấy. “Bệnh cháu  ngoài thuốc này còn có loại nào rẻ hơn không bác?” Nhiều đứa đứng tần ngần rồi thôi, chắc không đủ tiền. Tội nghiệp lắm”.

MỚI - NÓNG