Khi thủ lĩnh Đoàn làm giám đốc

Giám đốc HTX Dũng Phong Bùi Văn Tươi (bìa trái) cùng thanh niên tại vườn ươm các giống cây quý cung ứng cho bà con nông dân. Ảnh: Thanh Hà.
Giám đốc HTX Dũng Phong Bùi Văn Tươi (bìa trái) cùng thanh niên tại vườn ươm các giống cây quý cung ứng cho bà con nông dân. Ảnh: Thanh Hà.
TP - Sinh ra ở vùng đất nghèo, gia đình khó khăn nhưng chàng trai dân tộc Mường Bùi Văn Tươi (sinh năm 1986) ở xã Dũng Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) tìm mọi cách vươn lên vừa làm thủ lĩnh của thanh niên vừa làm ông chủ trên chính mảnh đất gian khó.    

Đi đầu trong việc khó    

Tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế nông nghiệp, Tươi về làm cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi và nông nghiệp của xã kiêm Bí thư Đoàn xã Dũng Phong. “Làm thủ lĩnh thanh niên của hàng nghìn đoàn viên mà nghèo thì không thể kêu gọi, thuyết phục được thanh niên nên mình phải quyết tâm làm giàu”, anh Tươi chia sẻ. 

Năm 2007, xã Dũng Phong có dự án về mô hình trồng cây có múi, cụ thể là cây bưởi diễn. Vốn liếng chỉ có khoảng 30 triệu đồng, Tươi thế chấp nhà, vay ngân hàng 50 triệu đồng chuyển toàn bộ vườn tạp sang trồng 120 gốc bưởi. Bước đầu chưa có kinh nghiệm trồng cây ăn quả, Tươi phải đi học hỏi kinh nghiệm các nhà vườn ở nông trường cam Cao Phong và tham gia các lớp đào tạo, tập huấn của Viện Khoa học và Công nghệ, Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông khuyến lâm của huyện.

Sau ba năm chăm sóc, cây bưởi cho thu nhập năm đầu 30 triệu đồng, những năm sau vườn bưởi cho thu nhập từ 100 đến 350 triệu đồng.  

Có thêm được nguồn vốn, Tươi tiếp tục mở rộng sản xuất. Năm 2012, anh trồng thêm 1,5 ha với 1.200 cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Áp dụng các kỹ thuật chăm sóc xanh, sạch, Tươi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, năm đầu tiên cho thu nhập 200 triệu đồng. Nhìn vườn cam xanh mướt đang trĩu quả, Tươi ước tính năm nay cho thu nhập 500 triệu đồng. Hiện anh đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 15 - 20 lao động theo mùa vụ. Tiếp tục chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, đầu năm 2016, Tươi chuyển hơn 1.500 m2 ruộng mía đang bị sâu bệnh, kém hiệu quả sang trồng gấc. Trong lúc chờ cây ra quả, Tươi tranh thủ đi tìm đầu ra cho nông sản vườn nhà. Có kiến thức, quyết tâm và chăm chỉ làm việc, Tươi đang truyền lửa làm giàu cho các đoàn viên trong xã.

Hiện nay, vườn cây trái được đầu tư, chăm sóc bài bản của Tươi luôn là điểm đến tham quan, học hỏi của đông đảo đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã.

Giám đốc hợp tác xã

Qua quá trình sản xuất anh Tươi nhận thấy sự bất cập của bà con nông dân về nhiều mặt, như quy mô sản xuất manh mún, việc chọn lựa cây, con giống không đồng đều; các loại vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây trồng giá cả quá cao, mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng... khiến anh lo lắng, muốn liên kết hỗ trợ, giúp đỡ bà con. Năm 2011, khi Tươi mới 25 tuổi, anh đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Dũng Phong với 39 xã viên, trong đó hơn 90% là thanh niên. Tươi được tín nhiệm giao trọng trách Chủ nhiệm, nay là Giám đốc HTX để cùng các hội viên chung sức làm giàu. Là người được giao trọng trách đứng đầu HTX lúc đầu chồng chất khó khăn.

“Lúc đó tôi đưa ra nguyên tắc chung, cái gì HTX làm có lợi hơn hoặc các thành viên không thể làm thì HTX làm, từ đó làm cho sản xuất của các hộ thành viên hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn như việc cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, trước các hộ gia đình mua giá cao, lại không đảm bảo chất lượng, dính hàng giả…Chúng tôi đã đến tận xí nghiệp, nhà máy sản xuất hoặc đại lý cấp 1 đặt mua nên chất lượng hàng cung ứng đảm bảo, giá lại rẻ nhất, các hội viên đều được hưởng lợi”, Tươi chia sẻ. Tươi cho biết, ban quản trị HTX đã tới tận các vườn ươm chất lượng cao nhất để tuyển chọn và cung cấp hàng vạn cây giống cam, quýt, chanh, bưởi diễn, bưởi đỏ cho các hội viên.

Nhiều năm qua, với cương vị Bí thư Đoàn xã, Bùi Văn Tươi đã tạo động lực, hỗ trợ và giúp đỡ hàng trăm thanh niên lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất miền núi Dũng Phong. Anh được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của 2016 cho nhà nông trẻ xuất sắc.

Để đảm bảo quyền lợi cho các hội viên, do các đầu mối cung ứng thức ăn, thuốc với số lượng lớn, HTX đã đặt điều kiện với các Cty tổ chức tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các thành viên. Nhờ đó, họ được tập huấn kịp thời về kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn bảo vệ hoa màu, dự báo tình hình sâu bệnh, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản…

Không dừng lại việc cung ứng trong phạm vi nội bộ, Tươi vận động các hội viên chuyển đổi mô hình, đa dạng các hoạt động sản xuất, kinh doanh như mở rộng dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ thủy lợi, vệ sinh môi trường, tín dụng nội bộ, quản lý chợ và các dịch vụ phúc lợi trong xã theo Luật HTX sửa đổi. Từ chỗ là “điểm đen” về họp chợ lấn chiếm lòng lề đường kéo dài nhiều năm, thông qua dịch vụ quản lý chợ, việc bày bán hàng hóa của các hộ kinh doanh đi vào nề nếp, phục vụ chuyên nghiệp hơn.

HTX của Tươi kết hợp với Cty Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình chi nhánh Cao Phong cùng quản lý và điều tiết toàn bộ hệ thống tưới tiêu của xã, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên HTX. Uy tín trong điều hành và dám đảm nhận việc khó, ít người dám làm, năm 2014, HTX được UBND xã giao thực hiện dịch vụ thu gom rác tại khu trung tâm xã, tạo việc làm cho 4 thanh niên...

Sáng tạo trong quản lý điều hành, đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, doanh thu của HTX DVNN xã Dũng Phong không ngừng tăng trưởng. Năm 2014, tổng doanh thu từ các dịch vụ đạt hơn 566 triệu đồng, đến năm 2015 tăng gấp đôi lên hơn 1,1 tỷ đồng. Điều đáng mừng, với sự năng động dám nghĩ, dám làm, HTX của vị thủ lĩnh thanh niên đã góp phần đưa xã Cao Phong trở thành xã điểm nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình về đích trước một năm so với kế hoạch.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.