Khi tình nghĩa lệch bên

Khi tình nghĩa lệch bên
TP - Nhìn anh Dũng, chị Mai ai cũng bảo là một cặp vợ chồng trẻ đẹp đôi. Anh Dũng là người duy nhất trong gia đình thành đạt - xét theo nghĩa ra thành phố, học hành và lấy vợ, rồi được làm việc ở đây...
Khi tình nghĩa lệch bên ảnh 1
Ảnh minh họa

Vì thế, anh cho mình có trách nhiệm phải giúp đỡ, bù trì cho anh em, họ hàng của mình. Còn chị Mai là cô gái thành thị nhưng cũng rất đảm đang, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm gia đình chồng...

Có căn nhà riêng trên thành phố tuy không rộng lắm nhưng anh Dũng luôn sẵn sàng cho người dưới quê lên tá túc mỗi dịp họ ra tỉnh. Năm ngoái, đứa cháu con chị đậu đại học cũng xin ở trọ nhà anh, thay vì ở ký túc xá.

Còn năm nay, một đứa cháu khác lên ở từ hồi luyện thi đại học, rồi chờ thi, tất nhiên giai đoạn chờ kết quả nó cũng sẽ ở đây là chính... Anh Dũng còn hào phóng hứa nó thi đậu thì cứ “ở đây với chú, ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu”! Anh còn rất rộng rãi với người trong họ nhà mình.

Khổ nhất, chung đụng tất phải có va chạm. Khách được dành phòng riêng, còn chủ nhà tức là anh chị và hai đứa con thì ở... nơi phòng khách!

Đồ đạc của “khách” thì được cất giữ kỹ trong phòng riêng (tất nhiên) còn đồ đạc của chủ thì cứ tha hồ “chùa”, từ cục xà bông, bột giặt, đến cước điện thoại, cước Internet v.v...

Mỗi lần nghe chị ca cẩm thâm thủng ngân quỹ, anh lại nạt: “Tính toán quá người ta lại bảo mình giàu mà keo, có vợ rồi quên hết họ hàng”...  Nói đến thế thì chị chẳng biết nói sao.

Trong khi đó, chị Mai vợ anh Dũng lại là chị lớn trong nhà, dưới chị có đứa em trai. Chị về nhà chồng, mẹ chị ở với người em trai đang ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, vô tâm chưa biết lo gì cho mẹ, nên chị rất không yên tâm.

Vì thế, ở nhà mình nhưng càng ngày chị càng hay sốt ruột về mẹ nhưng không phải lúc nào cũng có thể về nhà mẹ. Nỗi lo của chị cũng đúng, và nỗi bức xúc của chị cũng lớn dần vì ý nghĩ mình làm nô lệ cho nhà chồng, còn nhà mình thì bỏ bễ.

Chuyện lớn dần khi anh bàn với chị đưa mẹ anh lên dưỡng già. Trước nay cụ vẫn ở quê, không vấn đề gì, nhưng nay thì cụ bắt đầu mệt mỏi, những căn bệnh như tiểu đường, huyết áp bắt đầu tác oai tác quái. Anh lo là đúng.

Nhưng vấn đề là chị vốn đã căng như dây đàn, nay như “giọt nước tràn ly”, đáng lẽ bình tĩnh bàn bạc thì chị “bật lại”:

- Nhà mình chật hẹp thế này, thỉnh thoảng tiếp vài người khách ở quê anh ra còn tạm được, nay thêm hẳn một người ở lâu dài thì làm sao?

- Đây không phải là khách, đây là mẹ cơ mà...

- Vâng, mẹ không là một người đến ở nhà mình à. Phải tính chứ...

- À, cô này láo, mẹ tôi mà cô dám bảo là người đến ở à, là người ở à?

- Tôi có bảo thế đâu?! Đấy là anh tự nói đấy nhé.

- Láo quá!!! - Anh đã nóng quá rồi, không kìm được dang tay tát chị.

Không biết câu chuyện sẽ đi đến đâu nhưng cho đến nay, gần một tháng qua anh chị vẫn chưa làm lành được với nhau.

Giá như vợ chồng anh Dũng dứt khoát, rạch ròi trong việc giúp đỡ người thân, trên nguyên tắc chỉ với ai thật sự cần giúp đỡ, không kể đó là bên “phe” nào. Giá như anh biết quan tâm đến gia đình vợ, và giá như... 

MỚI - NÓNG