Khó mà ngồi yên trong bụi mịn
TP - Không biết có phải do đúng đợt người Hà Nội đang “lên đồng” vì chỉ số bụi mịn, báo động không khí độc nhất thế giới mà số lượng người quan tâm đến môi trường bỗng nhiên tăng vọt.

Lại gần nhìn cống Tô Lịch và đất bãi
“Marathon” dự án mở đầu bằng tour “Tê 1873” đi bộ lần theo đoạn sông Tô Lịch không lộ thiên xuất phát từ Chợ Gạo và kết thúc ở bốt Hàng Đậu (Hà Nội).
Theo người thiết kế tour, kiến trúc sư Nguyễn Vũ Hải, cái tê hay tê ống nước là một dụng cụ để chia một dòng thành nhiều dòng khác nhau. Trong đời sống đô thị, có dòng cấp nước sạch, có dòng dẫn nước bẩn. Nhưng nước không phải luôn được phân chia như vậy. Sông Tô Lịch, một dòng dẫn nước thải của thành phố từng mang đầy đủ vai trò phòng thủ, tâm linh, sản xuất, giao thông, thương mại. Rồi một ngày nó được quy định chỉ bởi một danh từ: cái cống. Năm 1873, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, là thời điểm dòng nước được nhìn theo cách khác. “Tê 1873” là một cái tê chia những ý niệm về nước theo trục thời gian.
Bám theo dòng chảy cũ của sông Tô Lịch, nhóm đồng hành đã cùng tìm hiểu sự chuyển mình của con sông từ vai trò huyết mạch của mọi hoạt động đô thị đến một đường cống ngầm. Rời khỏi bàn phím, thế giới ảo mạng xã hội, ra phố Hà Nội vào một buổi sáng thứ bảy, nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng vì hàng ngày vẫn di chuyển bên trên một dòng sông chết mà không biết.
Trong cùng ngày, một nhóm khác “tò mò Hà Nội” ra bãi giữa sông Hồng cùng nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương tìm hiểu “Câu chuyện màu Đất”. Trong workshop, người tham gia lại gần quan sát đất, tìm hiểu về các màu sắc của đất và các yếu tố thổ nhưỡng đã hình thành nên những màu ấy. Mỗi người tạo bảng màu đất của riêng mình, thực hành sáng tạo sử dụng những màu tìm được. “Lại gần nhìn đất” để cùng nhau xem lại cách đối xử với môi trường đất và điều ấy tác động lên địa bàn nơi ta sinh sống, cụ thể là sông Hồng và Hà Nội ra sao, Nguyễn Đức Phương bày tỏ mong muốn.
Làm gì đó cụ thể
Theo chị Đỗ Tường Linh, người điều phối dự án “Công dân trái đất”, xu hướng gần đây nhiều nghệ sĩ Việt không còn dừng ở thử nghiệm nghệ thuật hay lối sống mà họ chọn những lối đi rõ ràng, bày tỏ quan điểm cá nhân. Có người bỏ công việc công sở lương cao đi trồng rau, trồng nấm. Có người theo đuổi các khóa học về môi trường, cải tạo đất hoặc trồng thuốc nam dược để khởi nghiệp. Six Space mong muốn trở thành điểm gặp của những ý tưởng môi trường, hỗ trợ nhau để làm ra sản phẩm cụ thể cho cộng đồng.
TECHxART (Công nghệ gặp nghệ thuật) là sự kiện hấp dẫn và mở rộng đối tượng tham gia nhất của ngày khởi động “Công dân trái đất”. Trong không gian Six Space, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đã được tìm hiểu về những giải pháp kỹ thuật để bảo vệ môi trường qua phần giới thiệu của 8 nhóm tham dự cuộc thi HackScience 2019 (diễn ra vào ngày 26-27/08 vừa qua tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Nhóm giải nhất của cuộc thi từng thắng cuộc với đề bài “Xử lý rác thải nhựa”. Đa số dân IT của ta ít thông tin về nghệ thuật, vì thế các bạn mong muốn có sự hợp tác lâu dài với các nghệ sĩ, có được hướng tiếp cận mới với các vấn đề môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, giám tuyển Đỗ Tường Linh chia sẻ về những sự kết hợp thuyết phục của sáng tạo nghệ thuật với công nghệ trên thế giới và một vài ví dụ hiếm ở Việt Nam.
Trong vòng 16 tiếng của ngày khởi động “Công dân trái đất” còn có cuộc “góp gạo, góp bát đũa, góp nhời” tại căn bếp nhỏ của Không gian lưu trú nghệ sĩ Bà Bầu. Tại đây ba đầu bếp nữ, đại diện ba quan điểm ẩm thực trổ tài nấu món ăn, thức uống từ các loại đậu. Thực khách và chủ nhà cùng ăn uống và buôn chuyện về dinh dưỡng và dược thực.
Các bạn nhỏ yêu sống xanh có cuộc gặp với anh Nguyễn Anh Tuấn từ Dreamfarm để nghe chia sẻ kiến thức về cây cốt khí. Anh Tuấn gửi tới các bạn những hạt giống cây cốt khí, một loài cây họ Đậu được mệnh danh là “cây tiên phong” nhờ tác dụng cải tạo đất. Trong vòng 6 tháng tới, các bạn có tất cả sự tự do để quyết định số phận hạt giống đó, và ghi lại quá trình đồng hành với hạt giống theo nhiều hình thức sáng tạo khác nhau.
Đỗ Tường Linh chia sẻ về mục tiêu cuối cùng của dự án: “Sau một năm chúng tôi muốn có 1 cuốn sách ảnh về môi trường cho trẻ em. Ở ta hiện chỉ có sách dịch với những ví dụ ở nước ngoài. Chúng tôi muốn cuốn sách nói về môi trường gần gũi hàng ngày xung quanh các em. Cuốn sách có hình ảnh sinh động, có thông điệp nhưng không giáo điều và không nặng thuật ngữ khoa học”.

Cùng chuyên mục

Nữ sinh ĐH Nam Cần Thơ Lê Thị Tường Vy đăng quang Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020

Bình Định: Mang “Xuân yêu thương” đến với người dân xã miền núi khó khăn

Bạn trẻ đến Đà Lạt ngắm đồi hoa oải hương thơm ngát, đẹp tựa trời Âu

Công an Bình Dương ra quân hành động mừng 90 năm thành lập Đoàn

Thiếu nữ Hà thành khoe sắc bên hàng phong lá đỏ đẹp như xứ Hàn

Điều động Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ làm Phó Bí thư Huyện Vĩnh Thạnh

Toàn cảnh ngày hội chính Chủ nhật Đỏ lần thứ XIII - năm 2021
