Khởi động chương trình đào tạo ít nhất 1 nghề cho 100% thanh niên Làng SOS

Khởi động chương trình đào tạo ít nhất 1 nghề cho 100% thanh niên Làng SOS
TPO - Trong giai đoạn 2020 – 2022, chương trình Youthcan! được triển khai với các mục tiêu: 90% thanh niên được tăng cường kỹ năng sống, các kỹ năng mềm, tiếng Anh; 100% thanh niên khi rời Làng trẻ em SOS được đào tạo ít nhất 1 nghề; 90% thanh niên có việc làm khi rời chương trình và hòa nhập tốt vào cộng đồng.  

Ngày 25/10, tại TPHCM, Làng trẻ em SOS Việt Nam khởi động chương trình “Thanh niên có thể - Youthcan!” nhằm thực hiện các hoạt động tăng cường khả năng có việc làm cho thanh niên các làng trẻ em SOS ở Việt Nam, một trong những ưu tiên hàng đầu tại đây.

Youthcan! là sáng kiến toàn cầu hỗ trợ cho nhóm thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt, thanh niên thiếu sự chăm sóc của cha mẹ ngay từ nhỏ với mục tiêu tăng cường kiến thức, kỹ năng làm việc để từ đó gia tăng cơ hội tìm được việc làm cho thanh niên các làng trẻ SOS. Youthcan! tiến hành các hoạt động đào tạo chuyên sâu, cơ hội tham quan thực tế, thực tập và tập huấn nghề nghiệp tại các doanh nghiệp trước khi tham gia vào thị trường lao động và có điều kiện làm việc, sinh sống tự lập.

Khởi động chương trình đào tạo ít nhất 1 nghề cho 100% thanh niên Làng SOS ảnh 1 Đại diện chương trình Youthcan! Việt Nam thông tin về tình hình chăm sóc, tạo việc làm cho thanh niên Làng SOS Việt Nam 
Phát biểu tại lễ khởi động, bà Lê Minh Giang, Giám đốc Quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam cho biết Làng hiện đang nuôi dưỡng hơn 3.000 cháu, trong đó hơn 1.600 thanh niên từ 15 tuổi trở lên đang theo học phổ thông, học nghề, cao đẳng và đại học, cần được hỗ trợ tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Để thực hiện mục tiêu tăng cường kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, trải nghiệm thực tế công việc, Làng trẻ em SOS Việt Nam cần sự chung tay và hợp tác tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình cũng kỳ vọng chính các bạn thanh thiếu niên Làng SOS Việt Nam phải nỗ lực, học tập tốt, lao động tốt để nắm lấy các cơ hội và phát huy hết khả năng của bản thân để có được công việc ổn định và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Khởi động chương trình đào tạo ít nhất 1 nghề cho 100% thanh niên Làng SOS ảnh 2
Khởi động chương trình đào tạo ít nhất 1 nghề cho 100% thanh niên Làng SOS ảnh 3 Các chuyên gia quốc tế giới thiệu về chương trình Youthcan! toàn cầu và những kết quả mang lại 

Trong giai đoạn 2020 – 2022, chương trình Youthcan! được triển khai với các mục tiêu: 90% thanh niên được tăng cường kỹ năng sống, các kỹ năng mềm, tiếng Anh; 100% thanh niên khi rời Làng trẻ em SOS được đào tạo ít nhất 1 nghề; 90% thanh niên có việc làm khi rời chương trình và hòa nhập tốt vào cộng đồng; tăng cường hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội đào tạo, tư vấn định hướng nghề và xúc tiến việc làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân thanh niên Làng trẻ em SOS.

Tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đạt mức 95% thanh niên có việc làm khi rời chương trình và hòa nhập tốt vào cộng đồng; 100% thanh niên được tăng cường các kỹ năng sống, tiếng Anh, kỹ năng tìm việc làm.

Khởi động chương trình đào tạo ít nhất 1 nghề cho 100% thanh niên Làng SOS ảnh 4 Các em nhỏ Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TPHCM) biểu diễn một tiết mục văn nghệ trong một hoạt động gây quỹ của Làng trẻ em SOS Việt Nam 
Trên thế giới, trong năm đầu tiên thực hiện Youthcan! đã tiếp cận được gần 5.000 thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ và trên 1.300 tình nguyện viên/ nhân viên từ các doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát tình hình chăm sóc và hỗ trợ việc làm với nhóm thanh niên tự lập tại 10/17 làng trẻ em SOS trên toàn quốc trong năm 2018, cho thấy 97% thanh niên có việc làm, tuy nhiên tỷ lệ làm đúng ngành, nghề đã học chỉ chiếm 38%. Tỷ lệ làm trái ngành, nghề đã học hoặc không rõ thông tin chiếm 59%. Những ngành nghề thanh niên tham gia làm việc bao gồm: giáo viên, thiết kế đồ họa, kỹ thuật viên, kế toán, kỹ sư, luật sư, công nhân viên, tài xế, nấu ăn, dịch vụ du lịch… với mức lương trung bình là 3,5 triệu đồng/ tháng. Khảo sát cũng đánh giá, mức lương này so với mặt bằng chung là khá thấp nên dẫn đến thực trạng việc làm của thanh niên không bền vững.

MỚI - NÓNG