Khởi động “kinh doanh đam mê” ở tuổi 17

Khởi động “kinh doanh đam mê” ở tuổi 17
17 tuổi, mê design, Đỗ Minh Tiến loay hoay tự tìm tòi học hỏi để tìm cho mình một công việc tương lai. 19 tuổi, Tiến đã có chỗ trong một công ty thiết kế ở Hà Nội.
Khởi động “kinh doanh đam mê” ở tuổi 17 ảnh 1
Một tiết mục trong chương trình “Hip-hop 4 Life” do các thành viên của Rapclub tổ chức tối mồng 3 Tết 2005 tại Hanoi Fashion Club

Trai Hà Nội mà da ngăm đen, khuôn mặt già dặn hơn rất nhiều cái tuổi 21. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống tự lập, trong đầu Đỗ Minh Tiến không bao giờ có ý nghĩ “nhờ cậy”.

“Nghiện” nhạc rap từ nhỏ bởi đây là “thứ âm nhạc phóng khoáng và chân thực” cũng giống như tính cách của Tiến vậy. Đi làm, Tiến đến sớm về muộn để thiết kế một sân chơi cho những người cùng sở thích hip-hop như mình. Và thế là với khả năng lập trình + niềm đam mê nhạc rap đã khiến www.rapclub.org xuất hiện.

Mọi chuyện vượt quá những mong đợi của Tiến, số thành viên lên đến hơn 1 vạn trên khắp mọi miền trong và ngoài nước. Rapclub của Tiến được coi là sân chơi hip-hop đầu tiên ở Việt Nam. Giới trẻ biết nhiều hơn đến nó sau sự xuất hiện trong một phóng sự của VTV. Tất nhiên là Tiến không muốn nhạc rap chỉ sống leo lắt trong phạm vi sở thích. Và thế là Công ty Rap Club Entertainment (RC www.darapclub.com) ra đời.

Đi trên đường kinh doanh bằng đôi chân đam mê

“Thực sự mình vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Mình được biết rằng rất nhiều người có tiềm lực mà kinh doanh còn khó khăn huống hồ một kẻ còn chân ướt chân ráo như mình. Nhưng mình lại nghĩ, chẳng ai sinh ra đã biết kinh doanh cả. Điều quan trong là phải thận trọng, đam mê và chịu khó học hỏi - mình có cả ba thứ ấy”, Tiến tâm sự.

Nếu vào RC bây giờ, bạn sẽ khó có thể biết ai là chủ ai là người làm thuê. Tiến xắn tay vào làm cùng mọi người gần như tất cả mọi việc, từ thiết kế, quản trị web, mix nhạc, hòa âm... Hiện thời, công ty của Tiến là sự chung sức của anh em, bạn bè... Ai có khả năng gì thì giúp việc ấy. Họ làm việc vui vẻ, hòa đồng chẳng khác gì một nhóm bạn.

Công ty của Tiến dự định kinh doanh bằng chính hip-hop, gồm 4 mảng: Rap, DJ, Graffiti và Breakdance. Ngoài ra, Tiến cũng đang chiêu mộ đào tạo những ca sỹ, nhóm nhạc cho mình.

“Mong muốn của mình là biến RC trở thành một công ty đầu tư âm nhạc trọn gói, mình có thể lo tất tần tật từ A-Z cho một show ca nhạc. Hiện nay, rất nhiều công ty đang làm việc tương tự, nhưng chỉ đầu tư riêng cho hip-hop thì chưa có”.

Tiến đã tìm cho mình một lối đi riêng và quan trọng là nó đi bằng con đường đam mê của cậu.

Trong khi các studio khác phải tự mix nhạc, làm beat (nhạc karaoke) thì Tiến đã sưu tầm được một kho beat từ nước ngoài với chất lượng hơn hẳn. Giá cả cũng sẽ rất cạnh tranh, Tiến không “lăn tăn” lắm về mảng này. Hơn thế nữa, thu âm tại RC, khách hàng sẽ được tư vấn miễn phí là hát thế nào cho hay, chuẩn và đẹp bởi rất nhiều sinh viên nhạc viện cùng phụ trách khâu này.

Không hẳn cứ đi đường vòng thì lâu đến đích

Để trở thành một công ty nhạc nhẹ dễ hơn rất nhiều công ty chuyên về nhạc rap, bởi với người nghe Việt việc chấp nhận văn hóa hip-hop vẫn là khó khăn. Tiến đang đi một con đường khác, có thể là xa hơn nhưng không hẳn không thành công.

“RC không thể là một công ty nhạc nhẹ kinh doanh nhạc rap được. Nếu thế thì chẳng khác gì việc mải mê chạy theo lợi nhuận.

Sở dĩ các thương hiệu nổi tiếng là vì nó chỉ đi theo một con đường. Một ban nhạc đi theo phong cách rap có lúc huy hoàng có lúc chìm nghỉm nhưng chí ít người nghe cũng biết họ đang hát rap. Còn một ban nhạc hôm nay hát pop, ngày mai thấy người nghe thích R&B thì mặc đồ hip-hop lên rap thì sẽ nhanh chóng bị lãng quên, cho dù họ có kiếm được nhiều tiền.

Chỉ khi bạn thực sự hiểu được bản chất của hip-hop, bạn mới có thể tạo nên phong cách cho mình được”.

MỚI - NÓNG