Nhà bán trú cho em:

Không còn lo mưa dột, nắng nung

Niềm vui về nhà bán trú mới trong câu chuyện của chị Lý Thị Trài (thứ hai từ trái sang) với giáo viên chủ nhiệm của hai con. ảnh: Xuân Tùng
Niềm vui về nhà bán trú mới trong câu chuyện của chị Lý Thị Trài (thứ hai từ trái sang) với giáo viên chủ nhiệm của hai con. ảnh: Xuân Tùng
TP - Nắng chiều tháng Năm khiến sắc áo của những học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Xuân Lập (xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) thêm rực rỡ như hòa vào niềm vui khánh thành Nhà bán trú mới khang trang.

Từ trung tâm huyện còn ngổn ngang các hạng mục thi công của một huyện mới thành lập tháng 7/2011, quãng đường 24km dẫn vào trường toàn những ổ trâu ổ gà, thi thoảng mới có một nếp nhà. Là huyện nghèo, Lâm Bình có 8 xã thì có đến 6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khi mới thành lập huyện hơn 70%.

Trường PTDTBT THCS Xuân Lập nằm trên địa bàn xã Xuân Lập - một trong những xã khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 hơn 84%. Thầy giáo Khổng Văn Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trên địa bàn xã có 5 thôn bản, trong đó, có những thôn cách xa trung tâm xã 16 km, học sinh ở các thôn bản đến trường chủ yếu là đi bộ. Trong năm học 2013-2014, nhà trường có 4 lớp với 121 học sinh, trong đó có 96 học sinh bán trú”. Cô giáo Ma Thị Duyên dạy Toán, Lý là quản sinh trường PTDTBT THCS Xuân Lập cho biết: Trước vì ngại đường xa, lại chưa bao giờ tiếp xúc tập thể, nhiều em đi học phải có gia đình đưa đón, do đó, nhiều em bỏ học nửa chừng.

Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long cho biết: Trong 4 năm, từ 2013- 2017, mỗi năm T.Ư Hội LHTN VN xây dựng 15- 20 nhà bán trú cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trị giá mỗi nhà bán trú khoảng 200- 250 triệu đồng.

Nằm một góc trường là dãy nhà bán trú dựng bằng gỗ, mái bờ lô xi măng và nền xi măng. Trong dãy nhà bán trú gỗ, hai dãy phản gỗ kê liền nhau là giường của học sinh. Phòng chưa có bàn học, tủ hòm để vật dụng cá nhân… Cô giáo Ma Thị Tuyền (SN 1970, dân tộc Tày) chủ nhiệm lớp 7, dạy môn Sinh và Hóa của trường, cho biết: “Nhà bán trú cũ lạnh về mùa đông, ẩm thấp trong những ngày mưa. Tháng 4 năm ngoái, mưa đá kèm lốc nhấc hẳn dãy nhà cách nền gần 2m”.

Không lo mưa dột, nắng rọi

Trong lễ khánh thành công trình Nhà bán trú cho em tại trường PTDTBT THCS Xuân Lập (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) chiều 18/5 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Nguyễn Phi Long cho biết: “Đây là ngôi nhà thứ 5 được khánh thành trong năm 2014. Nhà bán trú cho em được xây dựng theo công nghệ lắp ghép, vật liệu chính là khung thép và tấm vách EPS cách nhiệt, mái được lợp bằng tôn lạnh, cửa sổ trượt PVC, cửa đi là khung bao nhôm…”.

Đại diện nhà trường, thầy giáo Khổng Văn Vinh bày tỏ: Sự quan tâm của T.Ư Hội LHTN Việt Nam và các cấp ngành đầu tư, xây dựng nhà bán trú cho nhà trường gồm hai phòng ở với diện tích trên 100m2, 10 chiếc giường tầng và các phần quà giá trị khác đã đáp ứng phần nào nguyện vọng của thầy và trò nhà trường, giúp 42 học sinh ổn định chỗ ngủ, an toàn, sạch sẽ, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè để các em học sinh yên tâm học tập.

Dịp này, T.Ư Hội LHTN VN tặng 20 suất học bổng Vừ A Dính, mỗi suất 500.000 đồng cùng cặp sách và 100 suất quà trị giá 5 triệu đồng cho các em học sinh vượt khó, học giỏi.

Trong niềm vui khánh thành Nhà bán trú cho em của thầy và trò trường PTDTBT THCS Xuân Lập có sự hiện diện của nhiều phụ huynh. Chị Lý Thị Trài (SN 1978, dân tộc Dao) không giấu nổi niềm vui khi có hai con là Giàng Xuân Tiến và Giàng Thị Thủy, đang học lớp 7 tại đây. Chị đã đi bộ suốt hai tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường hơn chục cây số từ thôn Khuổi Củng để xuống thăm con, thăm trường. 


“Hai con mình may mắn được học và ở bán trú tại trường. Trước đây, điều kiện nhà bán trú của trường còn khó khăn, mỗi khi mưa gió thì mình lo lắm, nhất là đợt mưa đá, lốc xoáy đợt rồi. Nay có nhà bán trú mới, mình yên tâm hơn”, chị Trài nói. Cô giáo Ma Thị Tuyền hồ hởi: “Gia đình nhiều em khó khăn về kinh tế, thậm chí không đủ gạo cho các cháu ăn học. Hiện nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các em học sinh có đủ gạo ăn ba bữa. Nay có thêm nhà bán trú khang trang đảm bảo cho học sinh tập trung học tập hơn”.

Có tên trong danh sách những học sinh ở phòng bán trú mới, em Vàng Thị Xuân (lớp 6, dân tộc Mông) háo hức nói: “Em rất vui khi được ở phòng đẹp, có giường riêng, bàn học và hòm đựng đồ cá nhân. Chúng em sẽ phân công nhau để giữ vệ sinh phòng”.

MỚI - NÓNG