Không gian ảo và nghệ thuật "tay ngang"

Không gian ảo và nghệ thuật "tay ngang"
Những "nhạc sĩ” chuyên viết nhạc teen trên mạng phần lớn là... tay ngang, vừa qua độ tuổi teen dăm hôm. Cũng kiểu sáng tác chơi chơi rồi bỗng nhiên có bài thành "hit" và nghiễm nhiên trở thành... nhạc sĩ.
Không gian ảo và nghệ thuật "tay ngang" ảnh 1

Những chương trình ca nhạc dành cho tuổi teen rất hiếm hoi. -  Ảnh: Gia Tiến (Tuổi Trẻ).

Ngày trước, nếu muốn cập nhật những ca khúc mới các bạn trẻ thường đến các tụ điểm, sân khấu ca nhạc; mở tivi, radio lên coi - nghe; hoặc ôm đàn "hát cho nhau nghe". Ngày nay... những cách trên chỉ là một trong vô số cách mà teen tiếp cận âm nhạc.

Hiểu được thời gian biểu cũng như tiền bạc eo hẹp của các teen, các hàng quán ngày nay luôn dành một số giờ cao điểm để bật nhạc sôi động cho teen thưởng thức: giờ tan tầm giữa các buổi học chính thức lẫn học "cua".

Với những hàng quán gần các trường học, trung tâm ngoại ngữ, luyện thi, nhạc teen với những ca từ "tưng tửng" được mở suốt ngày. Không chỉ có hàng ăn, quán nước, nhạc teen còn "ùa" vào các tiệm băng đĩa, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, cửa hàng quần áo thời trang, cửa hàng quà lưu niệm... Nơi đâu có teen, nơi đó sẽ mở nhạc teen.

Thời này mà còn mân mê "Mr.Walkman" thì hẳn là "ông già leo núi"! Teen chính hiệu chỉ nghe iPod nhỏ bằng ba ngón tay.

Hỗ trợ cho iPod còn có các máy mp3, mp4, dòng điện thoại di động "nghe nhạc", laptop siêu mỏng - cực nhẹ và vô số phần mềm tải nhạc, soạn nhạc tiên tiến trên thế giới. Vậy nên các tiệm Internet, các cửa hàng điện tử, điện thoại di động... cũng xập xình nhạc teen.

Không chỉ tung lên mạng, tải xuống máy, lối "chơi nhạc" trên net còn cho phép các teen bình luận, gửi ca khúc cho nhau chỉ bằng một cái "click" chuột.

Việc thu thập các thông tin về âm nhạc và lời các ca khúc mới nhất cũng nhanh hệt "tốc độ của ánh sáng". Riêng tư nhưng cũng rất rộng mở, nhanh chóng và nhiều tiện ích, thế giới "nhạc teen trên net" quả là... thiên đường gọi tên.

Các teen còn biết tự mình lập fan club (CLB những người hâm mộ) để ủng hộ và truyền bá, tiêu thụ nhạc teen. Đáng nể hơn, teen còn đưa những ca khúc mà mình khoái lên các chat yahoo, forum, blog, phát tán qua các đường link để cả cộng đồng mạng cùng thưởng thức; hay tự tạo ra các "ca khúc kiểu teen" để chọc ghẹo thiên hạ.

Nghệ thuật "tay ngang"

Phần lớn những bản nhạc teen trên net đều mắc lỗi ca từ thô thiển, giai điệu sao chép, trùng lắp...

Kiểu viết của teen là phải thật... ngổ ngáo, ngược ngạo, không giống ai, thậm chí quái lạ càng tốt. Cho nên, "phe ca khúc sốc" lại như "bắt được vàng", tha hồ mà tạo những "cơn sóng thần" trong ca từ nhạc teen.

Hãy nghe một đoạn trong Trái tim siêu nhân Gao (nguyên văn): "Có cô nàng đi trên phô/ Bỗng gặp một thằng lu manh/ Quyết giựt giỏ sách của cô/Tôi tung cú đá liên wàng cương/ Một cách tuyệt đỉnh công phu/ Tên cướp kia mất hồn luôn nó lăn cu meo...". Cần gì hiểu nội dung. Nghe "dzui dzui" là được rồi!" - một teen bày tỏ.

Những ca khúc được tung lên mạng dễ dàng. Tất cả những ca khúc đó đều do chính các teen "tự biên tự diễn". Đôi khi chỉ là "hát xàm" rồi đưa lên blog, diễn đàn cho "dzui" nhưng tự nhiên lại được "pà kon" yêu thích.

Còn những "nhạc sĩ” chuyên viết nhạc teen thì cũng phần lớn là... tay ngang, vừa qua độ tuổi teen dăm hôm, không qua trường lớp. Cũng kiểu sáng tác chơi chơi rồi bỗng nhiên có bài thành "hit" và nghiễm nhiên trở thành... nhạc sĩ.

Công thức "chế" nhạc teen cũng khá đơn giản: nhạc teen = ca từ "tưng tưng" (mang "tính thời sự" càng tốt) + giai điệu rộn ràng, dễ nhớ. Còn giai điệu nếu lỡ có "bí như con chí” cũng đã có không ít "quyền trợ giúp" từ những bài nhạc nước ngoài cùng các phần mềm.

"Dễ lắm! Chỉ cần lên mạng tải "chùa" về một số phần mềm soạn nhạc rồi cắt một chút đoạn nhạc mẫu này gắn vào một chút đoạn nhạc mẫu kia là ra ngay một ca khúc teen" - một nhạc sĩ nhà nghề "chỉ điểm".

Vậy sao các nhạc sĩ "tiền bối" không ra tay cứu giúp? Ngoài việc quá khó để nắm bắt tâm lý vô cùng phức tạp cùng tính cách đa dạng của teen ngày nay - "cátsê” là một rào cản lớn khiến những người sáng tác chuyên nghiệp làm ngơ "miếng bánh nhạc teen".

Thời nay chẳng mấy hãng chịu bỏ tiền làm album teen cả. Nếu có chỉ là những tuyển tập các ca khúc teen cách đây... 20 năm. Thù lao ít, ca khúc làm ra mang đời sống ảo và ngắn ngủi, hỏi có mấy nhạc sĩ muốn mất sức vào nhạc teen?

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy: Nhạc teen bùng nổ là một nhu cầu có thật của khán giả tuổi teen trong hoàn cảnh mà các nhạc sĩ chuyên nghiệp lo những dự án âm nhạc lớn lao dành cho người lớn. Các nhạc sĩ tuổi teen vào cuộc và thậm chí là những ca sĩ teen cũng tham gia sáng tác với kiến thức nhạc lý cũng chỉ "teen teen".

Hệ quả là hàng loạt ca khúc mang "mác" nhạc teen ra đời nhưng không có một chuẩn mực chuyên môn nào để thẩm định nội dung. Điều này làm các nhạc sĩ chuyên nghiệp, hội âm nhạc và cơ quan chức năng phải suy nghĩ lại.

Phải chăng các tác phẩm của những nhạc sĩ chuyên nghiệp hiện nay không bắt kịp được hơi thở âm nhạc của teen và không cập nhật được "ngôn ngữ teen".

Hiện nay có quá ít những sân chơi âm nhạc chính thống dành cho teen nên hầu hết các ca khúc nhạc teen sinh sôi nảy nở trên môi trường Internet.

Theo Quỳnh Nguyễn - Thanh Thanh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG