Không gục ngã

Không gục ngã
TP - Quỳnh Mai, tên của hai loài hoa tượng trưng cho sự quyền quý. Trớ trêu thay, mới 3 tuổi Mai bị tai nạn mất cánh tay phải, rồi cha chết trong tù, mẹ đang thụ án...Vậy nhưng, giờ đây ở tuổi 17, Mai vẫn một mình vững bước trên giảng đường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Gặp Tạ Thị Quỳnh Mai vào một buổi chiều mưa rả rích tại Ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội, bạn rất cởi mở, nhưng suốt buổi mắt cứ ngấn nước và không ít lần im lặng khiến tôi bối rối, không biết phải tiếp tục câu chuyện như thế nào. Đó là lúc tôi vô tình chạm đến nỗi đau gia đình em…

Quỳnh Mai sinh ra và lớn lên ở vùng lòng chảo Điện Biên, thôn C 9A, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Nhà có hai anh em, nhưng anh trai mất khi Mai mới hai tháng tuổi, do ngã xuống giếng.

Bố làm thợ mộc, mẹ đau ốm quanh năm nên cuộc sống gia đình luôn chật vật. Là con một, nên Mai được bố mẹ yêu chiều hết mực. Thế nhưng, khi mới ba tuổi, Mai bị ngã vào máy cưa đang xẻ gỗ của bố, phải cắt bỏ cánh tay phải. Cứ hai, ba năm,  vết thương lại phình, dài ra đau buốt tận gan ruột. Mỗi lần như vậy, Mai lại phải nghiến răng đi cắt bỏ, giờ đã cụt đến tận bả vai.

Mai đi học mẫu giáo lúc 5 tuổi và bị chúng bạn trêu chọc, gọi là đứa cụt tay. Thương con gái, mẹ gửi Mai vào “học lớp 1 cho vui”. Không ngờ Mai học rất khá. Mai viết bằng tay trái, nhưng chữ đẹp gần nhất lớp nên cô giáo quyết nhận bạn vào học chính thức. Kể từ đó, suốt 12 năm học phổ thông, Mai luôn là học sinh giỏi và giờ đây là sinh viên năm thứ nhất khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với một cánh tay trái, em tự giặt giũ, nấu ăn, khâu vá, đan lát… và đạp xe hơn 10 km đến trường mỗi ngày. “Em lái xe chuẩn lắm, chưa bao giờ bị đụng xe đâu. Chỉ mỗi tội, thời tiết Điện Biên khắc nghiệt quá, mùa hè trời nóng như đổ lửa, em phải liên tục dừng xe để vuốt mồ hôi nhễ nhại, ướt hết mấy lần áo, mùa đông giá buốt, gió thổi thốc, xe cứ đổ xiêu” - Nghe Mai kể, tôi cứ lặng người đi.

Mai tập đi xe đạp một tay từ năm lớp 4. “Hồi đó, nhà có mỗi cái xe đạp nam nên mỗi lần tập, em phải chui người qua khung xe, bả vai phải bám vào yên, tay trái cầm tay lái và chân bắt đầu đạp đi. Ngã suốt, chân tay trầy xước hết, nhưng em không bỏ cuộc. Sau gần một năm em đạp xe thành thạo”, Mai kể.

Bố mất, mẹ vào tù

Sự nghiệt ngã của số phận chưa dừng lại ở đó. Ngày Mai vừa nhận giấy khen tổng kết năm học lớp 10 về nhà chưa kịp khoe, bố đã bị bắt vì tội vận chuyển ma tuý cho người khác. Lúc bị bắt, bố Mai đang bị suy thận độ 4.

Theo Mai, có lẽ trong lúc túng quẫn, bố đã nghĩ quẩn và phạm pháp. Hai năm sau, khi còn 7 ngày nữa Mai thi học kỳ I lớp 12 thì gia đình nhận tin bố mất vì bệnh tật trong trại giam.

Không gục ngã ảnh 1 Đó là cô bé có hoàn cảnh đặc biệt. Chính quyền xã mới xét cho cháu thuộc diện hộ nghèo vào năm 2010 này, để đỡ phần nào khó khăn cho cháu.Không gục ngã ảnh 2 - Lò Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, gần 50 ngày sau, mẹ Mai bị bắt vì tội bao che cho bố. Nỗi đau dồn dập, nhưng Mai không cho phép mình khóc trước mặt mẹ. Còn 15 ngày nữa Mai thi tốt nghiệp lớp 12, mẹ vào tù. “Đau khổ, nhưng hôm đó em vẫn đi cùng mẹ đến tận trại giam Sơn La mà không để rơi một giọt nước mắt nào”, Mai nhớ lại.

Mẹ đi rồi, một mình Mai lầm lũi trong căn nhà vắng lạnh, tự chăm sóc mình và hương khói cho cha và anh. Không có mẹ ở bên, những công việc đơn giản hằng ngày như tắm giặt, cơm nước…, Mai đều phải huy động đến sự trợ giúp của đôi chân.

Khi giặt quần áo, Mai đều phải đứng vào chậu dùng hai chân giẫm giặt, sau đó dùng tay xát quần áo vào chân để cho sạch. Nuốt nỗi đau vào trong, Mai lao vào ôn thi với ước nguyện về Hà Nội học để được ở gần mẹ (vì mẹ chuyển về trại giam Thanh Xuân, Hà Nội). Và ước nguyện của Mai thành hiện thực khi thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội.

Không gục ngã ảnh 3
Bố mất rồi không được treo ảnh cả gia đình lên nhưng thi thoảng em mở ra ngắm lại cho đỡ nhớ bố mẹ

Bước qua nỗi đau

“Bao nhiêu chuyện dồn đến, sao em ôn thi tốt được?”, tôi thắc mắc. Mai im lặng lúc lâu, rồi nói: “Em thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Em vẫn còn một cánh tay, đôi mắt sáng để nhìn, đôi tai để nghe và đặc biệt tuổi thơ được sống trong tình yêu thương của bố mẹ”.

Nói về cuộc sống hiện tại, Mai háo hức khoe những dự định trong năm học mới, về những người bạn mới và kế hoạch nhặt ve chai. Hôm rồi, đi học thể dục nhìn thấy bà cụ bới nhặt ve chai giữa trời mưa, em bắt chuyện mới biết bà đã 75 tuổi bị con cái bỏ rơi. Từ đó, em lập kế hoạch nhặt ve chai giúp bà. “Hai ngày nghỉ vừa rồi, em đi mấy dãy phòng ký túc xá và nhặt được hai bao tải đầy ve chai”, Mai kể với ánh mắt rạng ngời.

Không gục ngã ảnh 4Để trút bỏ những lo lắng, phiền muộn, mỗi ngày em lấy một tờ giấy gạch mấy gạch đầu dòng, hôm nay buồn cái gì, vì sao buồn, giải quyết như thế nào… để lòng mình nhẹ nhõm - Mai nói như một nhà hiền triết.Không gục ngã ảnh 5

Hỏi tình hình của mẹ, Mai lặng đi. Rồi Mai kể, hôm rồi mới vào thăm, mẹ bị ngất mới được cấp cứu. Mẹ xưa nay ốm yếu, mắc nhiều bệnh, tim, thấp khớp, đau nửa đầu, ngất là chuyện thường. Mai sợ mẹ không qua nổi những năm cải tạo để về với mình.

Mỗi lần vào thăm, gắng lắm Mai chỉ mua cho mẹ một ít thuốc đau đầu và đồ khô (lạc rang, cá khô) để mẹ ăn thêm. Hôm rồi vào thăm mẹ, đến lúc ra về, mẹ cầm tay em hỏi: “Con có dư không, bớt cho mẹ một ít tiền”. Biết mẹ khổ, dù muốn nói khác đi nhưng không làm sao nói khác ngoài từ “không” được.

Ngày nhập học, Mai được bà ngoại dẫn đi. “Nhìn bà 76 tuổi già lụ khụ, dắt díu đứa cháu tật nguyền, chen chúc trong đám đông, ai nhìn vào cũng ứa nước mắt”, bạn học của Mai kể lại. Với Mai điểm tựa lớn nhất bây giờ là ông bà ngoại.

Ông ngoại Mai là thương binh, được bao nhiêu tiền lương đều dành hết cho cháu. “Ông em năm nay đã ngoài 80 tuổi, lấy tiền của ông, em xót xa lắm”, Mai rưng rưng. Mai tính đi làm gia sư, nhưng sợ phụ huynh e ngại người tật nguyền như mình, nên tạm gác lại.

Hồi ở nhà, Mai và mẹ như hai người bạn. Mai tâm sự với mẹ mọi chuyện. Từ khi mẹ vào tù, mỗi tháng Mai được thăm mẹ một lần, mỗi lần 30 phút. Con hỏi thăm tình hình của mẹ, mẹ hỏi thăm tình hình ăn ở của con, thế là hết giờ thăm. Bao nhiêu tâm sự cần nói với mẹ, Mai đành giữ kín trong lòng.

Ông bà, hay cô dì chú bác có gọi điện hỏi thăm, Mai đều nói mọi việc rất tốt, không than phiền. “Nhiều lúc thấy day dứt vì nói dối, nhưng em không muốn làm người khác phải lo”.

Tính Mai vui vẻ, dễ gần, hồi học cấp III được bạn bè bầu làm lớp trưởng, nay vào ở ký túc xá được mọi người bầu làm trưởng phòng. Mai đã thích việc gì, quyết làm bằng được. Chỉ còn một tay, nhưng bạn có thể gấp sao, gấp hạc và thậm chí cả đan khăn.

Hôm vào thăm, Mai lôi cái khăn đang đan dở cho mẹ ra khoe. Mai nói mẹ không cho đan, vì để đưa được một mũi len bạn phải ngồi co người, huy động cả cơ thể. Mỗi lần như thế lại đau nhức toàn thân. Tuy vậy, bạn quyết tâm trong một tuần sẽ đan xong khăn để tặng mẹ.

Vũ Thị Hoàn, ở cùng phòng Mai, tâm sự: “Mai là người bạn đặc biệt. Nhìn vào đôi mắt bạn ấy, ai cũng phải yêu quí”.

Sống trong sự yêu thương của bạn bè, ông bà ngoại..., Mai thấy mình hạnh phúc, may mắn hơn nhiều người khác. Mai mong muốn được đến nơi có những mảnh đời bất hạnh để chia sẻ yêu thương, và tiếp thêm nghị lực sống cho mình. Nơi đầu tiên em muốn đến là Làng trẻ em SOS Hà Nội.

Tôi hứa với Mai, tôi sẽ đưa em đến.

Bạn đọc muốn chia sẻ và giúp đỡ Quỳnh Mai, liên hệ  qua thegioitre@tienphong.vn hoặc điện thoại:0942122357.
MỚI - NÓNG