Không là sếp vẫn uy tín

Không là sếp vẫn uy tín
TP - Có những dự án, nhiệm vụ nhất thời trong công ty, đôi khi cần tới sự tham gia của một nhóm nhân viên nhất định. Về mặt hình thức không có ai là sếp ở đây cả. Nhưng làm thế nào để các thành viên khác nghe bạn?
Không là sếp vẫn uy tín ảnh 1

Sau đây là phương pháp gồm 5 bước giúp bạn tự tin và gây dựng uy tín.

1. Đưa ra các mục tiêu rõ ràng

Thường thường mọi người dễ đi vào quy củ khi thấy được các nhiệm vụ đề ra một cách khoa học, logic. Cần viết ra những kết quả mà bạn mong muốn có được.

Khi bạn đưa ra được câu hỏi “chúng ta sẽ cùng nhau đề ra mục tiêu công việc được không?” rồi lôi cuốn cả nhóm vào việc thảo luận và vạch ra mục tiêu, bạn sẽ tự nhiên nắm được vai trò lãnh đạo, cho dù bạn chỉ là “lính quèn” trong công ty mà thôi.

2. Tư duy có hệ thống

Điều thường gặp là mọi người khi bắt đầu vào cuộc họp là “xông vào cuộc” ngay lập tức và tranh cãi xem nên làm gì. Những người có đầu óc lãnh đạo thì lại có đầu óc tư duy logic và hệ thống, họ thu thập trước các tài liệu, con số, phân tích nguyên nhân gây ra tình huống hiện tại và đưa ra quyết định hành động dựa trên cơ sở trên đây.

Trong nhóm, người có khả năng lãnh đạo luôn đưa ra câu hỏi cho mọi người “Chúng ta có đủ thông tin để phân tích hiện trạng này không? Chúng ta có tập trung được vào việc tìm ra nguyên nhân gây nên vấn đề cần giải quyết không?”

3. Học hỏi và rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc

Thông thường mọi người lao vào thực hiện dự án, bị công việc cuốn đi, và chỉ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, họ mới ngồi lại rút ra bài học. Nhưng cách làm hiệu quả hơn là sửa ngay trong quá trình thực hiện.

Người nhắc nhở và thuyết phục được cả nhóm phân tích công việc ngay sau từng giai đoạn ngắn để rút ra các bài học cần thiết chính là người có vai trò lãnh đạo.

Sửa sai ngay tại chỗ là việc rất có ích, bởi mọi sự việc còn tươi mới và bởi cần có ngay những kết luận để điều chỉnh đoạn sau của dự án.

4. Lôi cuốn các thành viên vào công việc

Người lãnh đạo của một nhóm làm việc có hiệu quả là người biết kết hợp tài tình giữa khả năng của từng thành viên với nhiệm vụ cần thực hiện bằng cách viết ra bài toán và sắp xếp một người hoặc một nhóm nhỏ để giải bài toán đó.

Nếu không cá nhân nào muốn tự mình đối đầu với nhiệm vụ, hãy tổ chức các buổi vận động não của cả nhóm (brainstorm) để tăng phần hấp dẫn của bài toán, và lập ra danh sách các thành viên tham gia để ai nấy đều cảm thấy mình có đóng góp.

5. Đừng quên khích lệ mọi người

Nếu bạn không phải là sếp, bạn có thể động viên các thành viên trong nhóm bằng cách nào? Có thể chỉ là một câu nói “Tôi nghĩ là anh vừa làm được một việc rất quan trọng đấy!”.

Cũng có thể đưa ra câu hỏi “Các anh thấy mình làm được gì trong dự án này? Có gì khó khăn đối với anh trong nhiệm vụ này hay không?” và đồng thời đưa ra những đề nghị hợp lý để trợ giúp họ. 

MỚI - NÓNG