“Không thể” và “có thể” ở Bạch Long Vĩ

“Không thể” và “có thể” ở Bạch Long Vĩ
Bây giờ, trên huyện đảo Thanh niên đầu tiên của cả nước, những điều tưởng như không thể đã biến thành hiện thực nhờ vào sức trẻ.

Mặc dù chưa hiểu biết nhiều về đảo nhưng cô gái ở huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng) Phạm Thị Mến vẫn hăm hở làm đơn tình nguyện ra Bạch Long Vĩ. Mến tự nhủ, với mức lương của TNXP vẫn còn khá hơn so với nghề nông ở nhà.

Nhưng ra tới nơi, Mến phải thử sức với những công việc thường chỉ dành cho đàn ông: phụ hồ, làm thợ xây, rồi những tháng ngày phát cỏ hoang, đào rễ ranh, cuốc đất gây dựng nên Công viên tuổi trẻ Sông Hồng, trồng rừng trên đảo…

Mến chìa đôi bàn tay đen, gầy, thô ráp nổi chai nói: “Chị cứ cầm vào đó thì hiểu hết những gì em đã trải qua trong 3 năm qua”. Kỳ lạ thay, kham khổ làm Mến gầy rộc đi nhưng bù lại, cô lại có sức khoẻ thật dẻo dai, sức lao động chẳng kém so với các đồng nghiệp nam trong Liên đội.

Cô nữ kỹ sư điện duy nhất trên đảo Nguyễn Quốc Văn (27 tuổi), có trong tay 2 tấm bằng đại học về chuyên ngành điện (ĐH Hàng hải) và kinh tế (ĐH Bách khoa), nhưng lại tình nguyện ra đảo lập nghiệp quả là đáng khâm phục.

Văn mong muốn từng ngày tốt nghiệp để ra biển với niềm đam mê cồn cào. Trước khi nhận công tác, cô nói với gia đình rằng: “Tuổi trẻ cần phải có hoài bão, khi có lý tưởng thì làm gì, ở đâu mang lại lợi ích cho nhiều người mới là điều có ý nghĩa trong cuộc đời”.

1 năm nay, công việc của Văn là phụ trách phần kỹ thuật của trạm điện chạy bằng sức gió. Văn hay say sóng lắm, có lần gặp bão lênh đênh mười mấy tiếng trên biển, người nhũn ra đến nước…thà chết còn hơn.

Ấy vậy mà khi tàu cập cảng, mọi ý nghĩ “bàn lùi” đó tiêu tan. Chẳng ngại độ cao, Văn là người phụ nữ duy nhất leo lên trạm tuabin mỗi khi bảo dưỡng hay kiểm tra thiết bị, sự cố.

Văn cười hồn nhiên, giọng trầm ấm: “Khi đứng trên tuabin gió (cao hơn 100 m so với mặt nước biển - PV) nhìn xuống, đảo là cả một màu xanh xinh tươi. Cái cảm giác lạ kỳ đầy hấp dẫn đó khiến mình luôn khát khao ở lại...”.

Trên huyện đảo Thanh niên đầu tiên của cả nước, Văn, Mến và hàng trăm bạn trẻ cùng với trên 2000 người dân đang xây dựng Bạch Long Vĩ thành huyện đảo văn minh, giàu đẹp.

Nâng tầm Bạch Long Vĩ bằng khoa học hiện đại

Ngày 30/10/2004 là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của  Bạch Long Vĩ khi trạm điện chạy bằng sức gió chính thức khánh thành đưa vào khai thác sử dụng với công suất thường xuyên đạt từ 600 - 800KWh, trong khi tổng nhu cầu tiêu thụ của toàn đảo hiện tại là 530 KWh.

Theo chị Đào Thị Vinh - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng - trong 6 năm qua, đã có 7 dự án do TW Đoàn phê duyệt đầu tư như: Xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng khu TNXP; Xây dựng Trung tâm Văn hoá thể thao thanh thiếu nhi; Đóng mới tầu cao tốc vỏ hợp kim nhôm; Xây dựng trạm điện chạy bằng sức gió Bạch Long Vĩ; Xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo và tiểu học; Trồng rừng phòng hộ.

Để có thể tiếp cận và làm chủ các công trình, Tổng đội luôn có chính sách thu hút đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện. Hiện tại, Tổng đội có 2 thạc sĩ bảo vệ đề tài tại Anh và Hà Lan, 56 cán bộ tốt nghiệp đại học, 81 có trình độ cao đẳng và gần 80 TNXP được học nghề thợ bậc 3… Một nửa số đó làm việc cố định hoặc công tác dài hạn tại huyện đảo Thanh niên.

Chuyên gia năng lượng tái tạo, ông Jose Maria Mateu Trepat - Tổng Giám đốc Cty Tucme (Tây Ban Nha) - đánh giá: “Họ là những người tiếp cận và nắm bắt kiến thức hiện đại rất nhanh và hoàn thành tốt những mục tiêu theo yêu cầu của các chuyên gia quốc tế.

Hiện tại, họ đã thành thạo trong việc vận hành trạm điện chạy bằng sức gió đầu tiên của Việt Nam và chỉ 1 năm nữa, họ sẽ làm tốt công việc bảo dưỡng với chuyên môn như chuyên gia các nước tiên tiến”.

Hiện nay, phần đông các hộ dân trong đất liền khi di cư ra đảo thuộc diện nghèo đói, đến nay đã thoát nghèo. Hơn 30% hộ gia đình đã có tích luỹ từ 100 triệu đồng trở lên, 50% số hộ có tàu đánh cá, một số hộ đầu tư mua sắm tàu thuyền, lồng bè trị giá hàng trăm triệu đồng. Trung bình 8 hộ dân có một máy điện thoại và gần 100% hộ có máy thu hình…

MỚI - NÓNG