Trung Quốc:

Khủng hoảng hôn nhân trong thế hệ 'cái tôi'

Khủng hoảng hôn nhân trong thế hệ 'cái tôi'
10 tháng sau khi kết hôn, Li Lei và Wang Yang- những viên chức ở độ tuổi 20, đã quyết định ký vào giấy ly hôn chỉ chưa đầy 20 phút sau khi trả lời “không” đối với tất cả những câu hỏi như “Bạn có con không?” hay “Bạn có tranh chấp về tài sản không?”.

Sự phát triển kinh tế chóng mặt của Trung Quốc đã tạo ra một thế hệ những “ông hoàng” và “bà hoàng”, mà giờ đây đã là những đứa trẻ trưởng thành trong chính sách một con của Trung Quốc. Đây cũng là thế hệ thường đặt cái tôi của họ lên trên tất cả mọi thứ và tất cả mọi người.

Theo các chuyên gia, nhiều người của thế hệ “cái tôi” này không thể duy trì được các mối quan hệ, do họ được ông bà, bố mẹ cưng chiều hết mức.

“Họ tỏ ra yếu kém trong việc duy trì mối quan hệ đồng đẳng, trong việc giao tiếp với những người trong cùng một thế hệ”, giáo sư Fucius Yunlan, một nhà tâm lý được đào tạo ở Mỹ cho biết.

Tự do hơn thế hệ trước, một số cặp vợ chồng chia tay một cách chóng vánh. Nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ sau một tuần hoặc vài tháng.

Chính sách một con của Trung Quốc, theo các chuyên gia, đã tạo ra nhiều vấn đề xã hội, như dân số ngày càng già đi, đổ vỡ của các giá trị gia đình truyền thống.

Đặc biệt hơn, vấn đề này còn được thấy rõ ở tầng lớp thượng lưu và trung lưu Trung Quốc. Ở một số thành phố 1/3 số vụ ly hôn thuộc về thế hệ “tôi” giàu có.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ khó khăn những năm 1950 và 1960, nhiều ông bố bà mẹ đã tranh thủ vùi đầu vào công việc để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái họ. “Tuy nhiên họ lại quên mất không giáo dục tâm hồn cho con”, giáo sư Facius giải thích. 

Nhiều trường hợp, các ông bố bà mẹ trao cho con cái họ tất cả mọi thứ tiền bạc có thể mua được và đặt hi vọng quá cao vào đứa con duy nhất.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, hôn nhân trong giới nhà giàu Trung Quốc cũng dường như là để tích luỹ sự giàu có hơn là nuôi dưỡng tình cảm. Khi có một ai đó có tương lai tốt hơn đến, những cặp vợ chồng như Li Lei và Wang Yang không nghĩ gì hơn khác ngoài việc chia tay.

Đó là lối sống đối lập hẳn với lối sống của cha mẹ họ - những người coi hôn nhân còn như một nghĩa vụ, và ly dị như một điều gì rất đáng xấu hổ. 

“Đố bạn thấy chút bóng dáng ngày xưa nào ở thế hệ này. Trước kia các chàng trai còn không dám chạm vào ngón tay các cô gái trước khi kết hôn”, Gary Xu, 55 tuổi, từng là thành viên đội cờ đỏ dưới thời Cách mạng văn hoá cho biết.

Trong thời của ông Xu, quan hệ trước hôn nhân có thể khiến người ta mất việc ở một nhà máy lớn, hay bị đuổi khỏi một trường đại học danh giá. Hôn nhân có nghĩa là vợ chồng chung lưng làm việc để mua một chiếc TV, một chiếc xe đạp hay chiếc tủ lạnh.

“Bọn trẻ bây giờ bắt đầu mối quan hệ của chúng ngay từ trên giường”, ông Xu nói. “Một thế hệ hoàn toàn khác”.

Ngày nay, sống cùng nhau trước hôn nhân là chuyện bình thường, và quan hệ ngoài hôn nhân cũng dần được nhìn nhận với quan điểm “thoáng” hơn. Một chiếc xe hơi mới, nhập ngoại, một căn hộ hai phòng ngủ là điều kiện đầu tiên cho một cuộc hôn nhân đối với những người giàu có.

Cha mẹ của họ cũng nuôi dưỡng tư tưởng kết hôn với “gia đình đường hoàng”, với tình hình tài chính và một vị trí  xã hội tương đối.

“Nếu bạn kết hôn vào một gia đình giàu có và quyền lực, bạn không cần phải lo nghĩ gì hết bởi mọi thứ sẽ được sắp xếp một cách trôi chảy và hoàn hảo”, một thư ký yêu cầu được giấu tên cho biết. “Đó sẽ là một cuộc sống dễ chịu. Tại sao chúng ta lại phải sống vất vả?”

Ở những thành phố lớn, người ta thấy sự thay đổi đến chóng mặt về giá trị xã hội đối với những người độ tuổi 20.

“Thế hệ này đang phải đối mặt với một thực tế hoàn toàn khác với thời bố mẹ chúng”, giáo sư Fucius nhận xét.

“Chúng là những người nghĩ cho mình nhiều hơn, chứ không nghĩ cho người khác hay xã hội. Cha mẹ chúng tuân theo người trên, theo truyền thống và theo những gì người khác nói. Còn họ, họ lắng nghe chính họ”.

Theo Trang Thu
Dân trí/Reuters

MỚI - NÓNG