'Kiến trúc sư' Trường Sa

Nhóm nghiên cứu ra đảo Sinh Tồn khảo sát
Nhóm nghiên cứu ra đảo Sinh Tồn khảo sát
TP - Nhóm nhà khoa học trong và ngoài quân đội do Đại tá, GS - TS Hoàng Xuân Lượng đứng đầu đã hoàn thành xuất sắc đề tài khoa học cấp nhà nước 'Nghiên cứu các chỉ tiêu kỹ thuật của nền san hô và tương tác giữa kết cấu công trình và nền san hô phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Trường Sa'.

> Trao bằng tốt nghiệp cho 342 tân kỹ sư quân sự

Nhóm nghiên cứu ra đảo Sinh Tồn khảo sát
Nhóm nghiên cứu ra đảo Sinh Tồn khảo sát.
 

Đề tài do Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì đã hoàn thành sau 3 năm với nhiều chuyến đi thực địa Trường Sa của các nhà khoa học.

Cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa vốn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Đã có nhiều công trình nghiên cứu nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lính nơi hải đảo. Tuy nhiên, việc nghiên cứu địa chất về san hô ở Trường Sa còn là vấn đề mới, chưa có những tổng kết toàn diện. Mùa biển lặng 2007, nhóm nghiên cứu bắt đầu những phần việc đầu tiên.

Đại tá Hoàng Xuân Lượng cho biết, các đảo ngoài khơi phần lớn là đảo nhỏ, san hô phân bố theo cụm, tạo lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ biển Việt Nam, trấn giữ đường biên giới biển và góp phần to lớn trong việc giữ vững an ninh quốc phòng. Theo Đại tá Lượng, cùng các công trình nghiên cứu khác về Trường Sa, đề tài này góp phần đảm bảo độ bền vững, tính ổn định của những công trình phòng thủ đảo.

Theo Trung tá, PGS-TS Nguyễn Thái Chung (Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học vật rắn, Khoa cơ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự, thư ký đề tài trên), đặc điểm nổi bật của công trình biển đảo nói chung là xa đất liền, điều kiện đi lại và thi công khó khăn, luôn chịu các loại tải trọng phức tạp và môi trường khắc nghiệt. Vì điều kiện khảo sát khó khăn và nguy hiểm nên việc động viên đội ngũ cán bộ khoa học tham gia thực hiện đề tài cũng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, có công trình, do yêu cầu tác chiến, chính trị nên phải tính toán, thiết kế và thi công trong thời gian ngắn, trong khi đó số liệu về san hô và nền san hô làm đầu vào cho tính toán, thiết kế và thi công trên đảo thường hạn chế và chưa thực sự chính xác. Do đó, nghiên cứu xây dựng được bộ chỉ tiêu kỹ thuật và xem xét tính tương tác giữa kết cấu công trình và nền san hô phục vụ lĩnh vực xây dựng công trình là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa lớn.

Với khối lượng công việc lớn và quan trọng, nhóm nghiên cứu dồn tâm sức thực hiện đề tài trong thời gian sớm nhất. Tháng 2-2010, đề tài hoàn thành trước thời hạn 2 tháng so với kế hoạch. Về mặt khoa học, đây là lần đầu tiên có được bộ chỉ tiêu kỹ thuật của nền san hô và tương tác giữa kết cấu công trình và nền san hô của một số đảo điển hình thuộc quần đảo Trường Sa.

Xây dựng bộ số liệu về tính chất cơ lý của san hô và nền san hô của vùng quần đảo Trường Sa phục vụ xây dựng dự án tiền khả thi và thiết kế khả thi các công trình dân sinh và quốc phòng trên vùng quần đảo. Bộ số liệu được xây dựng từ khảo sát, thí nghiệm đảm bảo độ tin cậy và khai thác, tổng hợp tài liệu của các đề tài trước.

Công trình nghiên cứu được Bộ Tư lệnh Hải quân đánh giá cao về ứng dụng thực tiễn. Những số liệu nghiên cứu cũng được cung cấp cho Phòng công binh Hải quân để ứng dụng vào tính toán thiết kế, thi công các công trình trên đảo như bờ kè bảo vệ, hệ thống hầm hào, tạo môi trường xanh sạch, giúp bộ đội có điều kiện sinh hoạt tốt hơn...

Với thành công trên, các thành viên của nhóm nghiên cứu đều được gọi là kiến trúc sư Trường Sa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG