Kinh tế ảm đạm, rủ nhau đi học

Kinh tế ảm đạm, rủ nhau đi học
Thời khủng hoảng là lúc định giá lại bản thân tốt nhất, ai giỏi vẫn trụ vững, ai kém sẽ thất nghiệp. Và nhiều bạn trẻ bị mất việc làm đã tìm đến giảng đường để "xây nhà từ móng".

Ăn vội bát cơm chiều, Thanh Thúy dắt xe ra khỏi ngôi nhà 12A, ngõ 100 Tây Sơn, Hà Nội để đi học thêm tại ĐH Kinh tế quốc dân. Làm việc vật vờ tại một công ty chứng khoán (do thị trường quá ảm đạm), Thúy quyết định dành thời gian đi học thêm về quản trị kinh doanh tại ĐH Kinh tế quốc dân.

Thúy giải thích: "Hồi cuối năm 2007, bọn mình làm tối mắt, thở còn chưa kịp chứ đừng nói xin sếp đi học. Với lại khi đó, một ngày làm việc có lúc được tới 400 - 500 ngàn đồng, chưa kể các thu nhập ngoài. Nhưng giờ thì khác, nếu không đi học thì cũng chả biết làm gì. Đây là lúc tốt nhất để học".

Trần Minh Phương ở F8, ngõ 262 đường Nguyễn Trãi, Hà Nội làm việc cho Công ty địa ốc Vietlan ở Hoàng Cầu. Tháng 2 vừa qua, Phương thất nghiệp. Thời điểm này, Phương hằng ngày dịch bài cho một tạp chí giải trí sắp ra đời, tối tối, cô đến lớp học thêm một khóa đào tạo về marketing.

"Thời kỳ suy thoái rồi cũng sẽ kết thúc. Nhưng lúc suy thoái là lúc mình nhìn lại bản thân dễ nhất. Bạn sẽ thấy rằng mình thiếu cái gì, thị trường nhân lực cần cái gì. Thời điểm khó khăn này nhưng tôi thấy vẫn có những bạn được trả lương hơn một ngàn USD/tháng. Vì vậy tôi nhận ra mình cần phải đa năng hơn.

Nếu chỉ có bằng báo chí, rồi đi làm PR, rồi học vài khóa ngắn hạn về địa ốc để làm môi giới thì không ổn. Đó chỉ là ăn xổi. Học thêm về marketing, đầu năm 2010 kinh tế phát triển mạnh trở lại, tôi sẽ nộp hồ sơ vào các công ty về marketting dự án bất động sản chuyên nghiệp, từ đó tôi sẽ phát triển tốt hơn".  

Du học để chờ thời

Đã có ý định đi du học từ lâu, Phạm Mỹ Hạnh, tốt nghiệp báo chí năm 2007, làm biên tập viên cho một công ty truyền thông tại Hà Nội vẫn chưa "dứt áo" ra đi, phần vì tiếc công việc đã làm từ thời sinh viên, phần vì chi phí du học quá lớn. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm suy thoái kinh tế, Hạnh suy nghĩ lại.

Cô giải thích: "Nếu ở lại thì cơ hội được tăng lương hay làm những công việc yêu thích là không có. Trong khi đó, nếu đi học khoảng 1 đến 2 năm để qua thời khủng hoảng, thì cơ hội trong tương lai sẽ nhiều hơn. Đi học trong thời điểm này sẽ không thấy nuối tiếc công việc hiện tại, vì thực tế hiện tại cũng đâu có tốt".

Còn Hoàng Trang (ở Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) - người chuẩn bị bỏ một công ty chuyên phân phối sản phẩm viễn thông để du học Anh, cho biết:

"Tháng 9 năm ngoái, 36.000 đồng mới đổi được 1 bảng Anh, còn hiện tại chỉ mất khoảng 26.000 đồng. Tôi du học tự túc, bình thường sẽ mất khoảng gần 600 triệu đồng cho một năm, hiện tại chỉ mất chừng 400 triệu. Như vậy cũng đã tiết kiệm được gần 200 triệu rồi, đi làm 1 năm trong thời buổi này cũng khó có thể đạt được mức đấy".

Tuy vậy, với nhiều bạn, lựa chọn thời điểm này cũng có chút mạo hiểm. Phạm Mỹ Hạnh lưu ý: "Với sinh viên du học, làm thêm là nguồn sống quan trọng. Nay do suy thoái kinh tế, kiếm việc làm thêm khá khó khăn, lương thấp. Do đó, mình phải mang tiền từ nhà đi là chính, cũng may mà lãi suất thấp nên cũng không đến nỗi căng về tài chính lắm. Dù sao đi học cũng là đầu tư, bây giờ mình đầu tư cho học hành để chờ ngày... tái xuất giang hồ".

Anh Mai Thanh Long, Giám đốc Trung tâm đào tạo đồ họa động Omega trực thuộc Đại học FPT cho biết: Trong thời kỳ khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì tuyển nhiều nhân viên, họ muốn tuyển những người đa năng, có thể làm được nhiều việc. Ví dụ vừa làm PR, vừa làm tiếp thị, vừa có thể thiết kế sản phẩm... 

Theo Hồng Minh - Thanh Phong
Thanh Niên

MỚI - NÓNG