Kỳ diệu chuyện tình tái hợp sau 39 năm

Kỳ diệu chuyện tình tái hợp sau 39 năm
TP - Họ như bị thôi miên, không thốt lên được lời nào, rồi từ trong sâu thẳm trái tim, hai tiếng gọi cùng một lúc bật lên: Hồng – Anh Xuyến. Họ lao về phía nhau. Và một cuộc đoàn tụ, một kết thúc tốt đẹp đến ngỡ ngàng.

Tạo điều kiện cho mũi chính diện vượt sông Thạch Hãn vào giải phóng Quảng Trị, Trung đoàn Triệu Hải được giao nhiệm vụ đánh vào sườn đông nam chiếm Thanh Hương, Gia Hội, giải phóng thị trấn Hải Lăng.

Sau khi chiếm được cao điểm 544, đồng chí Nguyễn Bá Xuyến, đại đội trưởng C3, D2 được giao nhiệm vụ  điều nghiên hướng tấn công. Hằng đêm, anh cùng liên lạc vượt sông vào vùng địch hậu. Đón anh là cô du kích rất trẻ.

Đêm ấy, khi vừa qua sông, họ bị rơi vào ổ phục kích. Trận đánh không cân sức diễn ra. Đồng chí liên lạc hy sinh, anh chị vừa đánh vừa rút xuống hầm bí mật. Bọn địch lùng sục rồi lập chốt gác ngay trên căn hầm. Suốt 3 ngày địch không rút.

Ở dưới hầm, hai người chỉ còn 2 quả lựu đạn và 3 băng đạn. Họ quyết định xông lên. Trước giờ quyết tử, họ thổ lộ tình cảm và trao nhau nụ hôn nồng cháy và những gì quý giá nhất của mình. Chị quàng lên vai anh chiếc khăn rằn miền Nam thêu chữ Hồng. Anh đội lên đầu chị chiếc mũ tai bèo có chữ Xuyến.

12 giờ đêm, khi địch chìm vào giấc ngủ, họ bật nắp hầm xông lên, tung lựu đạn vào đội hình địch. Tiếng la hét vang lên, đạn nổ chát chúa, súng bắn loạn xạ. Anh Xuyến không hiểu sao mình thoát chết trước lưới đạn dày đặc của kẻ thù. Trong đêm anh vượt sông về đơn vị và nghĩ: “Hồng đã hy sinh cứu mình”.

Ngày 30/3/1972, chiến dịch giải phóng Quảng Trị bắt đầu. Ta và địch giằng co từng ụ pháo, đoạn hào. Địch tăng viện binh quân ta bị đánh bật xuống. Anh kẹt lại lúc trời nhá nhem tối liền giấu mình trong ngôi nhà nát. Khi trăng lưỡi liềm khuất, anh trườn đến bên tên lính gác có khẩu đại liên, hạ hắn bằng dao găm, tung 2 quả thủ pháo vào căn nhà bạt chỉ huy.

Căn nhà bị xé toạc, tiếng la hét hỗn loạn. Đúng lúc đó, một quả thủ pháo địch bốc anh khỏi mặt đất. Khắp người anh đầy máu. Đồng đội chuyển anh về tuyến sau ra Bắc. Vừa lành vết thương, anh xin vào mặt trận và được điều trở lại chiến trường xưa...

Năm 1989, anh về hưu với chứng nhận thương binh 33%. Thời gian tại ngũ, nhiều lần anh được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng…

Ở hai đầu nỗi nhớ

Về quê, anh lần lượt giữ một số chức vụ quan trọng của thị trấn Cầu Giát (Nghệ An). Chiếc khăn rằn kỷ vật anh đặt trang trọng giữa những huy hiệu, huy chương hằng ngày thắp hương tưởng nhớ người đồng đội đã hy sinh.

Kỳ diệu chuyện tình tái hợp sau 39 năm ảnh 1
Bắc và vợ trong ngày cưới

Năm 2006, ông Xuyến xin nghỉ tất cả việc xã hội để thực hiện ý nguyện ấp ủ lâu nay: Đi tìm phần mộ chị Hồng.

Còn chị Cáp Thị Hồng, sau khi thoát khỏi vòng vây địch đã dò tìm tin tức anh nhưng càng tìm càng mất hy vọng.

Phút giây ngắn ngủi họ trao nhau trong đêm lịch sử ấy đã kịp kết thành một cậu con trai... Chị đặt tên cháu là Bắc để nhớ về quê bố và ở vậy nuôi con, lập bàn thờ đặt chiếc mũ tai bèo lên thay ảnh.

Trên mảnh đất Hải Lăng cát bỏng, chị nuôi Bắc ăn học, phấn đấu trở thành cán bộ huyện. Chị đã cùng con đến Sở LĐTB&XH các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… lần theo tất cả những địa chỉ các liệt sỹ có tên là Xuyến thắp cho anh nén nhang và con được nhận họ nhưng vô vọng.

Nước mắt ngày hội ngộ

Kỳ diệu chuyện tình tái hợp sau 39 năm ảnh 2
Cháu ông Xuyến (con anh Bắc)

Mùa xuân 2007, cựu chiến binh Trung đoàn Triệu Hải Anh hùng tổ chức hành hương về chiến trường xưa. Ông Xuyến cũng kết hợp lên kế hoạch cho một cuộc đi tìm. Ngày 30/4/2007, ông cùng đồng đội đến đài tưởng niệm Thành cổ đã thấy một phụ nữ mái tóc hoa râm chắp tay đứng lặng tự bao giờ.

Sau một phút, bà quay lại với đôi mắt đỏ hoe, đẫm nước mắt. Ông Xuyến bàng hoàng không dám tin ở mắt mình. 39 năm trôi qua, nhưng nét thân quen vẫn khắc sâu trong tâm trí ông.

Người phụ nữ ngước lên nhìn thẳng vào ông. Chiếc khăn rằn vẫn còn trên cổ ông. Họ lặng đi  không thốt lên được lời nào. Rồi hai tiếng gọi bật ra cùng lúc: Hồng – Anh Xuyến! Họ lao về phía nhau.

Ông bà đưa nhau về nơi năm xưa xảy ra trận quyết tử. Đến thôn Trà Trì, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, nơi bà ở với con trai, con dâu và đứa cháu trai. Cha con, ông cháu ôm lấy nhau trong niềm hạnh phúc. Rồi họ đưa nhau về xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thăm gia đình và quê hương ông.

Chiến tranh đã gây ra bao đau thương mất mát nhưng vẫn còn đó những điều kỳ diệu – điều kỳ diệu của những người chiến thắng.

MỚI - NÓNG