Kỳ nhân Trà Cang

Kỳ nhân Trà Cang
TP – “Anh tìm ai?”. “Anh Mai đài truyền thanh”. Tôi ới anh Mai có khách. Bảy giờ sáng mà sương còn kín đặc thung lũng, bay la đà ngoài cửa càng làm u òa cái nhìn của tôi về người thanh niên đang đứng trước mặt.

Ốm tong. Cái nhìn trong veo, ngơ ngác như căn tính của người miền núi.

Tôi kéo áo anh Mai xin phép về vì xe từ Tăkpor về đồng bằng, ngày chỉ có hai chuyến. “Vội chi cũng từ từ, mi không biết nghệ sĩ ni à?”. Trực giác trong tôi bừng lên, tôi hỏi đại “ông Thập ở Trà Cang?”. “Không sai”. Trời giúp tôi rồi.

Lên Trà My chuyến này, tôi âm mưu nếu đường không sạt lở, sẽ tìm anh, nhưng đêm qua bàn đi tính lại với anh em ở đài, cuối cùng đành tặc lưỡi tháo lui bởi bão số 9 vừa tan, đường đi gian nan lắm vả lại không hẹn chắc gì gặp, bà con đi rẫy, đi săn rồi la đà đâu đó...

Trong một chuyến đi từ Trà Linh về, Hoàng Thọ, phóng viên đài huyện đã chỉ tôi nơi xa mù kia là làng Măng Tó, thôn 2 Trà Cang, là chỗ anh Hồ Văn Thập – tay chế tạo đàn nức danh miền tây Quảng Nam.

“Hồi mười tuổi mình đã  biết làm đàn đá đuổi con thú trên rừng. Còn làm đàn T’rưng thì dễ, mình đã làm 25 cái, bán hết rồi. Nhưng mình sống được, có tiền giúp vợ con là nhờ sửa thanh la, cồng chiêng.

Anh Thập xuống thị trấn để đón xe về tỉnh, chuẩn bị ra Hà Nội đánh đàn nhân Tuần lễ văn hóa Quảng Nam tổ chức tại thủ đô mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long. Mấy hôm sau gặp anh Thập ở bảo tàng tỉnh, tôi nghe anh Trần Tấn Vịnh, giám đốc bảo tàng nhắc “anh cứ đánh mấy bài về rừng núi, làng, nóc mình là ngon rồi. Phen ni mình đem ra Hà Nội món đặc sản là đàn đá đấy”. “Có chứ, đây là bài của mình…”.

Nói vừa dứt, hai chiếc búa trong tay anh vung lên. Mặt đá mỏng manh bất động vô tri đột ngột ngân nhịp trong và vang, thứ sắc nhịp của đá già không biết bao nhiêu tuổi, ủ trong mình khí chất vui sống. Mấy anh em gần đó đang làm việc, bỏ máy vi tính, chạy lại xúm quanh.

Anh  Mai bảo “hôm mới xuống huyện, nó đánh bài “Tiếng đàn Ta Lư”, tau thất kinh”. Ôi, chốn văn nghệ, thế giới vô hình vô ảnh, lắm người tưởng là tài nhưng khi chán chê nghiền xẻ ra xem thì khối người thiếu... khiếu, mà khiếu đâu phải do luyện mà thành, bởi đó là thứ  trời ban. Chợt ngộ ra một điều, ở những làng khuất nẻo chân mây bao giờ cũng có những kỳ nhân nghệ thuật. Họ như được làng chọn sinh ra để làm cái việc làng giao phó là bày trò chơi cho cả làng.

Tại miền tây Quảng Nam, đẽo tượng, vẽ tranh ở Tây Giang có ông Briu Pố, chơi đàn hát lý có Clau Blao, Clao Nâm xã Tr’Hy, nhưng tay nghề màu sắc đạt đến độ thiên hạ phải nghiêng mình thì phải kể đến họa sĩ Ketic ở A Xan. Khi thấy tác phẩm của một người cả đời chưa ra khỏi làng này, các họa sĩ đồng bằng trố mắt. Vùng   dưới thấp này có ông Avel xã Ba Lê chế tạo đàn. Bên phía tây nam là có anh Thập.

Kỳ nhân Trà Cang ảnh 1
Hồ Văn Thập chuẩn bị lên đường ra Hà Nội biểu diễn đàn đá. Ảnh: Tr.V

“Hồi mười tuổi mình đã  biết  làm đàn đá đuổi con thú trên rừng. Còn làm đàn T’rưng thì dễ, mình đã làm 25 cái, bán hết rồi. Nhưng mình sống được, có tiền giúp vợ con là nhờ sửa thanh la, cồng chiêng.

Mười tám tuổi mình đã theo bố đi làm thuê nghề đó rồi. Sau đó chia ra bố làm ở Trà My, mình lên Tây Nguyên”. Món sửa tiếng cho cồng, chiêng, thanh la này cũng là chuyện lạ. Các cơ sở sản xuất cứ đúc ra, các làng mang về. Một khuôn như nhau, trong khi cồng chiêng thanh la, tộc người này đánh không giống tộc kia, âm thanh cũng khác bởi nó cõng trên mình một vốn liếng văn hóa khác gởi trong đó, vì thế mới có chuyện sửa tiếng cho hợp với thần thái âm điệu làng mình.

Xa xưa, làng nào cũng có một người làm việc đó. Thời gian đã lặng lẽ cuốn trôi hết. “Mình lên Tây Nguyên, sửa cho người ta, lúc đầu mình nghe để biết âm thanh cồng chiêng cũ họ đánh ra sao, biết thế nào là đúng, sau đó đem bộ mới mua ra đánh, mấy phút sau là mình biết ngay nó sai ở đâu. Lễ vật cho một lần sửa một bộ 5 cái là 100 ngàn, hoặc con heo mấy gang. Họ nhớ mình lắm, khi nào chiêng họ tắt tiếng, họ lại xuống tìm mình”... 

Nhớ lúc anh ngồi mệt mỏi, phong phanh gió lạnh. Đón xe xuống tỉnh đi làm nhiệm vụ đặc biệt theo lời mời của Sở VHTT&DL mà không một xu dính túi, anh Mai phải rút tiền đưa. “Bão quật nát hết bắp, ướt hết lúa, đói rồi. Nhà thì bay, sách vở con cái thì ướt, cực lắm, mùa này đến tết không biết lấy gì ăn”.

Số kiếp những kẻ tài hoa. Vang lên trong tôi cái câu “phong vận kỳ oan ngã tự cư”. “Bố mình chỉ biết làm đàn nước, còn mình biết làm thêm đàn kìm, nhị, bầu. Đàn đá lúc đầu mình không biết đâu. Nghe radio tả chiếc đàn đá, họ mở nhạc mình nghe, chỉ một lần thôi, là mình nhớ”. Thế là hành trình tìm kiếm, chế tác đàn đá bắt đầu.

Như bao danh sĩ dân gian khác, anh không biết nhạc lý, không hề qua một trường, lớp nào. “Mình tìm cả năm mới được 12 viên đá, đủ 12 bậc âm thanh khác nhau. Tiếng phát ra phải hay và tròn. Đá đen là tốt nhất. Năm ngoái đi rẫy, mình tìm được mảnh đá dài 1 mét, mừng quá trời. Khó tìm đá lắm. Cả quả đồi đá, tìm mấy tháng trời không được một miếng ưng ý.

Làm đàn xong mất hai tháng. Khi trên Gia Lai họ mời mình đi sửa chiêng, thấy đàn đá của người Tây Nguyên có khác chi mình đâu”. “Ai dạy anh đánh?”. “Có ai đâu, ai biết mà dạy, tự nghĩ ra nhạc thôi, mấy bài quen thuộc của người Kinh thì mình nghe đài, nhớ nhịp và âm thanh rồi tự mày mò đánh thôi. Chiếc đàn đem ra Hà Nội đánh lần này, bảo tàng giữ lại. Mình về phải tìm đá chế chiếc khác thôi”.

Nhẹ nhàng như khói thuốc, như cái nhìn đầy sương. Áo quần cáu bẩn, dép lê đen ngòm bùn bụi. Nói xong rồi đi. Đầu hơi chúi xuống, chân bước theo lối tuyến tính - dáng đi của những người chuyên vượt dốc, một đời bám rẫy lên nương. Anh mất hút trong sương, còn lại vẳng trong tôi lời anh Mai “người có đôi tai thẩm âm bậc thầy”.

Hôm kia mở kênh truyền hình Hà Nội, thấy truyền hình trực tiếp lễ hội trên, cũng cái dáng anh lặng im cúi xuống mặt 12 viên đá để những thanh âm trầm bổng như gói hết hồn núi rừng bừng lên.

Một tuần sau, sáng sớm đã nghe điện thoại réo, đầu dây bên kia, giọng lơ lớ quen thuộc của những người lênh đênh dưới chân Trường Sơn “mình về đây”. Nói thế rồi lặn mất. Chắc là phải về lo cái rẫy bị chim chuột ăn hết, lo cho mùa giáp hạt đói  xám xanh...

MỚI - NÓNG