“Kỹ sư nhí” và chiếc máy chế biến sắn

“Kỹ sư nhí” và chiếc máy chế biến sắn
TP - Nhiều người cho rằng, cậu bé mới 15 tuổi ở nơi xó rừng sao có thể sáng chế được chiếc máy chế biến sắn, vừa nạo vỏ, vừa thái sắn, vừa ruôi sắn thành sợi được?
“Kỹ sư nhí” và chiếc máy chế biến sắn ảnh 1
Hà Hoài Nam và máy chế biến sắn

Chỉ khi Nam được tặng giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2006, được truyền hình T. Ư tường thuật lễ trao giải tại Hà Nội thì người ta mới tin đó là sự thật.

Niềm vui ở xóm vắng

Xóm Đầm Vông (xã Âu Lâu, Trấn Yên, Yên Bái) có 64 hộ dân, bỗng vui hẳn lên khi nghe tin cháu Hà Hoài Nam (sinh năm 1991) vừa bước vào ngưỡng cửa trường THPT đã nhận được Huy chương Vàng cuộc thi sáng tạo dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng do T.Ư Đoàn, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ đồng tổ chức.

Ngoài Huy chương Vàng, Nam còn được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo và Bằng khen của T.Ư Đoàn, huy hiệu của Quỹ VIFOTEC và 5 triệu đồng tiền thưởng.

Tin Nam nhận giải thưởng ở Hà Nội được loan truyền khắp xã, truyền sang cả trường THPT Lý Thường Kiệt, nơi Nam vừa nhập học. Đây là lần thứ hai Nam nhận giải thưởng cuộc thi. Năm 2005, Nam với bạn cùng sáng chế rôbôt điều khiển bằng điện đoạt giải 3 với tiền thưởng 1,5 triệu đồng.

Khách tới nhà Nam đều thốt lên: “Không ngờ ở nơi heo hút này, không có bất cứ điều kiện thuận lợi nào, mà cháu vẫn say sưa sáng tạo thành công máy móc có tính ứng dụng thiết thực với đời sống, thật đáng trân trọng, biểu dương”. Với đoạn đường từ quốc lộ vào nhà Nam dù phải qua hơn một chục khúc cua ngoặt theo lối mòn ven đồi đất đỏ, nhưng ai cũng thấy vui niềm vui của Nam và gia đình.

Cậu bé nghịch ngợm

Bà nội Nam nói: “Cháu nghịch từ bé. Đã phá hỏng mấy chiếc đài của ông cháu. Hễ không để ý là nó tháo ra chọc ngoáy. Ông nội cháu khi còn sống vẫn mắng yêu nó là thằng “phá hoại”. Nhưng nó có thể làm được những việc rất đáng kể sau này”.

Đúng lời ông nội nói, Nam mầy mò thu gom sắt vụn và các linh kiện ở những chiếc đài và đầu đĩa đầu băng hỏng về lắp ráp thành những đồ chơi khiến cho bạn bè ngạc nhiên. Năm 2005, đúng ngày giỗ ông nội, Nam nhận được giấy mời đi lĩnh giải thưởng. Nam mừng lắm và ra mộ ông khấn báo với ông về thành công bước đầu. Về Hà Nội nhận thưởng xong, Nam còn được cùng các bạn đoạt giải chụp ảnh chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 2005 lĩnh thưởng về, Nam nảy ra ý định chế tạo chiếc máy chế biến sắn để giải phóng sức lao động, trước tiên cho cha mẹ. Bởi vùng quê Nam còn nghèo đói, vẫn phải dùng đến sắn trong các bữa ăn và dùng chăn nuôi gia súc. Nhìn mọi người vẫn phải bóc sắn bằng tay chậm chạp càng thôi thúc Nam thực hiện ý tưởng. Nam vẽ hình mẫu kỹ thuật và tìm vật liệu đến các xưởng thuê hàn và lắp ráp.

Vì phải thi chuyển cấp nên cha mẹ Nam khuyên Nam tập trung học hành. Nhưng Nam quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình và vẫn đảm bảo thi đỗ vào trường THPT. Trải qua 2 tháng rưỡi, với vật liệu gom từ sắt vụn và phụ kiện rẻ tiền, gia công hết 3,5 triệu đồng, tháng 7/2006 việc chế tạo chiếc máy chế biến sắn đã thành công.

Nhà Nam rất nghèo. Cha làm công nhân Đội giao thông và dịch vụ huyện Trấn Yên, lương rất thấp, mẹ là nông dân, thu nhập không đáng kể. Vượt lên nghèo khó, cha mẹ Nam khuyến khích Nam sáng tạo. Chị Nguyễn Thị Bình, mẹ Nam kể: “Năm ngoái xem thông báo trên tivi về cuộc thi do T.Ư Đoàn tổ chức, cháu xin 100 ngàn để làm rôbôt dự thi.

Tôi mang từng cân chè đi bán, nhưng phải chi tới 453 ngàn mới đủ mua các phụ kiện hoàn thiện được chiếc rôbôt, nó có thể chuyển dịch sang trái sang phải, lại cầm được cả bút. Mang rôbôt về 64 Bà Triệu nộp, cháu điều khiển cho rôbôt đi trong phòng, mọi người động viên cháu, ở tỉnh miền núi xa xôi mà làm được như vậy thật đáng quý”.

Cậu bé nghịch ngợm đã cao tới 1,72 mét, nói chưa vỡ tiếng, rất e dè khi tiếp chuyện với khách. Nam cho biết sẽ làm chiếc máy chẻ quế. Vì vùng này nhiều nhà trồng quế, bóc chẻ quế rất vất vả. Đấy là điều Nam mong ước.

MỚI - NÓNG