Làm bạn với người điên

Anh Hảo (trái) trò chuyện với bệnh nhân. Ảnh: H. Văn
Anh Hảo (trái) trò chuyện với bệnh nhân. Ảnh: H. Văn
TP - Đó là hình ảnh của những người trẻ làm công việc chăm sóc, nuôi dưỡng 500 bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần Hoài Nhơn (Bình Định).

Trung tâm nằm khuất trong con ngõ thuộc thôn xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn. Sáng sớm, đám người chạy nhảy la hét ngoài sân, có người ngồi thu lu một mình, người nói lảm nhảm. Những ánh mắt ngơ ngáo, vô hồn. Anh Võ Khánh Hảo, nhân viên trợ giúp của Trung tâm đáp lại bằng nụ cười hiền, nhẹ nhàng “rỉ tai” từng người, dẫn người này ra chỗ đánh răng rửa mặt, người kia xếp mùng mền. Những khuôn mặt vừa mới dữ dằn bỗng cười tươi, ngoan ngoãn nghe lời.

“Có bí quyết gì đâu, tôi chỉ khen, nịnh vài câu. Ngó dữ dằn vậy nhưng tâm hồn thì như những đứa trẻ muốn được cưng nựng”, anh Hảo giải thích. Nói là vậy, nhưng trước đó, anh phải mất một thời gian dài trò chuyện, tiếp xúc để nắm rõ bệnh lý, tâm tư của từng người. Không ít lần anh bị rượt chạy hay hứng những cú đòn như búa bổ.

“Những bệnh nhân tâm thần thường trải qua một tai nạn, chấn động nào đó về tâm lý. Họ hung dữ, nổi nóng nhưng có tỉnh táo lại hiền như đất. Khi có cảm tình với mình rồi thì họ chia sẻ nhiều lắm”.

Anh Võ Khánh Hảo

Năm 2009 tốt nghiệp chuyên ngành chăm sóc người khuyết tật, ĐH Lao động - Xã hội tại TPHCM, Hảo nộp đơn vào Trung tâm. Cũng không khỏi băn khoăn, khi một thanh niên trẻ lại gắn bó với “thế giới người điên”. “Lúc đầu cũng run dữ lắm” - anh Hảo thật thà. Nhưng càng ngày anh càng thấu hiểu, cảm thông với những số phận, càng thương những nụ cười ngô nghê. Rồi như một thiên duyên, anh gặp một nửa của mình ở đây rồi nên duyên vợ chồng. Chị Đinh Thị Kim Cúc - vợ anh hiện là nhân viên y tế tại Trung tâm.

“Nhiều người cứ chọc bảo nói chuyện hoài với người điên rồi cũng dễ…điên theo à”. Điên thì không, nhưng những câu chuyện cuộc đời của các bệnh nhân khiến anh xúc động và nhiều ám ảnh. Một thanh niên khỏe mạnh thích chơi bóng đá, sau một tai nạn bị teo cơ và ảnh hưởng thần kinh phải vào đây điều trị. Một thợ hồ chất phác, chỉ sau một cuộc lai rai quá chén dẫn đến tai nạn giao thông rồi chân tay bị liệt, đầu óc không còn tỉnh táo, suốt ngày la hét, quát tháo khi gặp bất kỳ ai. Phải mất thời gian dài “chịu trận”, Hảo mới được ngồi nói chuyện như một người bạn.

28 tuổi, Nguyễn Thị Thu Hảo (quê xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) đã có 7 năm công tác tại Trung tâm, chăm sóc cho 177 bệnh nhân nữ tâm thần. Tốt nghiệp ngành Lao động tiền lương bảo trợ xã hội, nhưng không thể xin được việc làm đúng chuyên ngành. “Lúc đầu mình cũng chỉ định kiếm một công việc để có thu nhập, nhưng giờ thì gắn bó với nghề rồi, khóc cười mãi cùng nhau rồi sinh yêu thương” - chị Hảo thật thà.

Chăm sóc, nhắc nhở ăn, ngủ đúng giờ, giúp bệnh nhân uống thuốc, vệ sinh thân thể, xếp mùng mền… là công việc chung của chị Hảo và 25 đồng nghiệp. Cuốn sổ của chị Hảo ghi chi tiết tiểu sử, bệnh án, bệnh lý, biểu hiện của từng bệnh nhân. Còn chị lại lưu trong đầu cả những số phận, cuộc đời vừa đáng thương lại rất đáng yêu. Những cái nắm tay chặt, kéo sát lại ngồi nói đủ chuyện. Những cái ôm chặt, khóc rấm rứt của người mẹ nhớ con, nhớ gia đình. Những lời chào, tiếng cười ngô nghê như con trẻ...

MỚI - NÓNG