Làm báo giữa áp lực cạnh tranh

Làm báo giữa áp lực cạnh tranh
TP - Trước sự cạnh tranh gay gắt về thông tin giữa nhiều cơ quan thông tấn báo chí, nhà báo cần phải làm gì để đạt được sự chính xác, hấp dẫn và đặc biệt là có được những nét riêng trong tác phẩm báo chí  phục vụ bạn đọc?
Làm báo giữa áp lực cạnh tranh ảnh 1
Các phóng viên đang tác nghiệp

Tiền phong đã đi tìm câu trả lời từ một số nhà báo đã ít nhiều có được sự thành công trong nghề báo về vấn đề này.

Thận trọng, thận trọng và thận trọng!

Với loạt bài (3 kỳ) phóng sự điều tra “Núi vàng” công sản đang bị sử dụng lãng phí ra sao”, Phạm Trường -  báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt giải nhất (nhóm 3 - phim tài liệu, phóng sự, điều tra) giải báo chí TP HCM lần thứ 25.

Tác nghiệp thực hiện tác phẩm này, Phạm Trường đã gặp không ít khó khăn. Anh tâm sự: Trong thời điểm đó, Chính phủ cũng như thành phố đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm. Được toà soạn phân công thêm mảng chống tham nhũng nên tôi nghĩ viết loạt bài trên để bảo vệ tài sản của Nhà nước, lợi ích của xã hội là cấp thiết.

Khó khăn đầu tiên là không ai biết chính xác số đất đai, nhà xưởng do các bộ ngành, cơ quan đơn vị quản lý tại thành phố đến thời điểm này là bao nhiêu, đã và đang được sử dụng cụ thể như thế nào. Ngay bản thân các cơ quan chức năng của thành phố hay Trung ương cũng không nắm được toàn diện, đầy đủ.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành quyết định 80 sắp xếp lại nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước (gọi tắt là Ban chỉ đạo 80), nhưng những năm qua việc thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều đơn vị vì lợi ích riêng mà không báo cáo, kê khai. Thậm chí, không ít tài sản trong số đó, bằng cách này hay cách khác, người ta đã biến thành tài sản cá nhân.

Riêng những tài sản của Nhà nước thì tình trạng cho thuê rất phổ biến. Hầu hết các cơ quan đều cho thuê mặt bằng, mặc dù việc cho thuê đó phần lớn không đúng chức năng, quy định của Nhà nước. Vấn đề đặt ra là lợi nhuận (từ việc cho thuê nhà xưởng, đất đai) rơi vào túi ai?

Làm báo giữa áp lực cạnh tranh ảnh 2
Nhà báo Phạm Trường

Trụ sở các bộ, ngành tìm thì dễ, nhưng để biết mỗi bộ ngành có bao nhiêu mặt bằng, diện tích, được sử dụng như thế nào lại là một vấn đề. Dĩ nhiên khi đến các cơ quan đó thì chẳng ai cung cấp thông tin cho mình, vì nó đụng đến lợi ích của đơn vị, thậm chí cá nhân họ.

Tôi đã gõ cửa các đơn vị quản lý hành chính trên địa bàn nhưng vì nhiều lý do tế nhị mà phần lớn họ cũng đều né tránh. Phường “đá” lên quận, quận lại “đá” qua sở, sở lại đổ lên bộ. Điều này làm tôi thật sự thất vọng.

Tôi đành phải bắt đầu từ một việc làm hết sức… thủ công. Tôi nghĩ cơ quan nào cũng có một danh bạ điện thoại chung, trong đó sẽ có danh sách các đơn vị trực thuộc, có thể không đầy đủ nhưng tương đối. Từ đấy tôi lần ra được các địa điểm, đến xem hiện trạng, rồi mới tìm cách… điều tra về nó. Để có thể có đủ cứ liệu cho loạt bài viết, tôi đã mất hơn một tháng để đi thu thập.

Quá trình làm báo đã cho tôi nhiều bài học xương máu, đúc kết từ chính những tai nạn nghề nghiệp mà tôi vấp phải.  Sau những tai nạn như thế tôi chỉ biết… “nhấm nháp” nỗi đau và dặn mình thận trọng, thận trọng và… thận trọng khi viết bài.    

Sự kiên nhẫn là số một

Nhà báo Võ Hồng Quỳnh – Trưởng ban Giáo dục báo Tuổi trẻ: Phóng viên trong thời điểm hiện nay tác nghiệp trong điều kiện có nhiều thuận lợi hơn: Truyền thông đại chúng phát triển, phương tiện hỗ trợ (internet, web, máy ảnh, ghi âm…) hiện đại hơn.

Bên cạnh đó, chế độ lương bổng, thu nhập tốt hơn so với nhiều năm trước đây. Đặc biệt quan trọng là, phía sau mỗi phóng viên có đông đảo quần chúng, dư luận nên những tiêu cực xã hội, đời sống dân sinh, phóng viên được sự hỗ trợ, hậu thuẫn tận tình.

Nhưng khó khăn đặt ra cho phóng viên cũng không ít. Cạnh tranh giữa các tờ báo gay gắt, áp lực hoạt động nghề nghiệp căng thẳng hơn buộc phóng viên phải tìm ra những đề tài riêng nhất, độc đáo nhất.

Dưới áp lực thời sự, phóng viên vẫn phải bảo đảm sự chính xác, không gây oan ức. Thời kỳ toàn cầu hóa, các hội nghị, các hoạt động ở nước ngoài… còn buộc phóng viên phải có kiến thức, hiểu biết để thích nghi, tiếp cận sự việc. Phóng viên phải nỗ lực nhiều hơn trước.

Theo kinh nghiệm làm báo của tôi, để lấy một thông tin hiện nay phải có rất nhiều nguồn. Xuống các cơ sở có vấn đề, quan hệ chằng chịt lấy thông tin rất khó. Phải lấy từ nhiều nguồn tin: Quần chúng, dư luận, quan sát cộng thêm sự tìm hiểu của bản thân trong điều kiện vấn đề tìm hiểu là đúng.

Làm báo giữa áp lực cạnh tranh ảnh 3
Nhà báo Võ Hồng Quỳnh

Đơn cử như vụ điện kế điện tử, nó có quan hệ rất lớn đến các nhân vật lớn, chúng tôi phải tìm hiểu từ nhiều nguồn: Hải quan, Sở Công nghiệp…

Với bản thân tôi quan niệm làm báo cần nhất là sự kiên nhẫn. Phải sẵn sàng chấp nhận bị từ chối và đeo đuổi đến khi thành công. Khi làm đề tài về mãi lộ, chúng tôi phải đi nhiều đêm trong suốt 2 tháng ròng.

Việc người dân phản ánh có hiện tượng mãi lộ nhưng khi đến hiện trường không thấy xảy ra là thường xuyên. Nhưng vẫn phải cố gắng cho đến khi làm rõ được sự thật bị che đậy.

Hay vụ môi giới lấy chồng ngoại, chúng tôi phải trực tiếp đóng thành người môi giới, dấn thân vào. Phải mất rất nhiều ngày để được tin tưởng, thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn…

Phóng viên ngày nay, cơ hội nhiều nhưng áp lực, thách thức cũng rất cao.

Quan trọng là sự động não của người viết

Nguyễn Viễn Sự - Phóng viên báo Pháp luật TPHCM - Giải nhất báo chí TPHCM năm 2007: Những người làm báo bây giờ có quá nhiều thuận lợi trong việc tiếp nhận thông tin và chuyển tải đến bạn đọc.

Một vụ tai nạn tàu lửa, xảy ra ở Cam Ranh cách TPHCM hơn 400 cây số vào nửa đêm nhưng sáng hôm sau đã xuất hiện trên báo. Một diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới vừa đáp xuống sân bay, dù không báo trước nhưng hàng trăm phóng viên đã nắm được thông tin và ùn ùn bám theo...

Làm báo giữa áp lực cạnh tranh ảnh 4
Phóng viên Nguyễn Viễn Sự

Cần một tấm ảnh, một ý kiến hay một thông tin nào đó phóng viên nhiều khi chỉ cần ngồi ở toà soạn nhấc điện thoại hay nhấp bàn phím vài phút là đã có thể đạt được mục đích.

Sự hỗ trợ của những công nghệ mới và những kỹ năng làm báo  mới mẻ đã giúp phóng viên luôn có những thông tin “nóng” và “nhảy múa” liên tục trên mặt báo.

Nhưng “lợi bất cập hại”, sự thuận tiện quá mức của phương tiện truyền tải, đã góp phần “bóp chết” tính độc quyền trong thông tin. Vụ tai nạn tàu lửa lúc nửa đêm hay bóng dáng của cô diễn viên điện ảnh nổi tiếng đến Sài Gòn không còn là “của lạ” của một tờ báo nào khi có hàng trăm phóng viên đua theo.

Sáng mai, lật tờ báo đầu tiên độc giả có thể thích thú vì những thông tin nóng bỏng đó nhưng lật đến tờ thứ hai, thứ ba thì sự thích thú, tò mò ấy có khả năng bị giảm dần bởi sự trùng lặp, với những thông tin và góc máy na ná nhau... Và như vậy, sự độc quyền đôi khi đã không còn nằm lại ở mức độ thông tin mà ở góc nhìn  và sự “động não” của người tác nghiệp.

Nhưng sự đào sâu tư duy ấy không phải lúc nào cũng có thể nảy ra được. Quanh năm suốt tháng bám chặt những sự kiện ở một địa phương, không chỉ làm cho phóng viên mất tính độc quyền trong thông tin mà khả năng tư duy, nhìn ra những góc mới trong sự kiện cũng sẽ bị giảm sút.

Những chuyến đi xa, đến những vùng đất mới chưa ai đến, viết những điều chưa ai biết không chỉ giúp phóng viên có được những thông tin độc cho bài viết của mình mà quan trọng hơn nó còn làm tăng vốn sống và kiến thức.

Rất có thể nhiều chuyến công tác như thế sẽ khiến phóng viên hao tổn tiền bạc vì công tác phí không đủ. Thậm chí điều đọng lại đôi khi không nằm ở những bài báo vì... “gãy” đề tài.

Nhưng  đó không phải là những chuyến rong chơi vô bổ. Khi trở về với những kiến thức thu nạp được từ những chuyến đi sẽ giúp phóng viên sẽ “đủ sức” bật ra sự đối chiếu, để chọn lọc và tìm ra được góc nhìn mới trước mỗi sự kiện.

Và giữa ngổn ngang  thông tin mà hầu như đồng nghiệp nào cũng có, sự độc quyền ấy của phóng viên sẽ rất đáng giá. Bởi nó là sự việc nhanh nhạy, chớp thời cơ mà là sự độc quyền chính  duy và vốn sống của của người viết. 

Đăng Khoa - Tân Phong
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.