Làm gì để tập hợp, sử dụng nhân tài hiệu quả?

Làm gì để tập hợp, sử dụng nhân tài hiệu quả?
TP - Anh Nguyễn Đức Khương - PGS.TS ngành khoa học quản lý, giảng viên tài chính tại Học viện Thương mại Paris, Pháp, cho rằng, sử dụng tài năng trẻ phải đi đôi với giao trách nhiệm, giao quyền và trao niềm tin cho họ...

>> Hãy nuôi khát vọng, đừng tham vọng!
>> Trực tuyến Đại hội Tài năng trẻ VN lần thứ nhất

Làm gì để tập hợp, sử dụng nhân tài hiệu quả? ảnh 1

PGS. TS Nguyễn Đức Khương. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cần có chính sách cụ thể

Theo tôi được biết, thời gian qua, có nhiều chương trình cấp quốc gia lẫn địa phương thực hiện nhằm phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, đào tạo và tôn vinh trí thức nói chung và tài năng trẻ nói riêng. Đại hội tài năng trẻ lần này do T.Ư Đoàn tổ chức cũng không nằm ngoài mục đích đó. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân và tham khảo ý kiến tổng hợp của nhiều trí thức trẻ trong và ngoài nước, tôi thấy rằng:

- Chính sách phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài còn chưa cụ thể, đồng bộ và thống nhất. Kết quả là, ai đó có thể nghe thấy câu hỏi “Tôi là tiến sỹ, tôi có trình độ chuyên môn và làm được việc ở nước ngoài, vậy tôi có được coi là một tài năng trẻ hay không?”, và “Nếu phải thì tôi phải gặp ai, tổ chức nào để có cơ hội mang trí thức của mình phục vụ đất nước?”.

- Công tác bồi dưỡng, hướng đạo cho các tài năng trẻ còn hạn chế, vì nhiều khi chúng ta không biết “nhiều tài năng trẻ” ở đâu sau khi được tôn vinh. Nhiều du học sinh có khát vọng trở về cống hiến cho nước nhà nhưng chưa nhận được những sự giúp đỡ cần thiết, hoặc mức đãi ngộ, “yêu mến người tài” còn chưa tương xứng.

- Còn có ngân sách cho việc tìm kiếm, tập hợp, tổ chức các hoạt động đóng góp của chuyên gia, trí thức trẻ ngoài nước trong khi chúng ta có thể tận dụng được ngay nguồn trí thức giỏi mà không mất công đào tạo.

- Cuối cùng, tất nhiên tài năng mới luôn cần được phát hiện, bồi dưỡng, nhưng tôi thiết nghĩ “sử dụng hết, sử dụng đúng, và sử dụng thật tốt” các nguồn có sẵn, cả trong và ngoài nước, là vấn đề cấp thiết hơn.

Đi vào thực chất

Anh Nguyễn Đức Khương (31 tuổi) hiện là PGS.TS ngành khoa học quản lý, giảng viên tài chính tại Học viện Thương mại Paris, Pháp.

Là một thành viên của khối trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp, tôi xin được chia sẻ với đại hội một số nguyện vọng và đề xuất một số giải pháp xung quanh chuyện tập hợp bồi dưỡng, phát triển và sử dụng tài năng trẻ có hiệu quả:

- Thứ nhất, nên hiểu tài năng trẻ theo một khái niệm rộng là “trí thức phục vụ lợi ích quốc gia trong sự hòa đồng với lợi ích quốc tế”, vì các chỉ tiêu đánh giá thường khó định lượng, thay đổi tùy thuộc theo ngành nghề, và mảng hoạt động.

Bên cạnh những cá nhân có thành tích cao trong các lĩnh vực khoa học, kinh doanh…v.v, với tôi, một cá nhân tập hợp được nhiều người thực hiện một mục đích có ích cho nước nhà, ví dụ xây một ngôi trường tình nghĩa, làm các công tác từ thiện đến các hộ nghèo, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, cũng là một tài năng theo đúng nghĩa của nó và tài năng đó cần được khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển hơn nữa.

- Thứ hai, nên đi vào thực chất của vấn đề “đào tạo, phát triển và sử dụng tài năng trẻ”. Có nghĩa là, phải có thực tiễn, đào tạo phải theo nhu cầu, có định hướng cụ thể. Ít nhất là phải có các chương trình hành động cụ thể để chiêu mộ và tập hợp các tài năng tham gia đóng góp.

- Thứ ba, sử dụng tài năng trẻ cũng phải đi đôi với giao trách nhiệm, giao quyền và trao niềm tin cho họ.

- Thứ tư, chúng ta phải làm thế nào đó để thanh niên trẻ Việt Nam ý thức được rằng, “tài năng chúng ta có, nhưng chưa đủ để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, và chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải có khát vọng đưa Việt Nam phát triển hơn nữa”.

Hay, cụ thể hơn, tài năng không chỉ so sánh trên tiêu chí giữa chúng ta, mà phải trên tầm quốc tế. Tránh tự thỏa mãn, bằng lòng với chính mình.

- Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, ý thức được thách thức và nhìn ra được cơ hội cho các tài năng trẻ trong điều kiện nay còn chưa đủ, việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ phải trở thành một cam kết chung của nhà nước, các cơ quan chức năng và các tài năng trẻ.

Tôi tin rằng, học ở trong hay ngoài nước không quan trọng, mà trên hết ý chí quyết tâm của mỗi cá nhân, tấm lòng vì đất nước và tinh thần đoàn kết sẽ là chìa khóa của thành công.

MỚI - NÓNG