Làm giàu từ... 0 đồng

Anh Nguyễn Văn Huỳnh (đứng, áo ngắn tay) trao đổi với công nhân đang sản xuất bếp nóng lạnh.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh (đứng, áo ngắn tay) trao đổi với công nhân đang sản xuất bếp nóng lạnh.
TP - Nhiều thanh niên vùng cao Yên Bái không có vốn, họ mạnh dạn vay ngân hàng, huy động từ bạn bè đóng góp, dựng xưởng sản xuất, quyết chí làm giàu. Họ phát triển du lịch, dịch vụ nhưng không quên giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Đam mê sáng tạo từ nhỏ

Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Huỳnh trong đợt tình nguyện hè 2017. Huỳnh đi cùng với cán bộ Tỉnh Đoàn Yên Bái trao tặng một bộ bếp nóng lạnh cho trường bán trú huyện Trạm Tấu. Được biết, Huỳnh là tấm gương phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm và đang là “ông chủ” của cơ sở sản xuất bếp nóng lạnh đặc biệt trị giá hơn 1 tỷ đồng. Huỳnh sinh năm 1993, quê ở huyện Văn Yên.

Huỳnh kể, từ nhỏ đã đam mê sáng tạo và dự nhiều cuộc thi tài năng của thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh cũng như T.Ư. Nói về việc chế tạo bếp nóng lạnh, Huỳnh bảo, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương. “Ở vùng nông thôn thường điều kiện kinh tế rất khó khăn. Để sử dụng các sản phẩm nóng lạnh hiện đại thì chi phí đầu tư, chi trả hàng tháng sẽ lớn. Thứ hai là ở vùng cao, miền núi thì không phải chỗ nào cũng có điện và cũng không thể sử dụng năng lượng mặt trời vì khí hậu lạnh và mưa nhiều”, Huỳnh nói.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, từ năm 2012, khi đang là học sinh THPT, Huỳnh đã bắt đầu nghiên cứu bếp nóng lạnh. Huỳnh bảo, ở trên vùng cao, hầu như nhà nào cũng nấu bếp củi, bếp trấu và theo phong tục thì luôn đỏ lửa cả ngày. Phải tận dụng được lượng nhiệt đó, có thể là làm nóng nước để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Nghiên cứu gián đoạn nhiều lần vì phải đi học, đến tháng 3/2016, Huỳnh mới cho ra mắt thị trường sản phẩm bếp nóng lạnh mang thương hiệu “Huỳnh Phát”. “Ý tưởng có rất lâu rồi nhưng bận đi học nên mình không làm dứt điểm được. Sau khi ra trường thì lại đi làm ngay ở địa phương rồi mới triển khai tiếp. Tính ra thì mất 4 năm vừa nghiên cứu, vừa cải tiến”, Huỳnh cho biết. Bếp nóng lạnh Huỳnh Phát rất đơn giản và dễ sử dụng. “Đây là một cái bếp bình thường, dựa trên nguyên lý đối lưu nhiệt. Bếp có khung kim loại chứa nước. Khi đun, nhiệt lượng tỏa ra sẽ khiến nước nóng nổi lên trên, nước lạnh chìm xuống dưới. Khi đun được khoảng 5 – 7 phút, áp suất sẽ đẩy nước nóng lên bình”, Huỳnh giải thích. Về cơ bản, lượng nước nóng tùy từng mục đích sử dụng, có thể dùng cho tắm giặt, sinh hoạt của gia đình, cũng có thể phục vụ các cơ sở làm dịch vụ tắm xông hơi, mát xa, các trường bán trú đặc trưng của vùng cao...

Nghiên cứu, sản xuất từ khi còn là học sinh, Huỳnh bảo, hồi đó không có một đồng vốn nào. Cậu phải bán đồ dùng, xe cá nhân để lấy tiền làm. “Khi mình làm được một vài cái rồi thì bán đi, lấy tiền làm tiếp. Khi sản phẩm khẳng định được vị thế, khẳng định được hiệu quả rồi thì thu hút đầu tư góp cổ phần, góp vốn của các thanh niên và các hộ gia đình khác. Bây giờ tính ra toàn bộ hệ thống hơn 1 tỷ đồng”, Huỳnh chia sẻ.

Hiện Huỳnh đã mở rộng ra khoảng 4 cơ sở, ngoài trực tiếp làm chủ một xưởng thì cũng có liên kết, ký hợp đồng với nhà máy ở Ba Vì (Hà Nội). “Ở trên Yên Bái thì chỉ làm theo đơn đặt hàng thôi, còn lại toàn bộ sản xuất ở dưới Ba Vì. Hiện sản phẩm của mình đã có mặt tại 8 tỉnh, mỗi tỉnh đều có đại lý phân phối. Riêng Lào Cai có tới 3 đại lý”, Huỳnh cho biết thêm.

Làm giàu từ... 0 đồng ảnh 1 Nhà sàn văn hóa bảo tồn phường Tân An, nơi anh Huỳnh xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Trường Phong.

Phát triển du lịch, gìn giữ văn hóa

Cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) khoảng 2km, dọc theo con đường bê tông rộng dẫn vào ngôi nhà sàn được trang trí bắt mắt mang tên Nhà sàn văn hóa bảo tồn phường Tân An. Đây là “đại bản doanh” dịch vụ du lịch văn hóa cộng đồng của anh Lò Thế Huỳnh (sinh năm 1987), Phó bí thư Đoàn phường Tân An.

Nhận thấy địa phương đang có kế hoạch dài hơi phát triển du lịch, anh Huỳnh mạnh dạn thuê lại nhà văn hóa trong 5 năm. “Bình thường căn nhà này bỏ không. Trẻ em chăn trâu vào phá hỏng hết vì không có ai bảo vệ. Mình mới gặp lãnh đạo phường đề xuất xin thuê lại trong thời hạn 5 năm”, anh Huỳnh nói.

Thuê được địa điểm, vốn là thợ cơ khí, anh sửa chữa lại nhà sàn, xây thêm bếp và làm công trình phụ, làm biển bảng. “Trước khi thuê còn không có hàng rào, không có điện. Trâu bò vào phá ghê lắm”, anh Huỳnh nói. Tổng mức đầu tư đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 240 triệu, ngoài anh Huỳnh còn có một người khác đóng góp, nhưng hầu hết đều vay ngân hàng. “Cũng thu hút được nhiều khách. Có đoàn khoảng gần 100 người. Thường thì vào dịp khoảng tháng 9, tháng 10 mới nhiều khách vì đúng dịp lễ hội”, anh Huỳnh cho biết.

Là Phó bí thư Đoàn phường, anh Huỳnh phối hợp với Đoàn phường tổ chức một lớp múa xòe cổ truyền, dạy cho các cháu thiếu nhi, giữ gìn bản sắc quê hương. “Chị Bí thư Đoàn phường kiêm luôn dẫn chương trình các tiết mục phục vụ khách du lịch. Chị ấy vốn là thành viên của đội múa nên cũng huấn luyện các em thiếu nhi luôn”, anh Huỳnh nói.

Anh Huỳnh cho biết, trung bình mỗi buổi biểu diễn sẽ kiếm được 1,5 triệu đồng, có thêm thu nhập cho đoàn viên, thanh niên. Anh còn kết nối với các cơ sở ở các địa danh du lịch nổi tiếng gần địa phương như Tú Lệ, Mù Cang Chải và mở thêm dịch vụ cho thuê xe máy phục vụ du khách. “Ở đây cũng có các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc. Người ngoài không nấu được đâu. Có thịt nướng, côn trùng như cào cào, bọ xít, rau nộm, cá suối. Về cơ bản, khách thích ăn gì thì mình sẽ nhờ người trong bản làng làm”, anh Huỳnh nói. Nhà sàn cũng bố trí chăn màn cho những khách du lịch muốn ngủ lại, trung bình 50 nghìn đồng/người/đêm.

Hoạt động có hiệu quả, anh Huỳnh đang tính sẽ mở rộng khuôn viên nhà sàn, xin phép chính quyền cho thuê thêm thời gian, có thể bố trí ao cá, vườn rau, đồng thời thuê ruộng đất để các du khách nước ngoài trải nghiệm cấy hái, cày bừa, ăn ở, ngủ nghỉ trong nhà dân. “Thị xã đang có nhiều chương trình thu hút khách du lịch. Hiện có một vài mô hình du lịch cộng đồng tương tự đã được triển khai. Nếu hiệu quả thì mình sẽ thuê thêm nhà văn hóa để mở rộng. Dự tính là thế chứ chưa biết thế nào vì nhà nước cho thì mới làm được. Còn nan giải lắm…”, anh Huỳnh nói.

Anh Lò Thế Huỳnh chia sẻ, mặc dù thuê nhà văn hóa để làm dịch vụ, nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của cộng đồng, nơi sinh hoạt của bà con. “Tổ dân phố có việc cần họp thì mình phải bố trí cho họ. Làm sao vừa giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào, vừa phát triển được du lịch. Nếu mình lạm dụng sẽ bị kiện ngay…”, anh Huỳnh cười nói.

MỚI - NÓNG