Làm giàu từ 'mỏ vàng' ảo

Làm giàu từ 'mỏ vàng' ảo
TP- Hiện nay, game không chỉ là trò giải trí. Nhiều game thủ chuyên nghiệp đã biết cách làm giàu thực sự từ chính “mỏ vàng” ảo này, khi kiếm được từ 25 - 30 triệu đồng/tháng.  

Giới trẻ Việt Nam thường gọi các món đồ game thủ sở hữu trong game online là “tài sản ảo”. Tuy nhiên, hiện nay, thuật ngữ này đã không còn hoàn toàn chính xác, khi mà các bạn trẻ mê game thế hệ @ “đối xử” với những đồ vật này như những tài sản hữu hình.

“Tài sản ảo” đã trở thành những món hàng có giá trị, giúp nhiều 7X - 8X - 9X thu về cho mình nhiều món tiền không nhỏ.

Chuyện mua bán trong game online được “sơ khai” từ vài năm trước 2005. Tuy nhiên, tất cả các hình thức trao đổi hàng ảo lúc này chỉ mang tính chuyển giao đơn thuần.

Đó là giai đoạn các game thủ của các game như MU online, Con đường tơ lụa, PTV “tặng” và “nhận” những món hàng từ nhau trong thế giới ảo. Chuyên nghiệp hơn là những cuộc gặp gỡ trực tiếp tại bàn cà phê, trao tiền mặt để nhận hàng ảo của Võ lâm truyền kỳ, Thế giới hoàn mỹ, Phong thần...

Bán hàng, bán acc (nhân vật) để kiếm 1 - 2 triệu đồng trở nên đơn giản với không ít cư dân game.

Dần dần, như một xu hướng tất yếu, kiếm tiền qua bán hàng trong game trở thành mốt và lan truyền rộng rãi với những cư dân trẻ tuổi của cộng đồng mạng. Một cách tự nhiên, nó trở thành xu hướng “làm giàu”.

Và thế giới ảo bỗng chốc trở thành thị trường kinh doanh tồn tại song song với những hình thức kinh doanh trong đời thực.

Chợ ảo, siêu thị ảo, đấu giá ảo

Để tồn tại và thịnh hành lâu dài, chiếm được đông đảo thành viên là điều mà bất cứ cty phát triển game nào cũng mong muốn. Có một thời, “đốt cháy” thị trường game Việt là Lineage II, Warcraft, FIFA Soccer, MU online… thì hiện nay, nó lại được thay thế bằng Võ lâm truyền kỳ (Vinagame), Con đường tơ lụa (VDC - net 2e), Audition, Crazy Kart, Space Cowboy (VTC)…

Và xu hướng kiếm tiền qua game thịnh hành trong giới trẻ đồng nghĩa với việc các game online muốn thu hút người chơi phải tạo cho các nhân vật trong game nhiều “tài sản ảo”.

Từ việc trao đổi hàng ảo đơn thuần với quy mô nhỏ bé, chính xu hướng tìm cách kiếm tiền qua game online của giới trẻ đã đẩy thị trường đồ ảo thành các “siêu thị”.

Ví dụ như áo giáp, trang sức… trong game… vô giá trị trong đời thực được mua bằng những cái giá cao ngất ngưởng. Nhiều trang web với lượng truy cập khổng lồ lại là trang web rao bán… đồ ảo như choao.vn, sieuthigames.com.vn, market4gamer.net, 123shop.vn… Các trang này hoạt động hiệu quả không kém gì trang web của các doanh nghiệp.

Thậm chí, dịch vụ cầm đồ cũng xuất hiện trong thị trường ảo này. Trang 123shop.vn sẵn sàng nhận “cầm” đồ ảo nếu game thủ ở vào thế kẹt… tiền. Còn thế giới game items và  market4gamer.net thì tung ra dịch vụ ký gửi đồ bán. Người có hàng ảo muốn bán có thể mang đến các trang web này nhờ… quảng cáo và phải trả 10% phí giao dịch.

Giới trẻ… “nhiều tiền” nhờ game

Nick name shaitanz- Nguyễn Mạnh Linh - cựu game thủ (từng đứng hạng ba World Cyber Game 2003, vô địch World Cyber Game 2004) cho biết: “Ngày nay, việc kiếm vài triệu đồng do bán acc và hàng ảo không còn là xa lạ với các gamer. Có những bạn đã trở thành “đại gia” chỉ bằng việc ngồi nhà cày acc (nhân vật) và items (hàng ảo)”.

Phạm Trường Sơn là giám đốc M4G - “công ty… ảo” đứng ra tổ chức nhiều buổi đấu giá hàng ảo có tiếng với giới game thủ. Theo lời anh, chỉ riêng việc tổ chức những phiên giao dịch này, doanh thu đã lên tới 85 triệu đồng (trong tháng 9 với 176 lượt giao dịch) và 98 triệu đồng (trong tháng 10 với 180 lượt).

Việc một số nhân vật sẵn sàng bỏ tiền đầu tư hàng chục chiếc máy tính chỉ để tạo nhân vật trong game online, tìm hàng ảo để bán kiếm tiền cũng không còn hiếm hoi trong làng game Việt.

Một game thủ tên Cường đã đầu tư hẳn 40 chiếc máy tính, chỉ để chạy ngày chạy đêm luyện nhân vật và tìm hàng ảo để trao đổi. Số tiền một tháng nhân vật này kiếm được là 25 - 30 triệu đồng/ tháng - lớn hơn nhiều so với tiền lương của một số bạn trẻ làm việc trong những ngành nghề ổn định.

Ngày 8/ 9, tại Hà Nội đã diễn ra buổi đấu giá hàng ảo Võ lâm truyền kỳ đầu tiên ngoài đời thực với tổng số tiền trao đổi lên đến 500 triệu đồng. Riêng chiếc nhẫn Toàn thạch giới được mua với mức giá kỷ lục 251 triệu đồng (trong khi một chiếc nhẫn ngoài đời thực có giá trị cao cũng chỉ đến vài chục triệu đồng).

Vậy mà vẫn không ít bạn trẻ tham gia và sẵn sàng rút tiền túi để mua những món hàng này. Điều này một lần nữa chứng tỏ, kiếm tiền qua mua bán hàng ảo trong game online đã trở thành một xu hướng thịnh hành của giới trẻ @.

Linh Nga

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.