Làm lại cuộc đời: Đại ca rẽ lối

Từng “lấy số” trong giới giang hồ bằng những lần đánh nhau bất kể sống chết, từng bị tuyên án tù, nhưng anh Trần Đình Hiền (31 tuổi), ở thôn Công Thạnh 1, xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định đã chọn ngã rẽ để làm lại cuộc đời.

Ăn chơi đánh rơi tuổi trẻ

Anh Hiền kể lại quãng đời tuổi trẻ của mình: “Cách đây 7 năm, nhiều người dân ở thôn Công Thạnh 1, xã Tam Quan Bắc, ngán tôi lắm. Đang học lớp 11, tôi bỏ ngang để làm nghề nuôi tôm, nhưng cái chính là tụ tập bạn bè ăn nhậu, đua xe và đánh nhau.

Hồi ấy, cứ vài ngày, nhóm của tôi lại gây gổ với các nhóm thanh niên khác trong thôn, xã. Chỉ cần không ưa người nào hoặc nghe ai làm giọng đại ca là đánh, có khi chỉ để thể hiện sức mạnh của nhóm.

Rồi khi đã có hơi men, cả nhóm chất ba, bốn lên xe máy, rú ga hết cỡ... Tôi trở thành đại ca của nhóm vì thành tích máu lạnh khi đánh người. Đánh nhau do xích mích, rồi cả đánh thuê. Có ai cần gấp một nhóm đánh người là nhóm do tôi cầm đầu với mã tấu, dao phay… lập tức có mặt”.

Cũng trong những ngày tháng ấy, sau một lần ăn nhậu rồi kéo bè tới đập phá trụ sở thôn, nhóm của Trần Đình Hiền bị bắt rồi bị tòa tuyên án 6 tháng tù giam. Sau lần đó, Hiền không những không tỉnh ngộ mà còn ấp ủ kế hoạch gầy dựng lại nhóm để tiếp tục tung hoành ăn chơi.

“Lúc ấy, anh Nguyễn Nâu, nguyên là cán bộ Xã đội, đến gặp tôi, khích tôi đi học võ, làm nhiều việc có ích sẽ được mọi người nể hơn là làm “đại ca”. Anh đánh đòn quyết định: “Mày chỉ được cái tính hung hăng, làm oai chứ vào khuôn khổ, rèn giũa kiểu nhà binh là không chịu nổi”. Tính hiếu thắng khiến tôi nghĩ, nếu không đi bộ đội sẽ bị cho là hèn nhát nên đã đồng ý nhập ngũ”, anh Hiền kể.

Sống cuộc đời thứ hai

Xuất ngũ, Trần Đình Hiền về lại gia đình với rất nhiều đổi thay. Không còn một Hiền đại ca máu lạnh chuyên quậy phá, đánh lộn. Không còn Hiền của những ngày trước. Anh lấy vợ, sinh con rồi theo bạn học nghề làm trần thạch cao. Cuộc sống mới của một tay anh chị như Hiền sẽ không có gì đáng nói nếu anh không trở thành bí thư chi đoàn thôn nổi tiếng cảm hóa được nhiều thanh niên chậm tiến trong vùng.

Anh Hiền chia sẻ: “Mình cũng từng là thanh niên chậm tiến, từng ở cái đỉnh quậy phá nên rất hiểu tâm lý của nhiều bạn như mình ngày trước. Do vậy, hễ mình đến nói chuyện là các bạn ấy chịu lắng nghe và dần thay đổi. Điển hình là mình đã vận động được anh Hồ Quang Bình từ chậm tiến trở thành công an viên…”.

Thời gian đầu, anh Hiền vận động các thanh niên chậm tiến ở địa phương đi theo mình làm thạch cao. Mỗi ngày kiếm được trên 100.000 đồng. Mỗi lần đi nhận công trình làm thạch cao, Hiền thỏa thuận với các bạn sẽ trích phần kinh phí đóng quỹ đoàn. Chính thời gian lao động kiếm tiền đã choán hết thời gian nhàn rỗi tụ tập và dần làm các bạn tỉnh ngộ.

Ngoài ra, anh còn đề xuất UBND xã cho Chi đoàn thôn nhận giữ xe ở chợ Công Thạnh, vừa tránh tình trạng mất cắp xe vừa giúp đường thông hè thoáng. Nhờ công việc này mà những đoàn viên thuộc diện hộ nghèo của thôn có việc làm ổn định, với thu nhập 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Mỗi tháng, việc giữ xe ở chợ Công Thạnh góp cho quỹ Đoàn hơn 1 triệu đồng để tổ chức các hoạt động như giao lưu, kết nghĩa với các đơn vị bộ đội, công an; tuyên truyền về luật Giao thông, tìm hiểu HIV/AIDS…  Chi đoàn thôn luôn có mặt giúp đỡ các gia đình thanh niên khi gặp khó khăn, đau ốm…

 Anh Hiền nói chính cuộc sống mới với các công tác xã hội, gầy dựng phong trào Đoàn của thôn từ yếu kém lên xuất sắc được Tỉnh đoàn khen thưởng khiến anh lu bù trong rất nhiều niềm vui vì được góp sức cho sự đổi thay tốt đẹp. Cái tên Trần Đình Hiền đã trở thành quen thuộc và tin cậy với các thanh niên, đoàn viên trong thôn.

Năm 2011, anh Hiền trúng cử đại biểu HĐND xã Tam Quan Bắc. “Mình thấy vui và tự hào lắm vì được bầu và trúng cử có nghĩa là được người dân tin, mà tin một người từng có quá khứ bất hảo như mình. Không có lý do gì để mình không cố gắng trước sự tin tưởng đó”, anh hào hứng chia sẻ. 

Ông Nguyễn Nâu, Phó chủ tịch HĐND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Trần Đình Hiền từng làm tôi mất ăn, mất ngủ vì phải giải quyết hậu quả các vụ việc do Hiền gây ra.

Do tiếp xúc nhiều, tôi nhận ra Hiền chỉ có tính nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ chứ thực chất là người tốt, biết giúp đỡ mọi người. Quả thật, tôi đã đánh liều khi đấu tranh với chính quyền xã, thôn đề bạt Hiền vào chức vụ thôn đội trưởng. Hiền là một thanh niên tiến bộ vượt bậc trong mọi nhiệm vụ quân sự, thanh niên ở địa phương”.

Theo Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.