Làm rạng danh trí tuệ VN: Thế hệ 9X

Làm rạng danh trí tuệ VN: Thế hệ 9X
Chiến thắng lịch sử của cờ vua VN đã khiến các quan chức cờ vua nước chủ nhà thất vọng. Bởi trước khi vào giải, cờ vua Philippines đặt chỉ tiêu phải đoạt hơn phân nửa số HCV.

Nhưng trước sự xuất sắc của các kỳ thủ VN, các quan chức cờ vua Philippines có nằm mơ cũng không ngờ rằng họ không có nổi một tấm HCV nào! Trước thất bại này, chủ tịch Liên đoàn Cờ vua Philippines Goh Teng Kok đã tuyên bố từ chức.

Sau khi chứng kiến các kỳ thủ VN giành trọn bộ tám chiếc HCV của môn thể thao trí tuệ này, báo chí Philippines đã hết lời ca ngợi các kỳ thủ VN, cũng như mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến thất bại của nước chủ nhà. Tờ The Star viết: “Các VĐV cờ vua Philippines gây thất vọng lớn vì không đoạt HCV nào, trong khi đó ở SEA Games 22 Philippines đoạt 3 trong tổng số 4 HCV của nam.

Làm rạng danh trí tuệ VN: Thế hệ 9X ảnh 1

Nguyên Ngọc Trường Sơn  cùng Lê Quang Liêm chia nhau HCV, HCB nội dung cờ cá nhân. Ảnh : Tuổi Trẻ

Thất bại này là cái thua “mất mặt” cho đoàn thể thao Philippines tại SEA Games 23 mà lý do chính vì VĐV VN thi đấu quá xuất sắc”. Tương tự, tờ Manila cũng viết: “Nguyễn Ngọc Trường Sơn, đại kiện tướng quốc tế nhỏ tuổi nhất châu Á (15 tuổi) và Lê Quang Liêm, đương kim vô địch U-14 thế giới, đã thi đấu xuất sắc và là nguồn cảm hứng giúp VN đoạt HCV đồng đội cờ tiêu chuẩn trong ngày thi đấu cuối”.

Được xem là hai gương mặt sáng giá nhất làm rạng danh trí tuệ VN, thế nhưng với hai VĐV tuổi 9X này đâu phải chỉ biết có đấu cờ.

Làm rạng danh trí tuệ VN: Thế hệ 9X ảnh 2

Nguyễn Ngọc Trường Sơn (phải). Ảnh : Tuổi trẻ

Nguyễn Ngọc Trường Sơn

Sinh ngày 23-2-1990, năm nay Nguyễn Ngọc Trường Sơn chưa bước qua tuổi 16. Tuy nhiên, Trường Sơn được gia đình, bạn bè gọi vui là “ông cụ non”. Là người từng gắn bó với cờ vua, thú thật tôi đã có lần không hài lòng về cái tính hay “lý sự” của Trường Sơn. Nhưng phải thừa nhận rằng không phải VĐV nào cũng có được tính vượt khó và bản lĩnh như VĐV này. Dưới đây là bức thư Sơn gửi về nhà khi đang cùng đội tuyển cờ vua VN đi tập huấn.

“Kính gửi bố mẹ yêu quí. Ở trên này con tập rất đầy đủ, ngày tập sáu tiếng. Con vừa mới bị cảm, sổ mũi, ho nhưng đã đỡ nhiều. Con vừa lĩnh được 600.000đ, gửi thầy Cường về cho bố mẹ đỡ vất vả...

... Bố mẹ dưới có khỏe không, đi làm đều đặn không? Em Dương ở nhà khỏe chứ, có phá không? Con mong muốn bố ở nhà đừng hút thuốc lá, uống rượu mà chú tâm chăm sóc mẹ và em Dương. À quên. Con còn một số việc muốn kể nốt cho bố mẹ nghe, ở trên này con đi tập bơi. Con còn đánh được cờ vây nữa và khi con viết thư về cũng là ngày con đánh với thầy bốn ván, ăn cả bốn.

...Có lẽ lúc con đang viết thư thì bố mẹ đang ăn tối cùng em Dương. Ở dưới đó bọn bé Hai, Quẹo chơi trung thu có vui không? Mẹ có mua cho em Dương lồng đèn chưa?

Con xin dừng bút tại đây vì đã đến giờ nghỉ. Và con hứa với bố mẹ một điều rằng con sẽ chăm chỉ tập luyện để đoạt huy chương ở giải toàn quốc, châu Á và thế giới”.

Nguyễn Ngọc Trường Sơn: Vô địch thế giới (lứa tuổi U-10), vô địch châu Á (lứa tuổi U-12), là VĐV trẻ nhất châu Á và đứng thứ nhì thế giới đạt chuẩn đại kiện tướng quốc tế (danh hiệu cao quí nhất của Liên đoàn Cờ vua thế giới).

Năm 2000, Sơn được vinh dự là VĐV nhỏ tuổi nhất có mặt tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Và mới đây được bầu chọn là VĐV số 1 của thể thao VN trong năm 2004. 2 HCV cá nhân, 2 HCV đồng đội tại SEA Games 2005.

Ngần ấy năm qua, bố mẹ Sơn vẫn cất giữ lá thư này của con trai mình. Thậm chí anh Nguyễn Ngọc Sinh, bố của Sơn, giờ đã bỏ được thuốc lá như mong muốn của con trai. Còn với rượu, anh Sinh cho biết tuy chưa bỏ hẳn nhưng giờ đã rất hạn chế, chỉ uống trong những dịp rất vui hoặc khi có người thân, bạn bè đến thăm.

Còn ông Trịnh Hoàng Cường - hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ thể thao Kiên Giang, đồng thời là “thầy ruột” của Sơn - thì giải thích: “Có lẽ đã mang cái nghiệp cờ vào thân, tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Trường Sơn luôn sống xa nhà và những suy tính, những ván cờ đã khiến Sơn già dặn đi nhiều. Ở tuổi lên chín, lứa tuổi mà lẽ ra phải được bố mẹ bảo bọc, vỗ về thì Sơn đã rày đây mai đó, sống cuộc sống tự lập. Có lẽ nhờ vậy mà Sơn rèn luyện được cho mình sự bình tĩnh cần thiết để vượt qua khó khăn”.

Mà thật vậy, ở tuổi của Sơn không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua được mọi thử thách. Còn nhớ năm 2000, sau khi giành HCV lứa tuổi U-10 thế giới, Nguyễn Ngọc Trường Sơn được đưa lên tận mây xanh. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó khi dự giải U-12 Sơn lại trắng tay, và lúc đó dư luận bắt đầu nghi ngờ về độ tuổi trung thực của Sơn.

16 tháng trước khi đạt được chuẩn đại kiện tướng thế giới trẻ nhất châu Á và trẻ thứ hai thế giới vào cuối năm 2004, Trường Sơn đã một thân một mình đi tập huấn ở Hungary. Mẹ của Sơn - chị Trần Thị Minh - kể: “Dù sống nơi xa xôi, nhưng trong những cuộc điện thoại đường dài Sơn rất quan tâm đến cuộc sống của gia đình, thầy cô ở VN. Từ việc học của em Dương đến sức khỏe của bố, hay như cái máy vi tính của mẹ còn chạy tốt không cũng được Sơn hỏi thăm rất cặn kẽ”.

Trở về nước sau gần hai năm tầm sư học đạo, tại SEA Games lần này Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã giành được đến 4 HCV ngoài sự mong đợi, trong đó có 2 HCV cá nhân, là một trong những người có nhiều đóng góp nhất cho đoàn thể thao VN.

Không chỉ giành chiến thắng, tại giải này Sơn cũng đã trình làng được một sức cờ trẻ trung, tươi tắn và có phần táo bạo khiến các kỳ thủ lão làng như đại kiện tướng quốc tế Torre Eugenio (55 tuổi) Antonio Rogelio (43 tuổi) đều choáng váng. Trong đó, hay nhất là ván thứ sáu Sơn hạ đại kiện tướng Antonio của chủ nhà. Ván này cả hai đã đấu trí với nhau suốt bốn giờ đồng hồ, và Sơn dù cầm quân đen nhưng cũng đã giành trọn một điểm sau 62 nước đi.

Làm rạng danh trí tuệ VN: Thế hệ 9X ảnh 3

Lê Quang Liêm. Ảnh : Tuổi Trẻ

Lê Quang Liêm

Trong giai thoại vui làng cờ vua VN, Lê Quang Liêm được nhắc đến là một kỳ thủ có lần dám cãi lời thầy mình để bênh vực thần tượng Lục Vân Tiên.

Chuyện kể rằng để giáo dục lòng say mê cờ ở các VĐV trẻ, các HLV của đội tuyển TP.HCM thường hay thêm thắt các tấm gương vượt khó, rồi kể lại với các VĐV trẻ của mình. Trong số đó có trường hợp đại kiện tướng quốc tế Đào Thiên Hải.

Thật ra, khi kể chuyện Đào Thiên Hải nén lại niềm đau sau đại tang cha mới vừa một tuần để thi đấu thành công, các thầy dạy cờ chỉ với ý định là rèn luyện ý chí chiến đấu cho các kỳ thủ trẻ khi mới bắt đầu đặt chân vào làng cờ đỉnh cao. Bởi, theo các HLV, muốn chiến thắng đối thủ không chỉ cần có tài năng mà còn cần đến một sự tập trung cao độ.

Lê Quang Liêm: Vô địch U-14 thế giới năm 2005, HCV giải U-16 châu Á 2005, HCV giải U-10, U-12, U-14, U-16 Đông Nam Á từ năm 2001.

Được phong kiện tướng quốc tế 2005. Mới đây nhất là giành HCB cá nhân cờ truyền thống SEA Games 23, 2 HCV đồng đội SEA Games 22.

Nhưng có thầy đã “nâng cấp” câu chuyện trên hơi quá xa khi bảo với các học trò rằng muốn trở thành một kỳ thủ chuyên nghiệp thì khi ngồi trước bàn cờ là phải quên đi tất cả mọi thứ xung quanh mình. Cho dù bố mẹ có chết đi nữa thì cũng tập trung thi đấu cho xong đã rồi mới khóc than sau...

Có lần khi nghe kể lại câu chuyện trên, Lê Quang Liêm đã phản đối. Cậu bé bảo: “Nếu như thế thì con không làm kỳ thủ chuyên nghiệp đâu. Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu đang đi thi mà nghe tin mẹ mất thì khóc đến độ mù cả mắt kia mà. Con thà học theo Lục Vân Tiên chứ không học làm kỳ thủ chuyên nghiệp đâu”.

Không như Trường Sơn chấp nhận đơn thương độc mã một mình hàng năm trời ở xứ người để rèn luyện, Lê Quang Liêm lại được gia đình hướng theo một con đường khác: muốn tiếp tục chơi cờ, phải học văn hóa giỏi. Chính yêu cầu “văn võ song toàn” này đã làm cho cậu bé Lê Quang Liêm không còn có tuổi thơ của mình.

Như mới đây, sau khi đoạt HCV lứa tuổi U-14 quốc tế, tranh thủ ba tháng hè Lê Quang Liêm được đưa sang Hungary dự giải First Saturday để lấy chuẩn đại kiện tướng quốc tế, và khi về nước lại tiếp tục chạy đua với bài vở của năm cuối cấp trung học cơ sở tại Trường Cầu Kiệu, Phú Nhuận, TP.HCM. Trước SEA Games do gặp khó khăn về thời gian, Lê Quang Liêm tưởng chừng chỉ có thể chọn thi đấu cờ hoặc tiếp tục học văn hóa. Ây vậy mà với lòng quyết tâm và ý chí của mình, kỳ thủ này đã làm được “2 trong 1” và thành công ngoài mong đợi.

Có thể nói, năm 2005 là đại hỉ đối với Lê Quang Liêm (TP.HCM) khi chỉ trong bốn tháng trở lại đây kỳ thủ 14 tuổi này liên tiếp giành được các danh hiệu cao quí như vô địch giải U-14 thế giới, giành thêm chuẩn thứ ba để được công nhận kiện tướng quốc tế, 1 HCB cá nhân cờ truyền thống SEA Games, 2 HCV đồng đội.

Ông Đặng Tất Thắng - tổng thư ký Liên đoàn Cờ:

“Đây là chiến thắng vang dội và huy hoàng nhất mà tôi chứng kiến trong suốt bao nhiêu năm theo ngành cờ”

Trưởng đoàn SEA Games 23 Nguyễn Hồng Minh:

“Quả thật tôi quá vui mừng và không thể tin được cờ vua lại giành chiến thắng oanh liệt như vậy”

MỚI - NÓNG