Arthur Ting - Chủ tịch tập đoàn CT&D:

Làm việc không chỉ để kiếm tiền

Làm việc không chỉ để kiếm tiền
TP - Chủ tịch tập đoàn CT&D (Central Trading & Development) là một người còn rất trẻ: Ông Arthur Ting, 34 tuổi. Phương châm làm việc của Arthur Ting là “không biết thì học, thấy đúng thì làm, gặp khó khăn thì nhẫn nại”.
Làm việc không chỉ để kiếm tiền ảnh 1

Khu Chế xuất Tân Thuận hiện thu hút 60.000 công nhân, chiếm tới 1/6 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và là khu chế xuất hàng đầu khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trở thành mẫu mực về đô thị hiện đại sạch và xanh. Nhà máy điện Hiệp Phước trở thành nguồn cung cấp điện tại chỗ quan trọng và vào thời cao điểm đã cung cấp tới 45% điện năng cho TPHCM… Tất cả đều mang dấu ấn của tập đoàn CT&D.

Làm từ thiện khó hơn kinh doanh

Được biết, gần đây tập đoàn CT&D làm từ thiện rất nhiều. Trong khi đó, theo cách hiểu thông thường, nhà đầu tư là người tập trung cao nhất cho kinh doanh kiếm lợi nhuận. Ông có thể giải thích về điều này?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng không phải bây giờ, khi việc đầu tư đã có lợi nhuận chúng tôi mới làm mà việc này chúng tôi đã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, thời gian đầu, do còn nhiều khó khăn nên chúng tôi chỉ tập trung ở một số lĩnh vực. Quan điểm của chúng tôi là đầu tư vào những nơi thực sự cần thiết và chưa ai làm.

“Không phải khi anh là chủ tịch tập đoàn thì không không cần học hỏi ai cả. Tôi thừa nhận chủ tịch một tập đoàn lớn mà trẻ như tôi thì ít nhưng không chỉ có mình tôi. Phương châm của tôi là: Không biết thì học, thấy đúng thì làm, gặp khó khăn thì nhẫn nại”.

Chúng tôi là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên ủng hộ chương trình vá môi hở hàm ếch của TP HCM. Sau đó chuyển qua giúp người nghèo mù được mổ mắt miễn phí.

Khi đã góp phần tạo được phong trào ở các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tài trợ mổ mắt thì chúng tôi mở trường học.

Chúng tôi trở thành doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tiên xây trường học - Trường Bán công Nam Sài Gòn - sau đó hiến tặng toàn bộ cho ngành giáo dục TP HCM quản lý.

Những việc mà chúng tôi làm cho tới ngày hôm nay đều có dấu ấn từ cha tôi (Cố Chủ tịch CT&D Lawrence S. Ting). Ông vốn coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình.

Sau khi cha tôi mất, chúng tôi quyết tâm thành lập Quỹ học bổng hiếu học mang tên cha tôi và được UBND TP HCM đồng ý. Trọng tâm của Quỹ là bồi dưỡng nhân tài.

Quỹ Lawrence S. Ting được thành lập vào 15/3/2005 nhưng trước đó chúng tôi đã quyên góp và trao được trên 3 triệu USD. Và chúng tôi lại quyết định làm một việc chưa ai làm là xây một trường cấp 2-3 chuyên đào tạo tài năng Việt Nam tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Trường mang tên Lawrence S. Ting có 42 lớp, 1.200 học sinh, đầu tư khoảng 10 triệu USD, hoạt động phi lợi nhuận, dự định khai giảng vào năm học 2008- 2009. Đây sẽ là trường đào tạo tiên tiến dành cho học sinh tài năng của Việt Nam.

Có khi nào ông nghĩ đến việc cấp học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Đài Loan?

Tôi cho rằng làm từ thiện khó hơn làm kinh doanh, vì kinh doanh chỉ là việc mình đặt ra mục tiêu và cố gắng đạt được mục tiêu đó, còn làm từ thiện thì vô cùng tận, đối tượng mình cần giúp quá nhiều. Chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp, nguồn lực cũng có hạn nên hiện tại chỉ có thể chuyên tâm vào những việc hiện cụ thể đang làm.

Làm việc không chỉ để kiếm tiền ảnh 2
Đại diện tập đoàn CT&D trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Làm việc không chỉ để kiếm tiền

Là người trẻ, thành đạt sớm, điều hành một doanh nghiệp lớn, ông có chịu nhiều áp lực công việc không?

Áp lực thì ai cũng có và điều đó xảy ra hàng ngày. Nhưng thực tình tôi cảm ơn cha tôi đã để lại sự nghiệp cùng đội ngũ nhân viên tốt như hiện nay. Nhờ có họ mà mọi công việc đều trôi chảy.

Đại bộ phận đều giống tôi, làm việc không phải chỉ để kiếm tiền mà còn là tìm được niềm vui. Tuy nhiên, để công việc tốt hơn thì người lãnh đạo phải nghĩ đến nhân viên và gia đình của họ. Trước đây, khi chưa làm Chủ tịch tập đoàn thì  tôi không nghĩ vậy đâu, nhưng giờ thì phải nghĩ rồi (cười).

Là Chủ tịch tập đoàn, khi làm việc với người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha chú mình, có nhiều kinh nghiệm hơn và chưa phục mình thì ông xử sự như thế nào?

Đúng là đi đâu tôi cũng là người trẻ nhất (cười). Tuy nhiên, người trẻ cũng có mặt tốt, đó là trẻ nên không phải cái gì cũng biết và đã không biết thì phải học hỏi. Không học ở đâu tốt bằng học ở các bậc tiền bối, là những người có nhiều kinh nghiệm.

Không phải khi anh là chủ tịch tập đoàn thì không không cần học hỏi ai cả. Tôi thừa nhận chủ tịch một tập đoàn lớn mà trẻ như tôi thì ít nhưng không chỉ có mình tôi. Phương châm của tôi là: Không biết thì học, thấy đúng thì làm, gặp khó khăn thì nhẫn nại.

Trong khi điều hành công việc, ông phải đưa ra các quyết định nhưng không phải quyết định nào của ông cũng được tất cả mọi người ủng hộ?

Tôi là người biết lắng nghe và rất hoan nghênh người có ý kiến khác mình. Thông thường khi có vấn đề trọng đại, chúng tôi đều cùng thảo luận. Tôi thường lắng nghe trước khi quyết định.

Trong các quyết định quan trọng, tôi thường liên tưởng tới cha tôi: Nếu phải làm việc này, cha tôi xử lý thế nào? Làm điều này đúng hay không?

Bất kể anh là chủ tịch hay không, anh phải nghe đầy đủ, đặc biệt là chủ tịch thì càng phải lắng nghe. Và khi anh đã cho rằng đúng thì đó là việc phải làm và dĩ nhiên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Có thể nhận thấy ông chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha. Ông đã được chuẩn bị gì cho công việc ngày hôm nay?

Khi còn sống, ba tôi dự kiến nghỉ hưu vào năm 2005 vì ông cho rằng những việc cần làm đã xong, ông sẽ dành thời gian cho công việc khác có ý nghĩa hơn là hoạt động từ thiện.

Chúng tôi biết là sớm hay muộn thì tôi, anh tôi cũng là người làm tiếp những gì cha tôi đã làm. Tôi có may mắn là được cùng làm với cha tôi từ năm 1997 cho đến ngày cha tôi ra đi mãi mãi.

Giới trẻ Việt Nam hiện rất mê kinh doanh, thần tượng của nhiều người là các doanh nhân thành công. Họ muốn biết nhiều hơn về những doanh nhân thành công nghĩ gì, làm gì hoặc đơn giản chỉ là khi thất bại thì họ hành xử như thế nào. Ông có thể nói gì với họ?

Làm việc không chỉ để kiếm tiền ảnh 3
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ngày nay

Tôi năm nay 34 tuổi, đủ trẻ để hiểu những người trẻ nghĩ gì. Đất nước muốn phát triển thì phải có nhiều người làm kinh doanh và đó là công việc người trẻ nên làm.

Tôi chỉ muốn lưu ý rằng, dù làm gì cũng chớ quên gia đình mình và sức khỏe của bản thân mình. Tôi từng chứng kiến nhiều người mải mê kinh doanh quá, tới khi ngoảnh lại thấy con đã lớn (cười).

Người trẻ cũng mải mê công việc, ít để ý đến sức khỏe. Khi bạn bệnh tật và không có một gia đình hạnh phúc thì có bao nhiêu tiền cũng không đủ, không đáng. Tôi cho rằng các bạn trẻ đừng bao giờ sợ khó khăn, thất bại. Chỉ khi nào anh nếm trải những đắng cay của khó khăn hay thất bại thì mới cảm nhận được hương vị ngọt ngào của thành công.

Một ngày làm việc của ông như thế nào?

Tôi làm việc theo yêu cầu công việc đòi hỏi nên thời gian không cố định lắm. Khi cần thì có thể làm việc 7 ngày liên tục trong tuần. Tôi từng có lúc 6 tháng liên tục chỉ ngủ 3 tiếng mỗi ngày.

Tôi thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Đài Loan. Nhà tôi có 4 anh chị em. Ngoài chị hai tôi vì công việc nên ở lại Đài Loan, còn lại đều thường xuyên ở Việt Nam.

Tự nhận là người coi trọng gia đình nhưng với thời gian biểu làm việc căng thẳng như vậy, ông có dành thời gian chăm sóc gia đình riêng? Ông có thể bật mí đôi chút về gia đình riêng của ông?

Tôi là người bình thường, cũng có nhu cầu vui chơi giải trí. Tôi có vợ và một con gái một tuổi rưỡi. Gia đình tôi hiện có bốn thế hệ cùng chung sống, bao gồm bà ngoại, mẹ, vợ chồng tôi và con cháu.

Dù bận đến mấy tôi cũng thu xếp để đi picnic với cả đại gia đình, đây là thú vui lớn nhất của chúng tôi. Không như nhiều doanh nhân khác, chúng tôi không có định hướng gì cho con cái cả. Cứ để các cháu sống vui vẻ khỏe mạnh, phát huy hết những khả năng mà mình có, đeo đuổi những công việc mà mình yêu thích.

MỚI - NÓNG