Lan tỏa phong trào “Sinh viên 5 tốt”

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
TP - Tạo môi trường học tập, rèn luyện cho sinh viên phát triển toàn diện, kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng,… là những giải pháp được các đại biểu đưa ra nhằm phát triển phong trào “Sinh viên 5 tốt” tại hội nghị chuyên đề về “Sinh viên 5 tốt” khu vực miền Bắc, ngày 9/6. Hội nghị do Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong chủ trì.

“Sinh viên 5 tốt” dễ có việc làm

Có mặt tại hội nghị, Hoàng Duy Mạnh, sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính chia sẻ, bản thân biết đến phong trào “Sinh viên 5 tốt” từ năm nhất đại học. “Sau một năm phấn đấu, em tự tin làm hồ sơ cho danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương nhưng không đạt. Lúc đó, em mới vỡ lẽ, danh hiệu này không hề dễ dàng đạt được chút nào. Đó cũng chính là động lực giúp em nỗ lực hơn nữa từ học tập đến rèn luyện, hội nhập. Nhờ đó, chỉ 1 năm sau em đã chinh phục được danh hiệu cao quý này”, Mạnh kể. Tuy nhiên, lúc đó, Mạnh không nghĩ danh hiệu này sẽ mang lại giá trị gì cho tương lai của cậu. “Cho đến một lần em tham gia vào ngày hội tuyển dụng do Học viện Tài chính tổ chức và ứng tuyển vào một ngân hàng có tiếng. Khi đọc bản CV của em, vị giám đốc hỏi danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” là gì. Nghe em giới thiệu về các tiêu chí để đạt danh hiệu này, ngay lập tức vị giám đốc mời em vào vòng phỏng vấn sân khấu và trở thành một trong hai người đạt. Em chỉ chờ ngày nhận bằng để đi làm tại ngân hàng này”, Duy Mạnh chia sẻ.

Từ câu chuyện cá nhân của mình, Duy Mạnh khẳng định, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” với những tiêu chí khắt khe của mình rất hấp dẫn các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế rất ít doanh nghiệp, nhà tuyển dụng biết đến danh hiệu này. Vì vậy, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhằm giúp những sinh viên 5 tốt có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Mạnh cũng đề xuất, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần bổ sung thêm tiêu chí tin học.

Đào Việt Bách, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, từng đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương chia sẻ, việc chuẩn bị hồ sơ “Sinh viên 5 tốt” khá phức tạp. “Nhiều sinh viên làm hồ sơ gửi đi rồi không đạt nhưng không hiểu mình thiếu những tiêu chí nào để còn phấn đấu. Vì vậy, theo tôi, các cấp bộ Hội cần có hệ thống đánh giá hoặc website để sinh viên tự kiểm tra, đánh giá các tiêu chí xem mình đang ở đâu, thiếu những tiêu chí nào để hoàn thiện”, Việt Bách đề xuất.

 Đỗ Thị Bích Phượng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Ngoại thương đồng tình với những tiêu chí đặt ra với danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Tuy nhiên, theo Bích Phượng, phong trào mới chỉ nhắm tới những sinh viên toàn diện, nên những sinh viên mới có 3 tốt, 4 tốt cảm thấy nhụt chí. Bích Phượng đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục xét duyệt hồ sơ “Sinh viên 5 tốt”; tạo hệ sinh thái sinh viên để các bạn có thể tự đánh giá mình và tự đẩy hồ sơ. Bên cạnh đó, tạo sự kết nối với nhà tuyển dụng cho các sinh viên 5 tốt.

Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng

PGS. TS. Đinh Văn Hường, Trưởng ban Chính trị và công tác học sinh, sinh viên - ĐHQG Hà Nội, cho biết, phong trào “Sinh viên 5 tốt” tại ĐHQG Hà Nội thực sự trở thành động lực, mục tiêu phấn đấu của sinh viên. Phong trào cũng góp phần đổi mới phương thức giáo dục, tạo ra thế hệ sinh viên toàn diện không chỉ học giỏi mà còn giàu kỹ năng, tham gia tích cực hoạt động cộng đồng và hội nhập tốt. Hiện ĐHQG Hà Nội có 31 sinh  viên 5 tốt cấp trung ương, 197 sinh viên 5 tốt cấp thành phố, 400 sinh viên 5 tốt cấp ĐHQG. Hiện ĐHQG Hà Nội có 100 CLB được thành lập; thực hiện được 75 công trình ở vùng sâu, vùng xa với kinh phí 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo PGS. Đinh Văn Hường, thành tích đó chỉ mới là kết quả bước đầu và chưa hài lòng hoàn toàn, bởi vẫn còn một bộ phận sinh viên còn thờ ơ với phong trào và một số giải pháp tuyên truyền về “Sinh viên 5 tốt” còn khô cứng, chưa phù hợp với sinh viên.

Thầy Hường đề xuất, để phong trào “Sinh viên 5 tốt” thực sự phát triển mạnh mẽ, các nhóm giải pháp cần nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của cấp uỷ, lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ hội tích cực lăn xả thì phong trào sẽ phát triển; đồng thời tăng tính tích cực, chủ động cho sinh viên. “Và vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải làm thật tốt công giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, tạo cho sinh viên bản lĩnh vững vàng để tự bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch, trái chiều”, PGS TS. Đinh Văn Hường khẳng định.

Nhấn mạnh về hiệu quả tích cực của phong trào “Sinh viên 5 tốt” trong đổi mới phương thức giáo dục theo tín chỉ, TS. Chu Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật cho rằng: Phong trào sẽ khó thành công nếu như không có sự tham gia, ủng hộ của cấp ủy, lãnh đạo nhà trường. Đồng quan điểm PGS. TS Đinh Văn Hường, TS. Chu Mạnh Hùng đề xuất, cần đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên. “Đây là việc làm quan trọng nhất để xây dựng lý tưởng, niềm tin trong mỗi sinh viên, từ đó các em tự chủ động phòng vệ và làm chủ bản thân trước mọi diễn biến của cuộc sống cũng như tác động tiêu cực của các thế lực thù địch”, TS. Chu Mạnh Hùng nói.

Phát biểu tại hội nghị, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho hay, nhiều trường đại học xem “Sinh viên 5 tốt” như phong trào cốt lõi và là thương hiệu của nhà trường. Anh Phong khẳng định, để phong trào thực sự phát triển, cấp ủy, lãnh đạo nhà trường cần xem phong trào này như một trong các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, hội sinh viên các cấp đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền để lan tỏa phong trào, giúp các bạn sinh viên thấy được giá trị của danh hiệu, lấy đó làm động lực phấn đấu, phát triển toàn diện. Đồng thời cần có sự kết nối “Sinh viên 5 tốt” với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.