Lan tỏa vẻ đẹp bình dị của người lính

Lan tỏa vẻ đẹp bình dị của người lính
TP - Nét mới có ý nghĩa sâu sắc của Hội thi báo cáo viên "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là cùng với việc kể những câu chuyện tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, các thí sinh đã đem đến Hội thi những gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương của Bác ở các đơn vị trong quân đội.
Lan tỏa vẻ đẹp bình dị của người lính ảnh 1
Cán bộ, chiến sỹ nhiệt tình quyên góp ủng hộ đồng bào bão lũ ngay tại Hội thi

Nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện sức lan tỏa sâu rộng đến từng người lính.

“Gia đình tôi xin phép không nhận trợ cấp nữa”

Bác thương binh rụt rè bước vào phòng tiếp khách của đơn vị. Bác là phụ huynh của Trường, chiến sỹ Tiểu đội 3 vừa mới được cử đi học.

Sau phút trò chuyện, mắt rơm rớm vì xúc động, bác nói lời cảm ơn đơn vị về khoản tiền đang được hỗ trợ hằng tháng: “Cháu nhà tôi đã được đơn vị cử đi học rồi, vậy nay xin phép không nhận khoản trợ cấp này nữa”. Đồng chí chính trị viên ngạc nhiên, không hiểu đó là khoản trợ cấp nào. Hóa ra…

Gia đình Trường nghèo quá, bố là thương binh, mẹ mất sớm, em gái nhỏ đang đi học, cả nhà chỉ biết trông vào khoản trợ cấp thương binh của bố. Tự ti với cái nghèo, Trường sống khép mình, ít hoà đồng, chẳng mấy khi vui vẻ.

Thời hạn nghĩa vụ sắp hết, Trường đau đáu một khát vọng được đi học để có thể phục vụ lâu dài trong quân đội. Khi biết em gái đã phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, cậu buồn lắm.

Tiểu đội biết chuyện. Anh em bàn bạc, cùng thống nhất mỗi người góp một phần ba phụ cấp hằng tháng để giúp đỡ gia đình Trường. Ngại gia đình không nhận, tiểu đội trưởng về tận nhà Trường nói khéo rằng đây là khoản trợ cấp của đơn vị giúp gia đình thương binh.

Nhờ khoản tiền 400 ngàn đồng hằng tháng, từ đó em gái Trường lại có thể đi học, gia đình cũng đỡ khó khăn, Trường an tâm công tác và được cử đi học lớp đào tạo nghiệp vụ để sau này phục vụ lâu dài trong quân đội.

Trường đi học rồi, anh em vẫn tiếp tục góp “trợ cấp”. Trường xúc động viết thư cho bố kể rõ sự thật khoản “trợ cấp”. Và thế là bác thương binh lặn lội tìm đến đơn vị để xin thôi nhận trợ cấp.

“Cứ để con cõng mẹ”

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sảnh lần đầu ra Thủ đô thăm Lăng Bác. Hành trình dài hơn ngàn cây số khiến mẹ bị ốm khi con tàu chưa ra đến Hà Nội. Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban đón tiếp của Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng biết tin, vội vã giao việc cho đồng đội rồi trực tiếp ra tận ga đón mẹ. Tàu vào ga, mẹ Sảnh vẫn gần như nằm liệt, gắng thều thào với nhân viên đường sắt: “Hay là các anh chị cho tôi về…”.

Trung tá Sơn vừa tìm đến toa tàu, vội bước vào săn sóc, động viên: “Mẹ cứ yên tâm, bác sỹ ở đây giỏi lắm, cứ để con cõng mẹ ra xe nhé, mẹ sẽ không sao đâu, rồi mẹ còn đi thăm Bác nữa cơ mà”.

Xe đưa “hai mẹ con” về Viện quân y 354. Các bác sỹ cũng cảm động bởi sự chu đáo của Trung tá Sơn đối với mẹ Sảnh. Dù rất bận công việc, mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt người đến viếng Lăng, anh Sơn vẫn thu xếp công việc để vào bệnh viện chăm sóc mẹ Sảnh như người ruột thịt. Có hôm anh quên cả ăn.

Vài hôm sau, mẹ xuất viện. Anh trực tiếp đưa bà cụ vào viếng Bác. Phút chia tay về miền Nam, mẹ Sảnh nắm tay chàng trai đất Bắc, xúc động: “Cả đời má chỉ ước ao một lần ra thăm Bác. Bộ đội Cụ Hồ tốt quá. Giờ mẹ nhắm mắt cũng an lòng”.

Một mình chống lại Hà Bá

Binh nhất Nguyễn Sỹ Thức choàng tỉnh giấc giữa đêm khuya sau một ngày vật lộn với cơn bão lịch sử đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài kia lũ cuồn cuộn tràn về. Có tiếng phụ nữ kêu cứu. Anh ào tới không chút chần chừ.

Cô gái trẻ đã được Thức cứu thoát khỏi tay Hà Bá. Lại thêm một người phụ nữ gần đó đang chới với được anh kịp đưa vào bờ. Những nóc nhà đang dần chìm nghỉm, khắp nơi vọng lên tiếng kêu cứu. Thức lao xuống dòng nước xiết, bơi đến từng nóc nhà lần tìm nạn nhân. Cái lạnh đã ngấm thấu da thịt, sức đuối cạn nhưng Thức chưa thể dừng lại.

Nhanh tay khéo léo, anh gom cây chuối kết thành bè. Một mình Thức cùng bè chuối, cứ thế trong đêm 21 người đã được anh cứu sống. Trời đã gần sáng, mệt và đói rã rời, người lính trẻ lả đi.

Mảng vai trần và ngực anh nhòa máu vì bị cành cây cào nát. Bà con thôn Chiết Bi đưa anh vào nơi sơ tán cấp cứu. Mọi người thầm cảm ơn người lính dũng cảm xả thân trong bão lũ cứu dân.

Đầy ắp những câu chuyện về người lính thời bình đang học tập, làm theo lời Bác. Các báo cáo viên đã khiến nhiều người dự Hội thi phải bật khóc. Chị Thúy ở Trung tâm 47 Bộ tham mưu Hải quân “làm dâu trăm họ”, chăm lo từng bữa ăn cơm lành canh ngọt cho bộ đội từ mờ sáng đến đêm khuya; Chị Nguyệt ở Cty Đông Bắc, Bộ Quốc phòng, có chồng bị suy thận nặng, nhà lại quá nghèo, đã mấy lần anh định tự tử. Đôi vai gầy của chị vẫn gánh vác tất cả, hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị, động viên, chăm sóc anh vượt qua gian khó; Chị Lệ ở Đoàn 1 Đặc công chắt chiu từng đồng xu bỏ lợn để góp tiền đưa con đi mổ tim, đồng thời vẫn là tấm gương chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị…

Hội thi do Quân chủng Hải quân đăng cai tổ chức tại TP Hải Phòng diễn ra từ ngày 13-15/8. Tham dự có 69 thí sinh là những người lính đến từ các đơn vị trong toàn quân đã xuất sắc vượt qua những cuộc thi cấp cơ sở.

Đặc biệt, có đơn vị có hai bố con hoặc hai chị em cùng tham gia dự thi và đều đạt giải cao. Toàn quân có hơn 10.200 lượt thí sinh dự thi, trong đó có hơn 9.000 lượt thi kể chuyện, hơn 2.000 buổi tuyên truyền, trực tiếp phục vụ 340.760 lượt cán bộ chiến sỹ.

Ngay sau khi khai mạc Hội thi, toàn thể các thí sinh, cán bộ tham dự đã nêu cao tinh thần sống, học tập và làm theo lời Bác, bằng hành động quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung và Tây Nguyên đang phải chịu cảnh bão lũ. Tổng số tiền quyên góp được hơn 8.400.000đ.

MỚI - NÓNG